Hiệu trưởng được biết đến là người đứng đầu các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo. Vậy làm thế nào để trở thành hiệu trưởng? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về những tiêu chuẩn hiệu trưởng theo quy định pháp luật hiện hành.
Hiệu trưởng là ai? Hiệu trưởng là công chức hay viên chức?
Hiệu trưởng là ai? Là công chức hay viên chức?
Khái niệm “hiệu trưởng” được quy định trong các Thông tư do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành theo từng cấp học cụ thể. Tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT quy định:
“Hiệu trưởng trường tiểu học là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường.”.
Tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT quy định:
“Hiệu trưởng trường trung học là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường.”
Có thể thấy, khái niệm “hiệu trưởng” không được khái quát và quy định chung trong một văn bản nhưng từ những quy định được dẫn chiếu trên thì có thể hiểu hiệu trưởng là người quản lý và điều hành mọi hoạt động cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của trường học.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức năm 2010 thì các trường học ở các cấp tiểu học, trung học (bao gồm THCS, THPT, trường trung học có nhiều cấp học) là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc địa phương; các trường đại học, học viên là các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo cũng như các Bộ, Cơ quan chuyên ngành đào tạo.
Vì vậy, hiệu trưởng được xác định là người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì người giữ chức vụ quản lý, điều hành và tổ chức việc thực hiện các hoạt động, công việc của đơn vị sự nghiệp công lập được gọi là viên chức quản lý đơn vị sự nghiệp công vậy. Theo quy định này có thể hiểu hiệu trưởng là viên chức quản lý.
Tiêu chuẩn hiệu trưởng theo quy định hiện hành
Tiêu chuẩn hiệu trưởng hiện nay
Theo những phân tích trên thì hiệu trưởng là viên chức quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập và là người có trách nhiệm về mọi hoạt động cũng như chất lượng đào tạo của trường học.
Vì vậy, để trở thành hiệu trưởng thì cá nhân viên chức phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định. Tuỳ vào mỗi cấp học mà tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành hiệu trưởng cũng được quy định khác nhau. Cụ thể:
Tiêu chuẩn hiệu trưởng tiểu học
Để trở thành hiệu trưởng tại các trường tiểu học công lập thông qua hình thức bổ nhiệm hoặc được công nhận là hiệu trưởng tại các trường tiểu học tư thục thì cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT. Cụ thể các tiêu chuẩn được quy định như sau:
Đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông được quy định tại Chương II Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT, bao gồm: Phẩm chất nghề nghiệp; Quản trị nhà trường; Xây dựng môi trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin;
Đạt trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo đối với cấp tiểu học theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành;
Có thời gian dạy học ở cấp tiểu học ít nhất là 5 năm. Tuy nhiên, đối với các trường tiểu học ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, các địa phương có điều kiện về kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số thì thời gian dạy học ở cấp tiểu học chỉ cần ít nhất là 04 năm.
Tiêu chuẩn hiệu trưởng trường Trung học cơ sở và phổ thông
Đối với người trở thành hiệu trưởng tại cấp trung học, bao gồm THCS, THPT và trung học có nhiều cấp thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT. Tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 11 Thông tư này quy định người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng tại các trường đào tạo cấp trung học công lập của Nhà nước hoặc được công nhận là hiệu trưởng tại các trường trung học tư thục phải đáp ứng được các điều kiện sau:
Đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông được quy định tại Chương II Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT;
Đạt trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo đối với cấp trung học theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành;
Đạt trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo đối với cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành;
Có thời gian dạy học ở cấp học tương ứng ít nhất là 5 năm. Tuy nhiên, đối với các trường tiểu học ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, các địa phương có điều kiện về kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số thì thời gian dạy học ở cấp học đó chỉ cần ít nhất là 04 năm.
Như vậy, khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về chuẩn hiệu trưởng, trình độ đào tạo, thời gian giảng dạy thì sẽ được bổ nhiệm hoặc công nhận làm hiệu trưởng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.
Nhiệm vụ, quyền hạn hiệu trưởng các cấp
Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng
Về bản chất, hiệu trưởng sẽ có nhiệm vụ và quyền hạn trong việc quản lý và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của trường học.
Tuy nhiên, ở mỗi cấp học khác nhau, nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng cũng có những nội dung khác nhau, cụ thể:
Thứ nhất, nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng tiểu học (được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT):
“ - Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền.
- Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật, hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan quản lý giáo dục; xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên; động viên và tạo điều kiện cho giáo viên và nhân viên tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục; thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên, nhân viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển, sắp xếp giáo viên; tổ chức các bước giới thiệu nhân sự đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng.
- Quản lý, tiếp nhận học sinh, cho phép học sinh chuyển trường; quyết định kỉ luật, khen thưởng học sinh; phê duyệt kết quả đánh giá học sinh, danh sách học sinh lên lớp, lưu ban; tổ chức kiểm tra công nhận việc hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh trong nhà trường và các đối tượng khác trên địa bàn trường phụ trách.
- Tổ chức triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sách giáo khoa, nội dung giáo dục của địa phương theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thực hiện quản lý, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý. Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia giảng dạy theo quy định về định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng.
- Quản lý hành chính; quản lý và tự chủ trong việc sử dụng các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường theo quy định.
- Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện xã hội hoá giáo dục, phối hợp tổ chức, huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia hoạt động giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng xã hội.
- Xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo quy định của Pháp luật.
- Được hưởng chế độ phụ cấp đối với nhà giáo và các chính sách ưu đãi theo quy định.”
Thứ hai, nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng các trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp (được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT):
“ - Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường theo quy định tại Điều 9 Điều lệ này; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; tổ chức thành lập hội đồng trường theo quy định tại điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 10 Điều lệ này;
- Tổ chức xây dựng chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, quy hoạch phát triển nhà trường; quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; kế hoạch giáo dục hằng năm của nhà trường để trình hội đồng trường phê duyệt và tổ chức thực hiện;
- Thực hiện các quyết định hoặc kết luận của hội đồng trường về những nội dung được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Điều lệ này. Trường hợp hiệu trưởng không nhất trí với quyết định của hội đồng trường cần xin ý kiến cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp của nhà trường. Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp, hiệu trưởng vẫn phải thực hiện theo quyết định của hội đồng trường đối với các vấn đề không trái với quy định của pháp luật hiện hành và Điều lệ này;
- Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường và các quyết định của hội đồng trường trước hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;
- Thực hiện tuyển dụng, quản lý giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động, tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật;
- Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh trung học phổ thông (nếu có) và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh;
- Quản lý tài chính và tài sản của nhà trường;
- Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh; thực hiện quy chế dân chủ, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong tổ chức hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục của nhà trường;
- Chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động; thực hiện công khai đối với nhà trường và xã hội theo quy định của pháp luật;
- Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý; được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và các chính sách ưu đãi theo quy định; tham gia dạy học theo quy định về định mức giờ dạy đối với hiệu trưởng;
- Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.”
Trên đây là một số quy định về hiệu trưởng mà chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định trên, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.