Ngoại tình là hành vi vi phạm pháp luật và tùy thuộc vào mức độ vi phạm, có thể bị phạt hành chính thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy khi phát hiện vợ/chồng của mình ngoại tình thì nộp đơn tố cáo ngoại tình như thế nào?
Nộp đơn tố cáo ngoại tình ở đâu?
Nộp đơn tố cáo ngoại tình ở đâu?
Thông thường, người tố cáo có thể nộp đơn tố cáo ở cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn; Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Cần lưu ý, khi nộp đơn tố cáo phải kèm theo các bằng chứng để chứng minh cho hành vi ngoại tình của vợ/chồng của mình, chẳng hạn như hình ảnh, tin nhắn, bản ghi âm, ghi hình.
Theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, hành vi ngoại tình là hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể là việc người đã kết hôn nhưng lại chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc việc một người chưa kết hôn nhưng lại chung sống với người đã có chồng/vợ.
Việc “chung sống như vợ chồng” theo quy định trên được hiểu như sau:
- Có vợ, chồng nhưng sống chung với người khác hoặc chưa kết hôn mà sống chung với người đã có chồng, vợ.
- Việc sống chung có thể công khai hoặc không, nhưng phải cùng sinh hoạt chung như một gia đình.
Hồ sơ tố cáo ngoại tình gồm những gì?
Để được hỗ trợ và xử lý nhanh chóng, người nộp đơn tố cáo ngoại tình cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu tố cáo khi nộp đến cơ quan nhà nước. Hồ sơ, tài liệu để tố cáo ngoại tình bao gồm:
- Đơn tố cáo ngoại tình: Đơn phải gồm những nội dung cơ bản như thông tin nhân thân của người tố cáo, người bị tố cáo, nội dung tố cáo, danh sách các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn tố cáo.
- Bản sao y công chứng CCCD/CMND/hộ chiếu của người nộp đơn tố cáo.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn giữa người tố cáo và người bị tố cáo.
- Bằng chứng chứng minh cho việc tố cáo ngoại tình: Bằng chứng phải khách quan, không được qua chỉnh sửa, làm giả, đảm bảo tính hợp pháp và sự thật khách quan của vụ việc. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác minh tính xác thực, hợp pháp của chứng cứ.
Quy trình xử lý đơn tố cáo ngoại tình
Quy trình xử lý đơn tố cáo ngoại tình
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu trên, người tố cáo ngoại tình đến trực tiếp các cơ quan có thẩm quyền để nộp đơn tố cáo hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Sau khi nhận đơn, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các thủ tục sau (theo Điều 28 Luật Tố cáo 2018):
Bước 1: Tiếp nhận và thụ lý đơn tố cáo
Sau khi tiếp nhận, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra thông tin, xác minh vụ việc được tố cáo, xem xét tính hợp lệ của đơn tố cáo ngoại tình. Sau đó đưa ra một trong các kết luận:
- Thông báo thụ lý đơn tố cáo: nếu đủ điều kiện thụ lý tố cáo
- Thông báo từ chối đơn tố cáo: nếu không đáp ứng đủ điều kiện, và phải thông báo lý do từ chối thụ lý đơn tố cáo ngoại tình cho người nộp đơn
Bước 2: Xác minh, làm rõ nội dung đơn tố cáo
Việc xác minh nội dung tố cáo ngoại tình phải được giao có cơ quan có thẩm quyền để xử lý và được thực hiện bằng văn bản.
Bước 3: Kết luận về nội dung tố cáo ngoại tình
Kết luận nội dung tố cáo bao gồm: kết quả xác minh nội dung đơn tố cáo, xác định có hay không có hành vi ngoại tình; các biện pháp xử lý vi phạm (nếu có) và thẩm quyền xử phạt của các cơ quan có thẩm quyền.
Bước 4: Xử lý kết luận tố cáo
Căn cứ theo kết luận nội dung tố cáo, các cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm xử lý theo đúng nội dung kết luận tố cáo.
Thời gian giải quyết đơn tố cáo ngoại tình là bao lâu?
Theo Điều 30 Luật Tố cáo 2018, thời hạn giải quyết tố cáo hành vi ngoại tình tối đa là 30 ngày, trong trường hợp tình tiết phức tạp cần làm rõ thêm thì được gia hạn tối đa là 02 lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 31/2019/NĐ-CP, thì vụ việc phức tạp là vụ việc có 01 trong các tiêu chí sau:
- 01 nội dung tố cáo nhưng phải xác minh từ 02 địa điểm trở lên;
- Có ≥ 02 nội dung phải xác minh
- Nhiều người tố cáo về cùng 01 nội dung/nội dung tố cáo liên quan đến quyền, lợi ích của nhiều người;
- Có yếu tố nước ngoài: Người tố cáo ở nước ngoài/là người nước ngoài; hành vi bị tố cáo xảy ra ở nước ngoài; nội dung tố cáo phải xác minh ở nước ngoài;
- Nội dung tố cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức;
- Các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết tố cáo còn ý kiến khác nhau;
- Tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn.
Còn vụ việc đặc biệt phức tạp là vụ việc có từ 02 tiêu chí nêu trên trở lên.
Như vậy thời hạn tối đa để giải quyết đơn tố cáo ngoại tình là 90 ngày, tính từ ngày nhận đơn tố cáo.
Trên đây là những quy định liên quan đến tố cáo ngoại tình và nộp đơn tố cáo ngoại tình ở đâu. Nếu có thêm vấn đề cần hỗ trợ và giải đáp, quý bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài trực tuyến 19006192 để được hỗ trợ và giải đáp.