hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 03/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Pháp luật xử lý tội bắt cóc trẻ em ra sao? Có bị tử hình không?

Pháp luật quy định về tội bắt cóc trẻ em như thế nào? Người phạm tội phải đi tù bao nhiêu năm? Cùng theo dõi những nội dung dưới đây của HieuLuat để hiểu thêm về tội danh này cũng như cách xử lý hành vi phạm tội.

Mục lục bài viết
  • 1. Các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em là gì?
  • 2. Tội bắt cóc trẻ em bị xử lý hình sự như thế nào?
  • 2.1. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
  • 2.2. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
  • 2.3. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
Câu hỏi: Cho tôi hỏi, với tội danh bắt cóc trẻ em thì pháp luật xử lý thế nào? Phạm tội bắt cóc trẻ em đi tù cao nhất bao nhiêu năm, tội danh này có bị tử hình không?

Chào bạn, HieuLuat xin đưa những thông tin như sau để bạn tham khảo về vướng mắc của mình. Đầu tiên cùng tìm hiểu các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em:

1. Các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em là gì?

Điều 1 Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Bên cạnh đó, trẻ em là đối tượng được pháp luật ưu tiên bảo vệ. Theo khoản 1 Điều 4 Luật Trẻ em 2016, bảo vệ trẻ em là việc:

  • Thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh
  • Phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em
  • Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Các yêu cầu bảo vệ trẻ em tại Điều 47 Luật này, thực hiện theo ba cấp độ: Phòng ngừa; Hỗ trợ; Can thiệp.

Điều 6 Luật Trẻ em 2016 cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em cụ thể như sau:

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em.

2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

4. Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.

5. Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

6. Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình…

Như vậy, bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em là một trong các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em.

toi bat coc tre em

2. Tội bắt cóc trẻ em bị xử lý hình sự như thế nào?

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, người có hành vi bắt cóc trẻ em tùy theo mục đích, tình tiết thực hiện hành vi phạm tội mà có thể cấu thành một trong những tội danh liệt kê dưới đây:

2.1. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

Hành vi: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Mức hình phạt cao nhất: lên đến 15 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 (Theo Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).         

2.2. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

- Hành vi: Bắt cóc trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Mức hình phạt cao nhất: tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(Theo Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

2.3. Tội mua bán người dưới 16 tuổi

- Hành vi:

+ Chuyển giao/tiếp nhận trẻ em để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo.

+ Chuyển giao/tiếp nhận trẻ em để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

+ Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp trẻ em để thực hiện 02 hành vi ở trên.

- Mức hình phạt: Với một trong các hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người dưới 16 tuổi, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng - 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 (Theo Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

2.4. Tội bắt cóc con tin

- Hành vi: Bắt, giữ hoặc giam trẻ em làm con tin nhằm cưỡng ép cơ quan, tổ chức, cá nhân … làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin.

- Mức hình phạt: Với hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội bắt cóc con tin với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù.

 (Theo Điều 301 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

3. Tội bắt cóc gây chết người có bị tử hình không?

Câu hỏi: Chào HieuLuat, cho tôi hỏi nếu phạm tội bắt cóc mà dẫn đến hậu quả chết người thì có bị tử hình hay không?

Chào bạn, căn cứ theo khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 - 07 năm...

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.”.

Như vậy, nếu bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có dẫn đến hậu quả làm chết người thì có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

HieuLuat vừa giải đáp thông tin liên quan đến tội bắt cóc trẻ em. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X