hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 28/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chống người làm nhiệm vụ phòng dịch, bị xử lý thế nào?

Chống người đang thi hành công vụ không phải là hành vi hiếm gặp tại Việt Nam, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy, tội chống người thi hành công vụ bị xử lý ra sao?

Thế nào là chống người thi hành công vụ?

Câu hỏi: Xin chào, tôi có vấn đề sau mong nận được giải đáp, anh trai tôi có uống rượu say và gây sự với hàng xóm. Gia đình bên kia gọi công an tới để giải quyết nhưng vì có rượu trong người nên anh tôi đã chửi bới và có hành vi đánh lại công an khiến anh kia bị xây xước nhẹ. Vậy xin hỏi anh trai tôi có bị truy cứu về tội chống người thi hành công vụ không? Tôi xin cảm ơn!

Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP giải thích về người thi hành công vụ và hành vi chống người thi hành công vụ như sau:

1. Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

2. Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội chống người thi hành công vụ:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Theo đó, hành vi cấu thành nên Tội chống người thi hành công vụ gồm:

- Hành vi dùng vũ lực làm cho người thi hành công vụ bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe hoặc chưa gây ra thương tích đáng kể nhằm mục đích cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ;

- Hành vi đe dọa dùng vũ lực (bằng lời nói hoặc hành động) để uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ nhằm mục đích cản trở những người nay không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Hành vi dùng thủ đoạn khác như: Chửi bới, không thực hiện theo yêu cầu của người thi hành công vụ,... nhằm mục đích cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Lưu ý, ngươi thực hiện hành vi phải biết rõ hành vi của mình để nhằm mục đích cản trở người đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

Ngoài ra, yếu tố hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, do vậy chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong các hành vi nêu trên là tội phạm đã hoàn thành.

Xét trong trường hợp của anh trai bạn, khi công an đến can ngăn, giải quyết mâu thuẫn nhưng anh trai bạn lại có hành vi dùng vũ lực để chống lại, mặc dù không để lại hậu quả thương tích nhưng hành vi này đã cản trở công an thực hiện nhiệm vụ nên hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ.


Tội chống người thi hành công vụ bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)

Chống người thi hành nhiệm vụ phòng, chống Covid-19, bị xử phạt bao nhiêu?

Câu hỏi: Hàng xóm nhà tôi đã có hành vi chống đối khi bên Tổ Covid-19 cộng đồng của xã đến yêu cầu xét nghiệm Covid-19 để sàng lọc. Vậy xin hỏi hành vi của người này sẽ bị xử lý thế nào? Tôi cảm ơn!

Người thực hiện hành vi chống đối người đang thi hành nhiêm vụ phòng, chống dịch Covid-19 sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ.

- Về xử phạt hành chính, căn cứ theo Điều 20 Nghị định 167/2013, mức phạt hành vi chống người thi hành công vụ như sau:

Hành vi

Mức phạt

Môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng

- Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

- Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

- Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 02 triệu đồng - 03 triệu đồng

- Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;

- Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

Phạt tiền từ 03 triệu - 05 triệu đồng

- Về truy cứu trách nhiệm hình sự:

Tại Điều 330 Bộ luật Hình sự quy định:

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm".

Như vậy, người có hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất là phạt tù đến 07 năm.

Trên đây là các thông tin liên quan đến Tội chống người thi hành công vụ. Nếu còn băn khoăn hoặc có thêm vướng mắc, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.

>> Bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ bị xử lý thế nào?

Có thể bạn quan tâm

X