hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 07/10/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có bị tử hình không?

Cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản như thế nào? Có bị tù chung thân nếu phạm tội cưỡng đoạt tài sản hay không? … Bài viết dưới đây của HieuLuat sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về tội phạm cưỡng đoạt tài sản.

Câu hỏi: Kính chào Luật sư, tôi đang tìm hiểu về tội cưỡng đoạt tài sản nhưng chưa hiểu rõ làm cách nào để nhận biết loại tội phạm này. Mong Luật sư giải đáp giúp tôi. Tội cưỡng đoạt tài sản có hình phạt cao nhất là gì? Có chung thân hoặc tử hình đối với loại tội phạm này không Luật sư?

Xin chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận toàn bộ câu hỏi vướng mắc về tội phạm cưỡng đoạt tài sản. Căn cứ quy định pháp luật về hình sự hiện hành, HieuLuat giải đáp cho bạn như sau:

Tội cưỡng đoạt tài sản được nhận biết thế nào?

Tội cưỡng đoạt tài sản là một trong những loại tội phạm xâm phạm sở hữu theo quy định của pháp luật hình sự. Cưỡng đoạt tài sản là loại tội phạm trực tiếp xâm hại đến quyền sử dụng, định đoạt, chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu.

Tội phạm này được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định trên và thông qua cấu thành tội phạm có thể nhận biết rõ ràng loại tội phạm này. Cụ thể:

Cấu thành tội phạm

Nội dung cụ thể

Mặt khách quan

Hành vi của người phạm tội là đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác. Trong đó:

  • Đe dọa dùng vũ lực là hành vi của người phạm tội hướng tới mục đích để người bị tấn công có cảm giác sợ hãi, tin rằng người tấn công sẽ làm phương hại đến sức khỏe, tính mạng của mình thông qua thái độ, cử chỉ, lời nói.

    • Mục đích là để người bị đe dọa thấy rằng nếu không giao tài sản cho người đe dọa thì sẽ bị dùng bạo lực.
  • Dùng thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần người khác để nhằm chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi đe dọa sẽ làm một việc gây hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị đe dọa nếu họ không giao tài sản.

    • Biểu hiện của hành vi này có thể là đe dọa tố cáo/tố giác hành vi vi phạm pháp luật, tố cáo/tố giác hành vi vi phạm đạo đức đến cơ quan làm việc, đe dọa hủy hoại tài sản, đe dọa sẽ loan truyền thông tin riêng tư của người bị đe dọa…;
  • Người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần của người bị đe dọa nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của họ đã được coi là tội phạm hoàn thành.

  • Việc có chiếm được tài sản hay không không là căn cứ định tội danh, do đây là tội phạm có cấu thành hình thức.

Mặt chủ quan

  • Lỗi của người phạm tội được xác định là cố ý trực tiếp. Người phạm tội xác định, nhận thức rõ hành vi đe dọa dùng vũ lực, hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
    • Người phạm tội đồng thời cũng đã nhận thức được trước hậu quả của hành vi đó là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác nhưng mong muốn hậu quả/kết quả đó xảy ra.

  • Mục đích của người phạm tội là chiếm đoạt tài sản của người khác. Đây là yếu tố bắt buộc trong mặt chủ quan của loại tội phạm này.

Chủ thể

  • Chủ thể của tội phạm được truy cứu tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 là người từ đủ 16 tuổi trở lên;

  • Chủ thể của tội phạm được truy cứu tại khoản 2, 3, 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 còn có thêm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi;

Khách thể

Xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác như vật, tiền, giấy tờ có giá, tài sản hữu hình,...

Như vậy, tội cưỡng đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015. Tội phạm này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác như vật, tiền, giấy tờ có giá,..

Hành vi đặc trưng của tội phạm này là đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác nhằm đe dọa tinh thần của người khác để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

toi cuong doat tai san

Tội cưỡng đoạt tài sản có bị tử hình không?

Mức hình phạt của tội cưỡng đoạt tài sản là khác nhau tùy thuộc vào mức độ phạm tội của người phạm tội. Mức phạt cụ thể còn phụ thuộc vào hồ sơ vụ việc, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt….

Cụ thể như sau:

Khung hình phạt

Mức hình phạt

Khung cơ bản

1 đến 5 năm

Khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, thuộc trường hợp:

  • Có tổ chức;

  • Có tính chất chuyên nghiệp;

  • Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

  • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

  • Tái phạm nguy hiểm.

3 đến 10 năm

Khung tăng nặng tại khoản 3 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, khi có thuộc trường hợp:

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

  • Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh;

7 đến 15 năm

Khung tăng nặng tại khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, là một trong các tình huống:

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

  • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

12 đến 20 năm

Hình phạt bổ sung

  • Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng;

  • Hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, hình phạt cao nhất đối với tội cưỡng đoạt tài sản là tù có thời hạn với mức tù cao nhất là 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.

Tội cưỡng đoạt tài sản không có mức án phạt tử hình.
Trên đây là giải đáp về tội cưỡng đoạt tài sản, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X