hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 29/10/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tội gián điệp bị xử lý thế nào? Có bị tử hình không?

Tội gián điệp có đặc điểm nhận diện đặc trưng nào? Gián điệp nguy hiểm như thế nào với mỗi quốc gia? Hình phạt áp dụng với tội danh này là gì? … HieuLuat sẽ giải đáp phần nào những vấn đề pháp lý xoay quanh tội danh này trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi mong Luật sư có thể giải đáp cho tôi được biết tội gián điệp có những dấu hiệu nhận biết đặc trưng nào? Người phạm tội gián điệp có mức án phạt hình sự ra sao Luật sư?

Chào bạn, chúng tôi xin giải đáp vướng mắc liên quan đến tội gián điệp của bạn như sau:

Sự nguy hiểm của gián điệp với an ninh quốc gia ra sao?

Trước hết, gián điệp có thể được hiểu là hành vi của người thực hiện các công việc thu thập thông tin, tin tức một cách bí mật của đối phương.

Các thông tin này sau khi được xử lý có thể là thông tin gây nguy hại, là điểm yếu của đối phương.

Thông thường, gián điệp là được sử dụng để mô tả người hoạt động tình báo, hoạt động gián điệp. Gián điệp có thể gồm gián điệp thương mại (từ được sử dụng trong hoạt động kinh tế), gián điệp của quốc gia (từ dùng trong các hoạt động chính trị, quân sự,...).

Gián điệp có rất nhiều mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia, có thể liệt kê sự nguy hiểm này như sau:

  • Gián điệp có thể đánh cắp các thông tin là bí mật quốc gia, gây phương hại đến nền độc lập, tự chủ của quốc gia đó: Bản chất của gián điệp là thu thập, tìm kiếm, xử lý các thông tin bí mật của đối phương, quốc gia. Các thông tin này càng có vị trí tối hệ trọng thì mức độ đe dọa của đối thủ hoặc quốc gia khác đối với quốc gia bị đánh cắp thông tin càng lớn;

  • Gián điệp xâm phạm trực tiếp đến đường lối đối nội, đối ngoại của quốc gia đó: Nắm trong tay các thông tin tình báo, các quốc gia khác có thể có các hành vi làm xâm phạm, đe dọa đến đường lối đối nội, đối ngoại của quốc gia bị đánh cắp thông tin;

  • Gián điệp có thể làm phá hủy sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia: Một trong những quyền bất khả xâm phạm của quốc gia là sự toàn vẹn lãnh thổ. Những thông tin về chính trị, đặc biệt là các thông tin về quân sự là những thông tin có thể trực tiếp đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia;

Đây là một số những mối nguy hiểm mà gián điệp có thể đe dọa đến an ninh quốc gia, vùng lãnh thổ.

Dưới góc độ pháp lý, Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam quy định gián điệp là một tội phạm hình sự nếu như thỏa mãn các yếu tố tại Điều 110 như sau:

Điều 110. Tội gián điệp

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;

c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.

Một số những đặc điểm đặc trưng của loại tội phạm này như sau:

Một số dấu hiệu đặc trưng trong cấu thành tội phạm

Mô tả

Khách thể của tội phạm

Xâm phạm đến an ninh đối ngoại và an ninh đối nội của nước Việt Nam, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Biểu hiện cụ thể thông qua:

  • Xâm phạm đến nền độc lập quốc gia, sự bất khả xâm phạm quyền chủ quyền, quyền lãnh thổ, sự vững mạnh quốc phòng và chính quyền nhân dân;

  • Xâm phạm đến sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, khả năng phòng thủ của đất nước;

Hành vi của người phạm tội gián điệp (thuộc mặt chủ quan của tội phạm)

  • Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc tạo dựng cơ sở để hoạt động tình báo nhằm mục đích phá hoại, chống phá nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (điểm a khoản 1 Điều 110 Bộ luật Hình sự 2015). Trong đó:
    • Tình báo được hiểu là hành vi điều tra, thu thập, xử lý tin tức tình báo bằng cách lấy cắp, vẽ sơ đồ, quay phim, chụp ảnh, ghi âm..hoặc sử dụng các phương tiện kỹ thuật khác nhằm lấy được các thông tin tình báo;...

    • Hoạt động phá hoại được hiểu là hoạt động phá hoại cơ sở vật chất, phá hoại các chính sách phát triển kinh tế xã hội và phá hoại các chính sách đại đoàn kết dân tộc;

    • Tạo dựng/gây cơ sở hoạt động tình báo là việc tuyển chọn, thu hút người vào mạng lưới gián điệp để thực hiện thu thập thông tin tình báo, phá hoại hoặc thực hiện các nhiệm vụ liên lạc, xử lý, truyền tin…;

  • Hành vi gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài được hiểu là hành vi (điểm b khoản 1 Điều 110 Bộ luật Hình sự 2015):

    • Thực hiện các hoạt động tạo dựng cơ sở (tuyển chọn người, lôi kéo, dụ dỗ người khác vào mạng lưới tình báo) và thực hiện hoạt động tình báo theo sự chỉ đạo từ nước ngoài;

  • Thực hiện một trong những hành vi sau đây (điểm b khoản 1 Điều 110 Bộ luật Hình sự 2015):

    • Hoạt động thám báo: Là hành vi của những gián điệp chịu sự chỉ đạo từ các cơ quan tình báo nước ngoài thực hiện các hoạt động như quan sát, chụp ảnh, vẽ sơ đồ…(chủ yếu trong lĩnh vực quân sự) nhằm mục đích phục vụ cho âm mưu gây chiến tranh, đánh phá bằng máy bay, tàu quân sự,...

      • Những người thực hiện hành vi này là người được cơ quan tình báo nước ngoài đưa vào Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau;

    • Hoạt động chỉ điểm: Cung cấp, thông báo bằng ám hiệu, ký hiệu cho người nước ngoài biết địa điểm cần thu thập tình báo, phá hoại hoặc bắt cóc cán bộ,...;

    • Hoạt động chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại: Đây là hành vi của người Việt Nam tạo điều kiện cho người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại như bố trí nơi ẩn náu, cung cấp trang thiết bị, phương tiện, cung cấp thông tin…

      • Những người Việt Nam thực hiện hành vi này đã biết rõ hành vi của mình là đang giúp đỡ, hỗ trợ cho người nước ngoài hoạt động tình báo ở Việt Nam;

  • Hành vi cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (điểm c khoản 1 Điều 110 Bộ luật Hình sự 2015). Biểu hiện của hành vi này như sau:

    • Tội phạm cung cấp những bí mật Nhà nước/bí mật quốc gia cho nước ngoài hoặc đã bí mật thu thập các thông tin này để cung cấp cho nước ngoài khi có điều kiện. Người có hành vi vi phạm này đã biết rõ những tin tức mà mình thu thập, có được là tin tức, tài liệu thuộc bí mật quốc gia. Động cơ và ý nghĩa của tài liệu, thông tin này không là yếu tố định tội danh.

    • Đối với hành vi thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác thì bị định tội danh gián điệp nếu các tin tức thu thập, cung cấp được nước ngoài sử dụng chống phá Nhà nước Việt Nam. Nếu không thể làm rõ mục đích sử dụng thông tin, tài liệu đã cung cấp cho người nước ngoài thì không định tội danh cho người này được.

Lưu ý: Tội gián điệp là tội danh có cấu thành hình thức, do vậy, tội phạm hoàn thành ngay khi người phạm tội nhận được chỉ đạo của nước ngoài để hoạt động gián điệp.

Chủ thể phạm tội

  • Người nước ngoài, công dân Việt Nam và người không quốc tịch;

  • Những người này có năng lực trách nhiệm hình sự và phải đạt độ tuổi luật định;

Lỗi của người phạm tội

Lỗi cố ý

Như vậy, tội gián điệp gây ra rất nhiều nguy hại cho an ninh quốc gia cũng như nền độc lập, tự chủ của quốc gia đó.

Nhận biết tội gián điệp có thể thông qua một số đặc điểm đặc trưng trong cấu thành tội phạm như chúng tôi đã nêu trên.

toi gian diep


Hình phạt cao nhất của tội gián điệp là gì?

Có 4 khung hình phạt được áp dụng đối với tội gián điệp, từ khung cơ bản đến khung hình phạt tăng nặng và cả trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:

Khung hình phạt

Trường hợp áp dụng hình phạt

Căn cứ pháp lý

Khung 1: Phạt tù có thời hạn từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình

Một trong những hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 110 Bộ luật Hình sự và đảm bảo các yếu tố cấu thành tội phạm khác

Khoản 1 Điều 110 Bộ luật Hình sự 2015

Khung 2 (khung hình phạt giảm nhẹ hơn so với khung 1): Phạt tù từ 5 đến 15 năm

Áp dụng đối với người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như phạm tội lần đầu, lập công chuộc tội, tự thú, thành khẩn khai báo…

Khoản 2 Điều 110 Bộ luật Hình sự 2015

Khung 3 (giảm nhẹ hơn so với khung 2): Hình phạt tù, thời hạn từ 1 đến 5 năm

Áp dụng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội

Khoản 3 Điều 110 Bộ luật Hình sự 2015

Khung 4: Miễn trách nhiệm hình sự

Áp dụng đối với người đã nhận làm gián điệp nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao, đã tự thú, thành khẩn khai báo cho cơ quan có thẩm quyền

Khoản 4 Điều 110 Bộ luật Hình sự 2015

Như vậy, hình phạt cao nhất được áp dụng đối với tội gián điệp là tử hình. Người nhận làm gián điệp cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu như không thực hiện nhiệm vụ được giao, tự thú và thành khẩn khai báo với cơ quan có thẩm quyền.

Trên đây là giải đáp về tội gián điệp, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X