hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 05/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tội hành hạ người khác bị phạt tù bao nhiêu năm?

Tội hành hạ người khác được hiểu là gì? Tội danh này bị xử phạt như thế nào? … Cùng HieuLuat tìm hiểu những vấn đề xoay quanh loại tội phạm này như bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tội hành hạ người khác được pháp luật hình sự quy định như thế nào? Có được xử án treo nếu như bị truy cứu trách nhiệm khi phạm tội hành hạ người khác không?

Chào bạn, với những vướng mắc về tội danh hành hạ người khác mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Tội hành hạ người khác được hiểu thế nào?

Hành hạ người khác có thể hiểu đơn giản là sự xâm phạm, gây tổn thương đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của người khác bằng nhiều hành vi, thủ đoạn khác nhau.

Người thực hiện hành hạ người khác có thể có nhiều mục đích khác nhau như để thỏa mãn nhu cầu, giải tỏa áp lực, đe dọa hoặc muốn làm tổn thương người khác…

Dưới góc độ pháp lý, tội hành hạ người khác là một trong những tội phạm hình sự thuộc chương XIV- Phần các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người của Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017.

Cụ thể, Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015, điểm e khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội danh này như sau:

Điều 140. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên.

Từ căn cứ trên, nhận thấy một số dấu hiệu đặc trưng của người phạm tội hành hạ người khác như sau:

Dấu hiệu nhận biết/cấu thành tội phạm

Mô tả cụ thể

Hành vi (thuộc mặt khách quan của tội phạm hành hạ người khác)

  • Có hành vi đối xử tồi tệ, tàn ác, mang tính bạo lực, làm nhục người khác, có tính chất lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian đối với người lệ thuộc mình. Cụ thể các hành vi này gồm:

    • Đánh đập hoặc hành động bạo lực khác có quy luật, có hệ thống;

    • Hành vi này được lặp đi lặp lại theo tần suất và trong thời gian dài như hàng tuần, hàng ngày, trong nhiều tháng, thậm chí là một hoặc nhiều năm;

  • Hậu quả của hành vi: gây đau đớn, tổn thương về sức khỏe/thể xác nhưng chưa đủ để truy tố tội danh cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và đau khổ về tinh thần;

Người bị hại

  • Người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc vật chất hoặc tinh thần với người phạm tội (quan hệ lệ thuộc về kinh tế, về tinh thân về nuôi dưỡng, giáo dục…);

    • Mối quan hệ lệ thuộc có thể giữa thủ trưởng và nhân viên, quan hệ thầy trò/cô trò, quan hệ giữa cha mẹ ông bà với con cháu, giữa vợ và chồng, giữa những người có quan hệ nuôi dưỡng,...;

  • Người bị hại có thể là người già, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai… do đó, khi thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự, các cơ quan chức năng phải xác định rõ bị hại để định tội danh chính xác;

  • Những người là bị hại thường cam chịu, không có sự phản kháng hoặc cầu cứu sự giúp đỡ;

Hậu quả của hành vi

  • Gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của người bị hại như có thương tích, ám ảnh tâm lý, hoảng loạn,...;

  • Gây rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi của người bị hại;

Chủ thể của tội phạm

  • Từ đủ 16 tuổi trở lên;

  • Có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự;

Lỗi của người phạm tội

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý

Như vậy, tội hành hạ người khác xâm phạm đến khách thể là quyền được Nhà nước bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Nhận biết tội danh này thông qua một số đặc điểm nhận dạng tiêu biểu như chúng tôi đã trình bày ở trên.

toi hanh ha nguoi khac


Tội hành hạ người khác bị xử phạt thế nào?

Tội hành hạ người khác được pháp luật quy định 2 khung hình phạt chính (khung hình phạt cơ bản và khung hình phạt tăng nặng) và không có hình phạt bổ sung.

Cụ thể, các mức phạt được xác định như sau:

Khung hình phạt

Trường hợp áp dụng cụ thể

Căn cứ pháp lý

Khung cơ bản:

  • Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm;

  • Hoặc phạt tù có thời hạn từ 03 tháng đến 02 năm;

Cấu thành tội phạm hành hạ người khác với đầy đủ các phần như:

  • Về hành vi: Lăng mạ, làm nhục, có hành vi bạo lực;

  • Về độ tuổi: Đạt độ tuổi luật định và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự;

  • Bị hại là những người lệ thuộc;

  • Lỗi cố ý;

  • Các yếu tố khác thuộc mặt khách quan, mặt chủ quan, khách thể của tội phạm;

Khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015

Khung tăng nặng: Phạt tù có thời hạn từ 1 đến 3 năm

Nếu đã đủ cấu thành tội phạm và thuộc một trong những trường hợp:

  • Bị hại là người dưới 16 tuổi/hoặc phụ nữ mà người phạm tội biết là có thai/hoặc người già yếu/hoặc người ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

    • Lưu ý: Dấu hiệu là độ tuổi để xác định là người già yếu hoặc người dưới 16 tuổi hoặc xác định người phạm tội biết bị hại là người có thai hoặc là người ốm đau là yếu tố bắt buộc để định tội danh tại khoản này.

  • Hậu quả của tội phạm là gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên: Để định tội danh ở điểm này cần phải có kết luận giám định;

  • Thực hiện hành vi phạm tội đối với 02 người trở lên;

Khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015, điểm e khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017

Kết luận: Tội hành hạ người khác là một trong những tội danh xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác mà được pháp luật bảo vệ.

Người phạm tội hành hạ người khác có thể phải đối mặt với mức án tối đa là 3 năm tù giam.

Trên đây là giải đáp về tội hành hạ người khác, nếu còn thắc mắc, bạn đọc có thể vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X