hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 10/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tội hủy hoại rừng: Thiệt hại ra sao và mức phạt thế nào?

Tội hủy hoại rừng là tội danh gì? Mối nguy hại của tội phạm này đối với xã hội như thế nào? Tội phạm hủy hoại rừng bị xử phạt như thế nào? HieuLuat xin giải đáp những vướng mắc liên quan đến tội danh này theo bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi muốn biết pháp luật hình sự quy định về tội hủy hoại rừng như thế nào? Hành vi cấu thành tội phạm hủy hoại rừng gồm những hành vi cụ thể ra sao?

Tội phạm hủy hoại rừng phải chịu mức phạt như thế nào?

Chào bạn, tội hủy hoại rừng là một trong những loại tội phạm có thể gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế, sinh học. Cụ thể, các vấn đề pháp lý xoay quanh tội phạm này mà bạn đang quan tâm được chúng tôi giải đáp như sau:

Thiệt hại mà tội phạm hủy hoại rừng gây ra là gì?

Rừng là lá phổi xanh cho Trái Đất, việc hủy hoại rừng mang lại rất nhiều hệ lụy cho xã hội về mọi mặt như kinh tế, xã hội, đa dạng sinh học, khí hậu…

Trong đó, tội phạm hủy hoại rừng là một trong những loại tội phạm có thể tạo ra hậu quả rất lớn cho hệ sinh thái rừng.

Trước hết, để hiểu tác hại mà tội phạm này gây ra đối với xã hội, cần hiểu rõ các yếu tố cấu thành tội phạm loại này.

Cụ thể, Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015, điểm a khoản 63 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội hủy hoại rừng này như sau:

Điều 243. Tội hủy hoại rừng

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);

b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);

d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);

đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

g) Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);

đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);

e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);

h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

i) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;

b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên;

c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên;

d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;

đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Từ quy định trên, ở góc độ pháp luật hình sự, tội phạm hủy hoại rừng có thể gây ra những hệ quả tồi tệ như sau:

  • Làm giảm diện tích rừng, tăng diện tích đất trống đồi trọc, là một trong những nguyên nhân làm tăng các thảm họa thiên nhiên như bão lũ, sạt lở, biến đổi khí hậu…;

  • Là nguyên nhân dẫn đến tuyệt chủng hệ sinh thái sinh vật, các động vật khác sống trong rừng;

  • Giảm giá trị, số lượng, chất lượng lâm sản;

  • Gia tăng tệ nạn xã hội, các tội phạm hình sự, nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;...

Đây là một số những hậu quả tồi tệ có thể nhận thấy thông qua quy định của pháp luật hình sự về tội hủy hoại rừng.

Dấu hiệu nhận biết tội danh này có thể liệt kê như sau:

Dấu hiệu nhận biết/Yếu tố cấu thành tội hủy hoại rừng

Mô tả cụ thể

Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội

  • Cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự;

  • Pháp nhân thương mại;

Hành vi của tội phạm (thuộc mặt khách quan của tội hủy hoại rừng)

  • Đốt, chặt phá rừng trái pháp luật;

  • Hành vi khác gây hủy hoại rừng, ví dụ như phá hủy các cây non mới trồng, sử dụng thuốc làm chết cây, hại đất không cho cây mọc,...;

  • Pháp luật hình sự sẽ truy tố tội danh nếu hành vi đốt, chặt, phá tác động trực tiếp đến đối tượng là rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, diện tích cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng, lâm sản, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ…;

Lỗi của tội phạm (thuộc mặt chủ quan của tội phạm)

Lỗi của tội phạm khi thực hiện hành vi hủy hoại rừng là lỗi cố ý

Như vậy, tội phạm hủy hoại rừng có thể gây ra những hậu quả vô cùng tồi tệ đối với xã hội.

Việc ngăn chặn, xử lý tội hủy hoại rừng là cần thiết và đúng đắn. Để tăng mức độ răn đe, xử lý đúng người đúng tội, cần xác định chính xác những yếu tố cấu thành tội hủy hoại rừng.

toi huy hoai rung


Tội hủy hoại rừng phải chịu mức phạt thế nào?

Tùy thuộc mức độ vi phạm, hồ sơ vụ án cũng như quy định pháp luật mà hình phạt áp dụng đối với tội phạm hủy hoại rừng có sự khác biệt.

Người phạm tội là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại cũng là yếu tố xác định loại hình phạt, mức phạt.

Cụ thể, mức phạt của tội hủy hoại rừng áp dụng đối với cá nhân phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội như sau:

Khung hình phạt

Cá nhân phạm tội

Pháp nhân thương mại phạm tội

Mức phạt cụ thể

Trường hợp áp dụng hình phạt

Mức phạt cụ thể

Trường hợp áp dụng hình phạt

Khung hình phạt thứ 1

  • Phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu;

  • Hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm;

  • Hoặc phạt từ từ 1 đến 5 năm;

Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015, điểm a khoản 63 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017, ví dụ:

  • Hủy hoại rừng sản xuất có diện tích từ 5000m2 đến dưới 10.000m2;

  • Hủy hoại rừng phòng hộ có diện tích từ 3000m2 đến dưới 7000m2;

  • Gây thiệt hại về lâm sản mà trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

  • ….

Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng;

Phạm một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015

Khung hình phạt thứ 2

Phạt tù có thời hạn từ 3 năm đến 7 năm

Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015, điểm a khoản 63 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017, ví dụ như:

  • Hành vi phạm tội có tổ chức;

  • Người phạm tội lợi dụng chức vụ/quyền hạn/hoặc lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi phạm tội;

  • Là hành vi tái phạm nguy hiểm;

Phạt tiền, số tiền phạt từ 2 tỷ đến 5 tỷ đồng;

Phạm tội thuộc một trong những trường hợp tại điểm a, c, d, đ, e, g, h, i khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015

Khung hình phạt thứ 3

Phạt tù có thời hạn từ 7 năm đến 15 năm

Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015, điểm a khoản 63 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017, ví dụ như sau:

  • Hủy hoại cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện trích 100.000m2 trở lên;

  • Hành vi phạm tội gây thiệt hại về lâm sản có trị giá trừ 200 triệu đồng trở lên khi rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

  • Phạt tiền từ 5 tỷ đồng đến 7 tỷ đồng;

  • Hoặc đình chỉ hoạt động thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm;

Hành vi phạm tội thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015

Khung hình phạt thứ 4

-/-

-/-

Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

Hành vi phạm tội của pháp nhân thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015

Hình phạt bổ sung

  • Phạt tiền, mức tiền phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng;

  • Hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong thời hạn từ 1 đến 5 năm;

Có thể áp dụng đối với mọi trường hợp cá nhân bị khởi tố với tội danh hủy hoại rừng

  • Phạt tiền, số tiền phạt từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng;

  • Cấm kinh doanh;

  • Cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 đến 3 năm;

  • Cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm;

Có thể áp dụng đối với mọi trường hợp pháp nhân thương mại bị khởi tố với tội danh hủy hoại rừng

Như vậy, cá nhân phạm tội hủy hoại rừng có thể phải chịu mức án cao nhất là tù có thời hạn lên đến 15 năm và còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Pháp nhân thương mại phạm tội có thể phải chịu hình phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu hành vi phạm tội thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về tội hủy hoại rừng, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X