hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 24/10/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tội không chấp hành án đi tù bao nhiêu năm?

Hiểu tội không chấp hành án như thế nào? Tội này phải chịu mức án là bao nhiêu năm?...Cùng HieuLuat tìm hiểu loại tội phạm này trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi cần được hỗ trợ như sau: Nếu không chấp hành bản án đã được tuyên có hiệu lực thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Nếu có thì đây là loại tội gì? Phải đi tù bao nhiêu năm?

Chào bạn, với câu hỏi pháp lý về tội không chấp hành án theo mô tả của bạn, chúng tôi xin giải đáp cấu thành và hình phạt của loại tội này như sau:

Như thế nào là tội không chấp hành án?

Theo thông tin bạn cung cấp, người không chấp hành bản án đã có hiệu lực của pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh không chấp hành án.

Trước hết, tội không chấp hành án là loại tội được xây dựng, hoàn thiện tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 dựa trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Điều 305 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009.

Cụ thể, tội phạm này được mô tả như sau:

Điều 380. Tội không chấp hành án

1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Tẩu tán tài sản.

3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo đó, cấu thành tội phạm không chấp hành án có một số đặc điểm nổi bật như sau:

Cấu thành tội phạm không chấp hành án

Mô tả

Hành vi (thuộc mặt khách quan của tội phạm)

Không chấp hành theo nội dung đã được tuyên trong bản án/hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

Một số ví dụ biểu hiện của hành vi này gồm:

  • Không bồi thường cho người bị thiệt hại;

  • Không giao nhà/tài sản đã chiếm giữ trái pháp luật;

  • Cha, mẹ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn;

  • Phân tán, tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ phải thực hiện;

  • Chửi bới, xúc phạm, cản trở chấp hành viên thực hiện quyết định thi hành án;

  • Không phân chia tài sản chung sau khi có quyết định/bản án ly hôn có hiệu lực của tòa án;

Hành vi không chấp hành bản án chỉ được coi là tội phạm nếu thỏa mãn 2 điều kiện (mặt khách quan của tội phạm)

  • Người phạm tội có điều kiện thi hành án nhưng không thi hành;

  • Người này đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng vẫn vi phạm;
Lưu ý:
  • ​Điều này cũng có nghĩa là, nếu người phạm tội không có điều kiện thi hành án (như không có tài sản thi hành án, không có tiền để nộp phạt…) thì không phù hợp với tội danh này.
  • Ngoài ra, tội danh này được cấu thành ngay khi người phải chấp hành bản án có điều kiện thi hành án, dù đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết hoặc đã bị xử phạt hành chính nhưng còn vi phạm và không chấp hành.

Chủ thể của tội không chấp hành án

Là những người có nghĩa vụ phải chấp hành bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Họ có thể là:

  • Bị cáo trong các vụ án dân sự (ví dụ như người đang được tại ngoại nhưng sau khi bị kết án tù đã bỏ trốn không chấp hành án phạt tù…);

  • Đồng phạm trong vụ án hình sự: Ví dụ đồng phạm bị tuyên án phạt tù, cải tạo không giam giữ, phạt tiền hoặc hình phạt bổ sung như cầm đi khỏi nơi cư trú, tịch thu tài sản.. nhưng những người này không chấp hành;

  • Bị đơn trong vụ án dân sự;

  • Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến các vụ án kinh tế, lao động, hành chính, hôn nhân gia đình…;

Lỗi của tội phạm không chấp hành án (thuộc mặt chủ quan)

  • Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

    • Theo đó, người phạm tội có đủ điều kiện để thi hành án (giao tài sản, chấp hành án phạt tù, nộp tiền phạt…) nhưng không thực hiện;

    • Người phạm tội đã biết rõ mình có nghĩa vụ thực hiện/chấp hành theo bản án/quyết định có hiệu lực của tòa án;

    • Người phạm tội biết rõ cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp buộc họ phải thi hành theo bản án/quyết định đã có hiệu lực của tòa án nhưng vẫn cố ý không chấp hành;

  • Lưu ý: Động cơ, mục đích của người phạm tội trong trường hợp này không phải là yếu tố/dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm. Vì vậy, khi xử lý, giải quyết tội phạm này không căn cứ vào mục đích, động cơ của tội phạm để định tội.

Như vậy, dấu hiệu hành vi rất quan trọng để định tội cho người phạm tội không chấp hành án là người nào có điều kiện để thi hành án, dù đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không chấp hành.

Người phạm tội không chấp hành án có thể là bị đơn trong vụ án dân sự, bị cáo trong vụ án hình sự,...

toi khong chap hanh an


Tội không chấp hành án bị đi tù bao nhiêu năm?

Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 quy định 2 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung đối với tội danh không chấp hành án.

Cụ thể hình phạt của tội danh không chấp hành án như sau:

Các hình phạt của tội không chấp hành án

Trường hợp áp dụng hình phạt

Nội dung hình phạt

Căn cứ pháp lý

Hình phạt chính ở khung thứ nhất

Không chấp hành bản án/quyết định có hiệu lực của tòa án mặc dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc vị áp dụng các biện pháp cưỡng chế

Phạt tù, thời hạn từ 03 tháng đến 02 năm

khoản 1 Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015

Hình phạt chính ở khung thứ hai

Như khung hình phạt thứ nhất và có thêm một trong những dấu hiệu sau:

  • Hành vi chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;

  • Người phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

  • Người phạm tội có hành vi tẩu tán tài sản;

Phạt tù, thời hạn từ 02 năm đến 05 năm

khoản 2 Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015

Hình phạt bổ sung

Bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án

Phạt tiền, số tiền bị phạt từ 5 triệu đến 50 triệu

khoản 3 Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015

Kết luận: Người phạm tội không chấp hành án bị áp dụng hình phạt chính là phạt tù với thời hạn cao nhất là 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền với số tiền phạt tối đa là 50 triệu.

Trên đây là giải đáp về tội không chấp hành án, trong trường hợp còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X