hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 03/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tội khủng bố có bị tử hình không? Dấu hiệu nhận biết tội khủng bố

Tội khủng bố hay tội phạm khủng bố là một trong những mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia. Cùng HieuLuat tìm hiểu về sự nguy hiểm của loại tội phạm này và hình phạt áp dụng trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, thời gian gần đây, tôi có đọc được khá nhiều thông tin về các tội phạm khủng bố và những hậu quả mà loại tội phạm này để lại cho loài người nói chung, cho từng quốc gia, vùng lãnh thổ nói riêng.

Tôi muốn Luật sư có thể giải đáp cho tôi được biết pháp luật hình sự Việt Nam quy định về tội phạm này như thế nào?

Nhận định về loại tội phạm này ra sao thưa Luật sư?

Chào bạn, xoay quanh những vướng mắc pháp lý về tội khủng bố, mối nguy hại của loại tội phạm này, chúng tôi xin được giải đáp cụ thể như sau:

Sự nguy hiểm của tội phạm khủng bố là gì?

Trước hết, tội khủng bố là một trong những tội phạm được quy định tại chương XIII - Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự 2015.

Tội phạm khủng bố hiện đang hoạt động ngày một đa dạng, phức tạp và trở nên tinh vi, phức tạp. Do đó, công tác phòng chống, xử lý loại tội phạm này phải xuất phát từ chính những mối nguy hiểm mà nó gây ra.

Một số hậu quả nguy hiểm mà loại tội phạm này gây ra có thể dễ dàng nhận thấy như sau:

  • Là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng ngàn, hàng triệu dân thường khắp nơi trên thế giới;

  • Gây bất ổn về chính trị - xã hội, thiệt hại về cơ sở vật chất, tiền bạc, cơ sở hạ tầng của quốc gia, vùng lãnh thổ do tội phạm khủng bố gây ra;

  • Phá hoại các mục tiêu chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, phá hủy hoặc làm sụp đổ hệ thống phòng thủ quốc gia, xuyên tạc/chống đối các chính sách xã hội… từ đó làm suy yếu, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, gây hoang mang trong đời sống nhân dân;

  • Hệ quả tồi tệ nhất là đe dọa nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tự chủ trong đối nội, đối ngoại của quốc gia, vùng lãnh thổ;

  • Một trong những hành vi của tội phạm khủng bố là gây kích động quần chúng nhân dân, gây ra các cuộc bạo động, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh trật tự trong xã hội;

  • Những mối nguy hại này không phải thể hiện trực tiếp, rõ ràng mà có thể tồn tại tiềm ẩn, có thể phát sinh bất ngờ và rất khó để xử lý nếu không làm tốt công tác phòng, chống.

Nhằm mục đích xử lý, răn đe và ngăn chặn tội phạm khủng bố, Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội phạm này tại Điều 299 như sau:

Điều 299. Tội khủng bố

1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:

a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;

b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo đó, một số dấu hiệu cơ bản để nhận diện tội khủng bố là:

Mô tả

Hành vi

Rất đa dạng, như:

  • Gây tình trạng hoảng sợ trong công chúng bằng cách xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân/hoặc phá hủy tài sản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân (ví dụ trụ sở làm việc, nhà kho, nơi tạm giam…) như dùng súng bắn, hoặc đầu độc bằng thuốc độc (áp dụng đối với người), cho nổ mìn, lựu đạn, bom tự chế làm người chết, thương vong, tài sản bị hủy hoại…;

  • Là người thành lập hoặc tham gia tổ chức khủng bố hoặc thực hiện tổ chức tài trợ khủng bố:

    • ​​​Đây là hành vi của cá nhân thực hiện các công việc như là người đứng đầu thành lập, tham gia vào các tổ chức khủng bố, đóng vai trò nhất định trong các tổ chức đó hoặc dùng tiền bạc, điều kiện kinh tế khác để tài trợ mua vũ khí,... cho các hoạt động khủng bố;

  • Có một, một số hoặc toàn bộ hành vi cưỡng ép/hoặc lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố hoặc thực hiện chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

    • Đây là hành vi mà người phạm tội bằng khả năng của mình, tự ý thức và tự thực hiện các hành vi nhằm thực hiện các hoạt động tuyển chọn, đào tạo, chiêu mộ người tham gia khủng bố.

    • ​Đồng thời, cung cấp vũ khí như lựu đạn, súng ống, đạn dược, thuốc độc… cho các hoạt động khủng bố;

  • Có hành vi xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cá nhân hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

    • Việc xâm hại sức khỏe, thân thể của cá nhân như bắt cóc, gây thương tích, làm suy tổn sức khỏe… của cá nhân, thậm chí là giết người gây sự hoang mang, lo lắng, hoảng sợ trong dân chúng;

  • Có hành vi tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân:

    • Đây là một trong những hành vi đang ngày một phát triển rộng rãi và khó kiểm soát của tội phạm khủng bố;

    • Những người phạm tội trong trường hợp này thường có trình độ chuyên môn, khả năng nhận thức về máy tính, mạng máy tính, viễn thông;

Về phương thức, thủ đoạn (thuộc mặt chủ quan của tội phạm)

  • Lợi dụng các sự kiện, các dịp lễ… của quốc gia để đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá và kích động quần chúng nhân dân nhằm mục đích gây rối loạn trật tự trị an;

  • Tiếp cận, nắm bắt tình hình, thông tin trọng yếu về quốc phòng an ninh, mục tiêu cần phải bảo vệ để thực hiện phá hủy, bắt cóc hoặc các hình thức khác nhằm hạ bệ, tung tin đồn thất thiệt đến quần chúng nhân dân;

  • Thực hiện các hành động vũ trang như biểu tình, bạo loạn, phá hủy các cơ sở an ninh quốc phòng, nơi chứa quân nhu quốc phòng,...;

Chủ thể

  • Người từ đủ 16 tuổi trở lên;

  • Là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

  • Những người này phải có năng lực chịu trách nhiệm hình sự;

Lỗi của tội phạm

Lỗi cố ý

Như vậy, tội khủng bố có thể gây ra những nguy hại rất lớn cho an ninh quốc phòng, nền độc lập, tự chủ của quốc gia, vùng lãnh thổ, dân tộc.

Tội phạm khủng bố với rất nhiều thủ đoạn, biểu hiện rất đa dạng và đặc biệt là những thành phần không trực tiếp lộ diện, do đó, nhận diện tội phạm này qua các đặc điểm là căn cứ để xử lý, ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc do loại tội phạm này tạo ra.

toi khung bo

Hình phạt đối với tội khủng bố ra sao?

Với sự nguy hiểm mà tội phạm này gây ra cho xã hội, người phạm tội có thể chịu mức án phạt cao nhất là tử hình.

Điều 299 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 101 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 quy định 4 khung hình phạt đối với loại tội phạm này.

Cụ thể như sau:

Khung hình phạt

Trường hợp áp dụng

Căn cứ pháp lý

Khung 1: Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình

Có hành vi gây hoảng sợ trong dân chúng và việc gây hoảng sợ này xâm phạm đến tính mạng người khác (giết người khác, gây tổn hại, gây thương tích…) hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân

khoản 1 Điều 299 Bộ luật Hình sự 2015

Khung 2: Phạt tù từ 5 đến 15 năm

Một trong những trường hợp:

a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;

b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

khoản 2 Điều 299 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 101 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017

Khung 3: Phạt tù từ 2 đến 7 năm

Người phạm tội thực hiện hành vi đe dọa thực hiện một trong những hành vi quy định tại khoản 1 Điều 299 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc có những hành vi nhằm uy hiếp tinh thần của người khác

khoản 3 Điều 299 Bộ luật Hình sự 2015

Khung 4: Phạt từ từ 1 đến 5 năm

Áp dụng trong trường hợp chuẩn bị phạm tội

khoản 4 Điều 299 Bộ luật Hình sự 2015

Hình phạt bổ sung

  • Tước một số quyền công dân;

  • Hoặc phạt quản chế;

  • Hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm;

  • Hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

khoản 5 Điều 299 Bộ luật Hình sự 2015

Kết luận: Tùy mức độ vi phạm mà người phạm tội khủng bố có thể phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình.

Người phạm tội cũng có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như tước một số quyền công dân, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản…

Trên đây là giải đáp về tội khủng bố, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X