hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 04/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tội mua bán người là gì? Có tử hình tội phạm này không?

Tội mua bán người có những hệ lụy tiêu cực nào cho xã hội? Nhận diện tội phạm này thế nào? Việc xử lý tội phạm mua bán người ra sao?... HieuLuat cung cấp những vấn đề pháp lý xoay quanh tội mua bán người trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Kính chào Luật sư, tôi có thắc mắc liên quan đến tội phạm hình sự mong được giải đáp như sau:

Tội mua bán người mang lại những hậu quả tiêu cực nào cho xã hội? Làm sao để nhận biết loại tội phạm này?

Xử lý tội phạm này ra sao? Mức phạt cụ thể thế nào?

Tội phạm này có bị tử hình không Luật sư?

Đặc điểm nhận diện tội mua bán người là gì?

Tội phạm mua bán người đang ngày càng có những diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những mối đe dọa khó có thể lường trước được.

Hậu quả tồi tệ mà hành vi vi phạm pháp luật buôn bán người để lại đối với bị hại mà có thể dễ dàng nhìn thấy, tiếp cận được qua các phương tiện thông tin đại chúng như:

  • Bị bóc lột sức lao động, phải làm việc trong điều kiện tồi tàn, bị buộc phải làm những công việc phạm pháp/hoặc nặng nhọc, quá sức;

  • Bị lạm dụng, cưỡng bức, bóc lột tình dục;

  • Sa sút, suy sụp cả về thể xác lẫn tinh thần;

  • Bị hành hạ, đánh đập, bạo lực tinh thần, sức khỏe, thậm chí nhiều trường hợp còn bị giết chết;

  • Bị nhiễm các bệnh xã hội, tồi tệ nhất là nghiện ma túy;

  • Bị mất hoặc bị xâm phạm đến quyền công dân, quyền con người;

  • Không được tiếp cận với giáo dục, rất khó có cơ hội được hòa nhập cùng cộng đồng;

Đối với gia đình, xã hội của bị hại, tệ nạn buôn bán người là nguyên nhân của những hậu quả tiêu cực gồm:

  • Gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội;

  • Gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, tăng khả năng số lượng tội phạm cho xã hội;

  • Gia tăng gánh nặng kinh tế;

  • Gây thiếu hụt nguồn lực lao động;

  • Gia đình bị xáo trộn, tan vỡ, các thành viên lo âu, mặc cảm và tự ti hơn;

  • Tốn kém công sức, tiền bạc để tìm kiếm người thân, thậm chí có thể thành viên trong gia đình lại là nạn nhân tiếp theo trong quá trình tìm kiếm;

  • Tạo gánh nặng về kinh tế, tinh thần cho các thành viên khác trong gia đình.

Trên đây là một số những hệ lụy mà tệ nạn buôn bán người có thể tạo ra, tác động đến gia đình, xã hội.

Nhằm ngăn chặn, hạn chế, xử lý tội phạm mua bán người, pháp luật hình sự Việt Nam đã quy định tội danh này tại Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 27 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017, Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP:

Điều 150. Tội mua bán người

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vì động cơ đê hèn;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;

e) Phạm tội 02 lần trở lên.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

đ) Đối với 06 người trở lên;

e) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo đó, cấu thành tội phạm tội mua bán người như sau:

Yếu tố cấu thành tội phạm mua bán người

Mô tả cụ thể

Hành vi

  • Người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, thực hiện hành vi lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác (ví dụ bắt cóc, đầu độc, cho uống thuốc ngủ,...) để nhằm mục đích thực hiện một trong những hành vi tiếp theo sau đây:

  • Chuyển giao người để nhận tiền, vật chất hoặc là lợi ích khác; hoặc chuyển giao người để lấy bộ phận cơ thể, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc vì những mục đích vô nhân đạo khác;

  • Tiếp nhận người để giao tiền, vật, tài sản khác hoặc lợi ích vật chất khác;

  • Thực hiện vận chuyển, chiêu mộ, tuyển dụng, chứa chấp người khác thực hiện hành vi chuyển giao người để nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc để cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

Lỗi của người phạm tội

Cố ý

Chủ thể

Từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự

Bị hại/Nạn nhân

Từ 16 tuổi trở lên, vì nếu dưới 16 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015)

Khách thể của tội phạm mua bán người

Xâm phạm đến quyền được pháp luật bảo vệ về thân thể, tính mạng

Như vậy, tội mua bán người là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều những hệ quả tiêu cực cho cá nhân, gia đình, xã hội. Thậm chí, nạn buôn bán người còn có thể là nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về kinh tế, thiệt hại về mạng người do nạn nhân bị giết hại hoặc bị hành hạ đến chết.

toi mua ban nguoi


Xử lý tội mua bán người thế nào?

Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 27 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017 quy định 3 mức hình phạt cho tội danh mua bán người. Ngoài ra, điều luật cũng quy định về các hình phạt bổ sung được áp dụng đối với tội phạm này.

Theo đó, các mức hình phạt như sau:

Mức phạt/khung hình phạt của tội mua bán người

Trường hợp áp dụng khung hình phạt

Căn cứ pháp lý

Khung hình phạt cơ bản:

Phạt tù thời hạn từ 5 đến 10 năm

Thỏa mãn cấu thành tội hành hạ người khác như:

  • Về chủ thể: Từ đủ 14 tuổi trở lên;

  • Độ tuổi của nạn nhân: Từ 16 tuổi trở lên;

  • Hành vi:

  • Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột sức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân…;

  • Hoặc có hành vi tuyển dụng, chiêu mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác thực hiện các hành vi chuyển giao, tiếp nhận người để lấy lợi ích vật chất, lấy bộ phận cơ thể;...

  • Các yếu tố cấu thành tội phạm khác về mặt chủ quan, mặt khách quan, khách thể;

khoản 1 Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 27 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017

Khung tăng nặng thứ 1:

Phạt tù có thời hạn từ 8 đến 15 năm

Nếu có hành vi phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau:

  • Có tổ chức;

  • Vì động cơ đê hèn;

  • Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới Việt Nam;

  • Gây ra thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể là từ 31% đến 60% (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015);

  • Phạm tội 2 lần trở lên;

  • Số lượng nạn nhân là từ 2 đến 5 người;

khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 27 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017

Khung tăng nặng thứ 2:

Phạt tù có thời hạn từ 12 đến 20 năm

Khi phạm tội thuộc một trong những trường hợp được liệt kê dưới đây:

  • Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

  • Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

  • Hành vi phạm tội đã gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

  • Hành vi phạm tội đã dẫn đến hậu quả là làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

  • Phạm tội đối với 06 người trở lên;

  • Hành vi phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm;

khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 27 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017

Hình phạt bổ sung của tội phạm mua bán người:

  • Phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu;

  • Hoặc phạt quản chế từ 1 đến 5 năm;

  • Hoặc cấm cư trú từ 1 đến 5 năm

  • Hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản;

Áp dụng chung đối với mọi tội phạm mua bán người

khoản 4 Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015

Từ căn cứ trên, suy ra, người phạm tội là tội danh có mức án phạt tù cao nhất là 20 năm. Điều này cũng có nghĩa là tội mua bán người không có hình phạt tử hình.

Người phạm tội mua bán người còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, phạt quản chế, cấm cư trú trong thời hạn tối đa là 5 năm hoặc tịch thu tài sản.

Trên đây là giải đáp về tội mua bán người, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X