hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 29/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có những loại tội phạm công nghệ cao nào? Mức phạt tù ra sao?

Trong thời đại công nghệ 4.0, tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự xã hội, đời sống và kinh tế của người dân. Có không ít người đã trở thành nạn nhân của hành vi phạm tội này mà không biết phải “kêu” ở đâu.

Tội phạm công nghệ cao là gì? Phân loại tội phạm công nghệ cao?

Câu hỏi: Xin hỏi, những hành vi nào được xác định là tội phạm công nghệ cao? Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua facebook, zalo có được xác định là tội phạm công nghệ cao không? Tôi cảm ơn!

Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự 2015 không có quy định cụ thể giải thích về tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao:

1. Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao.

Theo đó, có thể hiểu tội phạm công nghệ cao là tội phạm cố ý sử dụng tri thức, kiến thức, kỹ năng, công cụ và phương tiện công nghệ thông tin để thực hiện các hành vi trái pháp đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy gây hại đến lợi ích của Nhà nước; quyền và các lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, tội phạm công nghệ cao gồm các tội sau đây:

- Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285);

- Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286);

- Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287);

- Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288);

- Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289);

- Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290);

- Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291);

- Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292)…

Mỗi tội phạm lại có mức hình phạt, dấu hiệu phạm tội là khác nhau. Trong đó, tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự tương đối phổ biến hiện nay.

Có những loại tội phạm công nghệ cao nào? Mức phạt tù ra sao? (Ảnh minh họa)


Một số tội phạm công nghệ cao phổ biến và mức xử phạt

1. Lừa đảo truy cập vào đường link để nhập thông tin tài khoản ngân hàng

Câu hỏi: Xin hỏi, đứa cháu của tôi mới đây có nhận được một email của một người tự nhận là cán bộ ngân hàng, trong email có đường link và yêu cầu phải nhập số tài khoản ngân hàng, mẫ OTP giao dịch qua Internet Banking để nâng cấp tài khoản. Do nhẹ dạ cả tin nên cháu tôi đã làm theo mà không suy nghĩ gì. Sau khi đã nhập hết các thông tin, tin nhắn từ tài khoản ngân hàng báo về đã rút hết toàn bộ số tiền trong tài khoản, vậy xin hỏi như vậy có phải là đã bị kẻ gian lừa đảo không? Pháp luật có quy định gì về hành vi này không? Tôi cảm ơn!

Đây được xem là hành vi lừa đảo được sử dụng khá phổ biến hiện nay và đã có không ít người bị “mắc bẫy”, hậu quả là số tiền trong tài khoản đã không cánh mà bay.

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, căn cứ Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015, người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm:

- Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của người khác để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

- Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

- Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản;

- Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

- Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

Xét trong trường hợp của bạn, phía bên kia đã thực hiện hành vi lừa đảo để cháu bạn truy cập vào đường link sau đó đã sử dụng các thông tin về tài khoản ngân hàng mà cháu bạn cung cấp để rút toàn bộ số tiền trong tài khoản. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Tội phạm được quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sụ 2015.

Người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là 06 tháng và cao nhất đến 20 năm tù giam.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2. Phát tán các trò chơi điện tử, đường link… có chứa vi rút để thu lợi bất chính

Câu hỏi: Xin hỏi, hành vi cung cấp các trò chơi điện tử hoặc các đường link mà trong đó có chứa vi rút với mục đích thu lợi bất chính có được xem là phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Trường hợp chưa gây ra hậu quả gì thì có sao không?

Tội phát tán chương trình tin học (trò chơi điện tử, các đường link,…) gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử là một trong các tội phạm công nghệ cao.

Cụ thể, theo Điều 286 Bộ luật Hình sự 2015, người nào cố ý phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm:

- Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

- Gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;

- Làm lây nhiễm từ 50 phương tiện điện tử đến dưới 200 phương tiện điện tử hoặc hệ thống thông tin có từ 50 người sử dụng đến dưới 200 người sử dụng;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Theo đó, người nào cố ý phát tán các đường link, trò chơi điện tử trên mạng có chưa vi rút mà khi truy cập gây thiệt hại từ 30 - dưới 300 triệu đồng hoặc nhằm thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội danh này. Tuy vậy, trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi nói trên nhưng chưa gây ra hậu quả thì vẫn có thể chịu trách nhiệm hình sự khi họ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Cũng theo Điều 286, trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức hoặc thu lợi bất chính với số tiền cao hơn hoặc gây thiệt hại ở mức cao hơn,... thì mức phạt tù cũng cao hơn.

Trên đây là giải đáp về Tội phạm công nghệ cao. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Bị lừa đảo qua Facebook, tôi muốn nộp đơn tố giác có được không?

Có thể bạn quan tâm

X