hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 30/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tội sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý thế nào?

Tội sử dụng trái phép chất ma túy là tội danh gì? Quy định cụ thể thế nào? Án phạt đối với tội phạm này như thế nào? Cùng HieuLuat giải đáp những vướng mắc pháp lý về tội phạm này trong bài viết phía dưới.

 

Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi có nghe nói người sử dụng trái phép chất ma túy cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xin HieuLuat cho biết, thông tin như vậy có chính xác không?

A thực hiện hành vi lôi kéo người khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý như thế nào?

HieuLuat chào bạn, chúng tôi xin giải đáp vướng mắc pháp lý về tội sử dụng trái phép chất ma túy mà bạn đang quan tâm theo quy định hiện nay như sau:

Hiểu thế nào là tội sử dụng trái phép chất ma túy?

Tội sử dụng trái phép chất ma túy là một trong những tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 tại Điều 199 (văn bản đã hết hiệu lực thi hành).

Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 không quy định tội sử dụng trái phép chất ma túy.

Thay vào đó, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có thể là căn cứ để xác định một trong những tội danh sau đây:

  • Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015;

  • Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 256 Bộ luật Hình sự 2015;

  • Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự 2015;

  • Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015;

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng, bạn đang cần giải đáp vướng mắc liên quan đến tội danh lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, tội danh này được quy định như sau:

Điều 258. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;

d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

e) Đối với 02 người trở lên;

g) Đối với người đang cai nghiện;

h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội trong trường hợp gây chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Theo quy định trên, có thể thông qua một số dấu hiệu cơ bản sau đây để nhận biết loại tội phạm này:

Yếu tố nhận biết tội phạm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy

Mô tả cụ thể dấu hiệu/yếu tố nhận biết

Chủ thể của tội phạm

Người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự

Hành vi phạm tội

Hành vi đặc trưng là rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác để nhằm thực hiện mục đích lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

Biểu hiện cụ thể như sau:

  • Rủ rê, mồi chài, dụ dỗ, thuyết phục, đưa ra những hứa hẹn hoặc những viễn cảnh để khơi dậy ham muốn để nạn nhân sử dụng trái phép chất ma túy của người khác mặc dù họ không muốn;

  • Các thủ đoạn khác như tuyên truyền bịa đặt những thông tin về cảm giác, tác dụng khi sử dụng ma túy; cho xem phim ảnh, xem hình ảnh sử dụng ma túy… để họ tò mò, tạo ham muốn sử dụng ma túy;

  • Tội danh chỉ được coi là hoàn thành nếu người khác có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy từ vì bị người khác dụ dỗ, rủ rê, lôi kéo;

Lỗi của tội phạm

Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội biết rõ mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thấy rõ hậu quả nhưng mong muốn hậu quả xảy ra

Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm đến sức khỏe của con người, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội và làm lây lan tệ nạn nghiện ma túy

Kết luận: Tội sử dụng trái phép chất ma túy hiện không còn được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được quy định ở hàng loạt tội phạm có liên quan như chúng tôi đã nêu trên.

Đối với hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015.

toi su dung trai phep chat ma tuy


Sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý thế nào?

Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc xử lý hình sự.

Sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

Điều 23. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người quản lý phương tiện giao thông hoặc cá nhân khác có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, hoạt động kinh doanh karaoke, hoạt động kinh doanh vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, các phương tiện giao thông để xảy ra hoạt động tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực, phương tiện do mình quản lý;

b) Môi giới, giúp sức hoặc hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

  • Theo đó, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị phạt tối đa lên đến 2 triệu đồng;

  • Người có hành vi giúp sức, môi giới, hành vi khác để giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị xử phạt tới 20 triệu đồng;

  • Người quản lý, chủ cơ sở kinh doanh,...của cơ sở lưu trú, câu lạc bộ,... mà để xảy ra hoạt động sử dụng trái phép chất ma túy cũng có thể bị xử phạt lên đến 20 triệu đồng;

Sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị khởi tố hình sự tùy thuộc vào cấu thành tội phạm và hồ sơ vụ việc:

Trong trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì pháp luật quy định có 4 khung hình phạt chính được áp dụng.

Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung đối với tội danh này.

Chi tiết như sau:

Mức hình phạt cụ thể cho từng tội danh

Trường hợp áp dụng hình phạt

Căn cứ pháp luật

Phạt tù từ 1 đến 5 năm

(khung hình phạt cơ bản của tội phạm)

Thỏa mãn cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015

khoản 1 Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015

Phạt tù có thời hạn từ 5 đến 10 năm

(khung hình phạt tăng nặng trách nhiệm hình sự thứ 1)

Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;

d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

e) Đối với 02 người trở lên;

g) Đối với người đang cai nghiện;

h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

k) Tái phạm nguy hiểm.

khoản 2 Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015

Phạt tù có thời hạn từ 10 đến 15 năm

(khung hình phạt tăng nặng trách nhiệm hình sự thứ 2)

Phạm tội thuộc một trong những trường hợp như sau:

  • Hậu quả của tội phạm là gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc phạm tội mà gây chết người;

  • Phạm tội dẫn đến gây bệnh nguy hiểm cho 2 người trở lên;

  • Phạm tội đối với người dưới 13 tuổi;

khoản 3 Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015

  • Phạt tù có thời hạn từ 15 đến 20 năm;

  • Hoặc tù chung thân;

(khung hình phạt tăng nặng trách nhiệm hình sự thứ 3)

Phạm tội mà gây ra hậu quả là chết 2 người trở lên

khoản 4 Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 5 đến 100 triệu đồng

Tùy thuộc vụ việc cụ thể và quyết định của hội đồng xét xử mà số tiền phạt bổ sung được quyết định khác nhau đối với từng người phạm tội

khoản 5 Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015

Như vậy, tội sử dụng trái phép chất ma túy không còn được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Tuy nhiên, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc từng tội phạm cụ thể.

Đối với tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, người phạm tội có thể phải chịu mức phạt cao nhất là chung thân và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền theo quy định pháp luật.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về tội sử dụng trái phép chất ma túy, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X