Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong những tội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vậy, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ vấn đề này.
Thế nào là tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy?
Tội sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên điều luật này không giải thích cụ thể về hành vi “tổ chức” sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo quy định tại Mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, có thể hiểu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong các hành vi:
Thứ nhất, về mặt khách quan của tội phạm
Tội phạm này đòi hỏi người phạm tội thực hiện một trong những hành vi sau:
- Phân công, chỉ huy, điều phối, điều hành các hoạt động nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác. Việc đưa trái phép ma túy vào cơ thể người khác có thể thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như tiêm, hít,...;
- Hoặc thực hiện hành vi chỉ huy/điều hành/phân công việc chuẩn bị/cung cấp chất ma túy cho đối tượng sử dụng; hoặc chỉ huy/điều hành/phân công địa điểm, phương tiện, công cụ để nhằm mục đích dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy hoặc tìm người sử dụng trái phép chất ma túy.
Đồng phạm của tội phạm này (người thực hành) là các đối tượng thực hiện các hành vi theo sự điều hành, phân công, chỉ huy của người khác. Biểu hiện của hành vi này có thể bao gồm:
- Trực tiếp thực hiện đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
- Thực hiện cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
- Chuẩn bị ma túy để đưa trái phép vào cơ thể người khác bằng bất kỳ hình thức nào (ví dụ mua, xin, tàng trữ, sản xuất,...);
- Chuẩn bị phương tiện, công cụ, địa điểm để thực hiện hành vi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác như thuê địa điểm để tập trung, mượn/xin ở nhờ tại một địa điểm… hoặc sử dụng nơi ở của mình làm nơi thực hiện hành vi;
- Tìm kiếm những người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của những người này;
Đây là những hành vi tiêu biểu, đặc trưng nhất của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có thể được sử dụng làm phân biệt với các hành vi của các tội phạm về ma túy khác.
Hai là, về khách thể của tội phạm
Đây là tội phạm có biểu hiện là việc tập hợp một số người có nhu cầu sử dụng ma túy và chuẩn bị chất ma túy, địa điểm, công cụ, phương tiện để tiến hành sử dụng trái phép chất ma túy. Tội phạm này xâm phạm trực tiếp đến chế độ quản lý về chất ma túy của Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, làm gia tăng mức độ lan tràn tệ nạn nghiện ma túy.
Ba là, chủ thể của tội phạm này là người từ 16 tuổi trở lên và có đủ năng lực chịu trách nhiệm pháp lý hình sự theo quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015
Cụ thể, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý hình sự với mức phạt ở khung cơ bản là từ 02 năm đến 07 năm (khoản 1). Các khung tăng nặng lần lượt là từ 7 năm đến 15 năm (khoản 2), 15 năm đến 20 năm (khoản 3), 20 năm hoặc chung thân (khoản 4).
Như vậy, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm với đặc trưng hành vi là điều hành, tổ chức, điều phối, phân công thực hiện việc chuẩn bị ma túy, địa điểm, công cụ, phương tiện, tìm kiếm người sử dụng ma túy hoặc thực hiện theo sự điều hành, phân công của người khác nhằm mục đích đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác. Hình phạt cao nhất đối với tội phạm này là chung thân.
Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)
Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt bao nhiêu năm tù?
Về khung hình phạt với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định như sau:
Hành vi phạm tội | Mức phạt |
Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới mọi hình thức | 02 năm – 07 năm |
- Phạm tội 02 lần trở lên; - Đối với 02 người trở lên; - Đối với người từ đủ 13 tuổi - dưới 18 tuổi; - Đối với phụ nữ mà biết là có thai; - Đối với người đang cai nghiện; - Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% - 60%; - Gây bệnh nguy hiểm cho người khác; - Tái phạm nguy hiểm. | 07 năm – 15 năm |
- Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người; - Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% - 60%; - Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên; - Đối với người dưới 13 tuổi. | 15 năm – 20 năm |
- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; - Làm chết 02 người trở lên. | 20 năm hoặc tù chung thân |
Ngoài hình thức phạt tù nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, với trường hợp tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cho phụ nữa mà biết đang có thai thì mức phạt tù là từ 07 năm – 15 năm.
Khách sử dụng ma túy trong quán karaoke, chủ quán có bị sao không?
Tổ chức sử dụng ma túy tập thể trong quán karaoke, nhà nghỉ,… xảy ra khá phổ biến hiện nay, người phạm tội đa phần là giới trẻ. Vậy trường hợp này chủ quán có phải chiu trách nhiệm gì không? Đây cũng là vấn đề mà nhiều người thắc mắc.
Để giải quyết vấn đề này cần xác định theo 02 trường hợp sau:
- Trường hợp chủ quán không biết về hành vi sử dụng ma túy của khách thì vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 23 Nghị định 144/2021, nếu người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý để cho người khác lợi dụng sử dụng chất ma túy trong khu vực, phương tiện của mình quản lý có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
Do đó, ngay cả khi chủ quán karaoke không biết về hành vi sử dụng ma túy của nhóm người kia thì vẫn có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
- Trường hợp chủ quán biết và vẫn để nhóm người này sử dụng ma túy trong quán của mình có thể bị xem xét là yếu tố cấu thành tội phạm.
Theo Điều 256 Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi cung cấp địa điểm để người khác sử dụng ma túy được coi là hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Khung hình phạt đối với tội này là 02 – 07 năm tù.
Trường hợp nười sử dụng ma túy là phụ nữ có thai, người chưa thành niên,… thì mức phạt tù có thể đến 15 năm tù.
Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự là của công an cấp nào?
Trước hết, cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự bao gồm cơ quan điều tra của Công an nhân dân (từ cấp bộ xuống cấp tỉnh, huyện) điều tra tất cả các tội phạm (trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao), trong đó:
- Cơ quan điều tra của công an nhân dân bao gồm cơ quan an ninh điều tra và cơ quan cảnh sát điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện điều tra các vụ án hình sự thuộc phạm vi của mình, trừ các vụ án thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân/Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự;
- Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao/hoặc Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017. Đây là những tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp có người phạm tội là cán bộ/công chức thuộc các cơ quan về tư pháp như cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, hoặc người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Theo đó, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra của công an nhân dân (hoặc cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp có thẩm quyền).
Về phạm vi lãnh thổ thực hiện các hoạt động điều tra, cơ quan điều tra được phân chia theo quy định tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015:
=> Từ đó, suy ra bạn có thể trình báo, tố cáo hình sự tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại nơi tội phạm được thực hiện (nơi các đối tượng thực hiện sử dụng trái phép chất ma túy).…
4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
…
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 163, Điều 268 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, trong trường hợp thông thường, cơ quan công an cấp huyện là đơn vị có thẩm quyền tiến hành hoạt động điều tra. Nếu hành vi phạm tội được thực hiện trên nhiều địa bàn cấp huyện hoặc thuộc một trong những trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 268 Bộ luật Hình sự 2015 thì cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh là đơn vị có thẩm quyền tiến hành điều tra vụ án hình sự này.
Lưu ý: Trong trường hợp nhằm mục đích nhanh chóng ngăn chặn hành vi phạm tội diễn ra nghiêm trọng hơn hoặc người trình báo có lý do khách quan để không thể ngay lập tức trình báo tới cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền thì có thể trình báo ngay tới cơ quan công an cấp xã gần nhất để được hướng dẫn.
Như vậy, thẩm quyền điều tra vụ án hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là của cơ quan cảnh sát điều tra của công an cấp quận hoặc cấp tỉnh, tùy thuộc từng trường hợp phát sinh cụ thể.
Trên đây thông tin liên quan đến tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Nếu còn băn khoăn hoặc có thêm vướng mắc, xin mời bạn đọc liên hệ 19006192 và cùng trao đổi thêm với chúng tôi.