hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 11/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trộm tài sản, bao nhiêu tuổi bị truy cứu trách nhiệm?

Tội trộm cắp tài sản diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây. Các hành vi chiếm đoạt tài sản trái pháp luật đều sẽ bị truy cứu trách nhiệm khi người vi phạm đạt độ tuổi nhất định. Vậy hành vi, độ tuổi nào khi phạm tội trộm tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm?

Mục lục bài viết
  • Trộm tài sản là gì?
  • Độ tuổi bị truy cứu trách nhiệm khi phạm tội trộm tài sản?
  • Các hình thức xử lý với người phạm tội trộm tài sản
  • Tội trộm tài sản có các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng nào?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi bao nhiêu tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự? Tội trộm tài sản có tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng không?

Chào bạn, trong những năm gần đây thì tội trộm cắp tài sản chiếm số lượng lớn trong các loại tội phạm. Để bạn hiểu hơn về độ tuổi, cũng như các hình thức xử lý khi phạm tội trộm tài sản, chúng tôi xin gửi một số thông tin dưới đây.

Trộm tài sản là gì?

Trộm cắp tài sản là hành vi lấy tài sản của người khác một cách lén lút với mục đích chiếm đoạt. Đặc trưng của tội trộm tài sản là người phạm tội:

- Có hành vi lén lút

- Bí mật di chuyển tài sản của người khác với mục đích chiếm đoạt một cách bất hợp pháp.

Độ tuổi bị truy cứu trách nhiệm khi phạm tội trộm tài sản?

Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm với mọi hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có cả tội trộm tài sản.

toi trom tai san
Trộm tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị phạt tù. Ảnh minh họa.

Các hình thức xử lý với người phạm tội trộm tài sản

Theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, các hành vi và mức độ xử lý khi phạm tội tài sản như sau:

1. Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

- Trộm tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu – 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng và thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

​đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạt tù từ 2 – 7 năm nếu phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

​g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạt tù từ 07 - 17 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 đến dưới 500 triệu đồng

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trộm tài sản

4. Phạt tù từ 12 năm - 20 năm:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để trộm tài sản

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể chịu thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng.

Tội trộm tài sản có các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng nào?

Được quy định tại Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

1. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự với người phạm tội trộm tài sản là khi người phạm tội:

- Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm

- Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả

- Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; bị kích động về tinh thần; vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn hoặc phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng...

- Người phạm tội là phụ nữ có thai; người đủ 70 tuổi trở lên; người khuyết tật nặng...

Ngoài ra, tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt và phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

2. Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Gồm các tình tiết như:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

d) Phạm tội có tính chất côn đồ;

đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;

e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;

g) Phạm tội 02 lần trở lên;

h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

Trên đây là các thông tin liên quan đến tội trộm tài sản. Nếu còn băn khoăn hoặc có thêm vướng mắc, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.

Có thể bạn quan tâm

X