hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 16/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tội vi phạm quy định về đấu thầu bị đi tù bao nhiêu năm?

Tội vi phạm quy định về đấu thầu là tội danh gì? Được mô tả cụ thể ra sao? Tội phạm này phải chịu mức án phạt là bao nhiêu? Bài viết dưới đây của HieuLuat sẽ giải đáp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về tội phạm này.

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, nếu doanh nghiệp có những hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu thì có bị xử lý hình sự không?

Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức phạt cao nhất áp dụng đối với tội danh này ra sao?

Chào bạn, chúng tôi xin giải đáp những vướng mắc pháp lý về tội vi phạm quy định về đấu thầu như sau:

Tội vi phạm quy định về đấu thầu được nhận biết thế nào?

Trước hết, không phải mọi hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu đều cấu thành tội phạm hình sự mà hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu phải thỏa mãn những dấu hiệu phạm tội của tội danh.

Với mô tả của bạn, hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu có thể bị xử lý hình sự với tội danh tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, điểm k khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017:

Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đây là một trong những tội phạm xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, do vậy, nó cũng mang những đặc trưng cơ bản của nhóm tội phạm này.

Theo đó, một số yếu tố định tội danh đối với tội phạm này là:

Dấu hiệu xác định tội danh

Đặc điểm cụ thể

Chủ thể của tội phạm

  • Cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự;

  • Các cá nhân này phải là những người thực hiện các công việc trong giai đoạn đấu thầu, họ là người thuộc bên chủ đầu tư, bên mời thầu, bên dự thầu…

Hành vi phạm tội (thuộc mặt khách quan của tội phạm)

  • Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu như là làm thay đổi hồ sơ dự thầu, tác động làm thay đổi giá, có những hành vi làm biến đổi sự công bằng trong hoạt động đấu thầu…;

  • Thông thầu: Có các thỏa thuận để nhằm gây khó khăn cho bên dự thầu hoặc rút thầu, cố tình làm thay đổi tính minh bạch của hoạt động đấu thầu nhằm mục đích cho 1 bên thắng thầu (bên đã được thỏa thuận);

  • Gian lận trong đấu thầu: Là việc làm thay đổi kết quả theo hướng có lợi cho người dự thầu tại khâu thẩm định hồ sơ,... hoặc để đạt được mục đích khác trong khi đấu thầu (cố ý thông tin sai sự thật về hoạt động đấu thầu, báo cáo thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu,...);

  • Cản trở hoạt động đấu thầu: Cố tình gây cản trở quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu. Ví dụ như gây khó khăn, cản trở cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thực hiện hoạt động đấu thầu… hoặc đe dọa, cản trở người người dự thầu…);

  • Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu: Đây là hành vi bị cấm, ví dụ như áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định pháp luật…;

  • Hành vi tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu: Chưa xác định được nguồn vốn mà đã tổ chức đấu thầu, dẫn đến không được chủ đầu tư thanh toán kinh phí, hệ quả là nợ động vốn;

  • Hành vi chuyển nhượng thầu trái phép: Nhà thầu hoặc chủ đầu tư, tư vấn giám sát không được phép chuyển nhượng nhưng cố tình thực hiện chuyển nhượng;

Hậu quả, thiệt hại mà tội phạm gây ra (thuộc mặt khách quan của tội phạm)

  • Là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm;

  • Trong cấu thành cơ bản, hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm;

Lỗi của người phạm tội

Lỗi cố ý

Như vậy, đối với tội vi phạm quy định về đấu thầu, có một số dấu hiệu cấu thành cơ bản dùng để nhận biết tội phạm như chúng tôi đã nêu trên.

toi vi pham quy dinh ve dau thau

Tội vi phạm quy định về đấu thầu bị đi tù bao nhiêu năm?

Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng có mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm và còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung.

Cụ thể các mức phạt tù và những trường hợp bị áp dụng như sau:

Mức phạt cụ thể

Trường hợp áp dụng

Khung cơ bản:

Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm;

Hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm;

Khoản 1 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, khi có một trong những hành vi cấu thành cơ bản tội phạm này như sau:

  • Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

  • Thông thầu;

  • Gian lận trong đấu thầu;

  • Cản trở hoạt động đấu thầu;

  • Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

  • Chuyển nhượng thầu trái phép;

Khung tăng nặng 1: Phạt tù có thời hạn từ 3 đến 12 năm

Khoản 2 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, khi phạm tội thuộc một trong những trường hợp:

  • Phạm tội vì vụ lợi;

  • Phạm tội có tổ chức;

  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

  • Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt phạm tội;

  • Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;

Khung tăng nặng 2: Phạt tù từ 12 đến 20 năm

Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, đây là trường hợp phạm tội mà gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên

Hình phạt bổ sung

  • Cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm;

  • Hoặc cấm làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm;

  • Hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản;

Kết luận: Người phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng có thể phải nhận mức án phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ với thời hạn tối đa 3 năm hoặc mức phạt cao nhất là tù có thời hạn 20 năm.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản, …

Trên đây là giải đáp thắc mắc về tội vi phạm quy định về đấu thầu, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X