hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 02/12/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tội vô ý gây thương tích phải đi tù mấy năm?

Tội vô ý gây thương tích là tội danh gì? Được hiểu thế nào? Người phạm tội vô ý gây thương tích phải chịu trách nhiệm hình sự ra sao? Cùng HieuLuat giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Xin kính chào Luật sư, tôi muốn hỏi vấn đề liên quan đến hình sự như sau:

Nếu vô ý gây ra thương tích cho người khác thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không Luật sư?

Tôi vô tình làm bị thương người khác khi đang thu dọn nhà sau khi nhà mới được hoàn thành.

Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tội danh này phải chịu mức án phạt ra sao thưa Luật sư?

Chào bạn, với những vướng mắc về tội vô ý gây thương tích mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Vô ý gây thương tích bị xử lý hình sự khi nào?

Vô ý gây thương tích là hành vi của cá nhân vô tình/không có chủ đích làm người khác bị thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của họ.

Hành vi vô ý gây thương tích có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Một là, vô ý gây thương tích cho người khác bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP

Điểm d, khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng:

Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

d) Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Theo đó, nếu người nào có hành vi gây tổn hại hoặc gây thương tích cho sức khỏe người khác mà không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tối đa là 500.000 đồng.

Ngoài việc bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền thì người bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người bị thương tích do hành vi của mình gây ra:

14. Biện pháp khắc phục hậu quả:

đ) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1, điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm a khoản 5 Điều này.

Hai là, hành vi vô ý gây thương tích bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp hành vi vô ý gây thương tích thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 1, khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017:

Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Một số dấu hiệu nhận biết cơ bản đối với tội danh này như sau:

Dấu hiệu cơ bản của tội danh

Mô tả cụ thể

Hành vi

  • Người phạm tội thực hiện bất cứ hành vi nào dẫn đến gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà mức độ thương tật, thương tích của nạn nhân là ≥ 31%;

  • Người phạm tội thực hiện trực tiếp hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác;

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể phạm tội là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự

Khách thể

Tội phạm này xâm phạm đến quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe của con người

Lỗi của người phạm tội

Lỗi vô ý, bao gồm:

  • Lỗi vô ý vì quá tự tin: Tuy thấy trước được hậu quả do hành vi của mình gây ra là nguy hiểm cho xã hội nhưng không cho rằng hậu quả đó sẽ xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;

  • Hoặc vô ý vì cẩu thả: Không thấy được được hậu quả gây ra là nguy hại cho xã hội mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả đó;

Như vậy, hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính nếu mức độ thương tích là dưới 31%.

Nếu mức độ thương tích của nạn nhân từ 31% trở lên và thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

toi vo y gay thuong tich


Tội vô ý gây thương tích phải chịu mức án phạt ra sao?

Có 3 khung hình phạt được áp dụng đối với tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tùy thuộc vào mức độ vi phạm của người phạm tội.

Cụ thể các mức phạt đó như sau:

Mức phạt cụ thể

Trường hợp áp dụng mức phạt

Căn cứ pháp luật

Khung hình phạt cơ bản của tội phạm:

  • Phạt cảnh cáo;

  • Hoặc phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng;

  • Hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm;

  • Người thực hiện hành vi vô ý gây thương tích thỏa mãn toàn bộ yếu tố cấu thành tội phạm;

  • Trong đó, tỉ lệ tổn thương cơ thể/mức độ thương tích từ 31% đến 60%;

khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015, điểm đ khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017;

Khung hình phạt tăng nặng thứ 1 của tội phạm:

  • Phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm;

  • Hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm;

Nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  • Phạm tội đối với 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe mà tỉ lệ tổn thương cơ thể là từ 61% trở lên;

khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015, điểm g khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017;

Khung hình phạt tăng nặng thứ 2 của tội phạm:

  • Phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm;

  • Hoặc phạt tù có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;

Phạm tội đối với 2 người trở lên, trong đó, mức độ tổn thương cơ thể của mỗi người là từ 61% trở lên

khoản 3 Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015, điểm g khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017;

Như vậy, người phạm tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có thể phải đối mặt với mức án phạt cao nhất là 3 năm tù giam.

Trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi vô ý gây thương tích/gây tổn hại cho sức khỏe người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 500.000 đồng.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về tội vô ý gây thương tích, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X