hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 28/09/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tội vượt biên trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Công dân Việt Nam muốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đến quốc gia đều phải qua các cửa khẩu làm thủ tục xuất cảnh. Tuy nhiên không hiếm trường hợp lại bỏ qua các thủ tục này và vượt biên trái phép. Vậy tội vượt biên trái phép bị xử lý thế nào?

Câu hỏi: Tôi thấy hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều người vượt biên trái phép, vậy những người này có bị xử phạt hay không? Và những người tổ chức đưa người vượt biên trái phép liệu có bị xử lý hình sự?

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho HieuLuat, về vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa các thông tin tham khảo như dưới đây:

Hiểu thế nào về vượt biên trái phép?

Nghĩa vụ của công dân Việt Nam theo Điều 5 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh khi muốn xuất cảnh để đến quốc gia khác là đều phải qua các cửa khẩu và làm thủ tục xuất cảnh.

Khoản 1 Điều 33 Luật này cũng quy định các các điều kiện đủ để công dân Việt Nam được xuất cảnh gồm:

- Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn và còn thời hạn sử dụng. Hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên.

- Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực

- Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh…

Từ các quy định trên, có thể thấy, nếu người  nào không tuân thủ các quy định về xuất cảnh thì bị xem là vượt biên trái phép.

toi vuot bien trai phep

Vượt biên trái phép bị xử phạt hành chính thế nào?

Người có hành vi vượt biên trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo các trường hợp quy định tại Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

(1) Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng (điểm a khoản 30) nếu công dân qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật

(2)  Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng (điểm a khoản 4) nếu sử dụng hộ chiếu giả, giấy thông hành giả, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam giả hoặc thẻ ABTC giả.

(3) Phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng (điểm c khoản 6) nếu giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC.

(4)  Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng (điểm a khoản 7) với hành vi làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC.

Bên cạnh đó, đối với các trường hợp 2, 3, 4 theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 18 Nghị định 144/2021 của Chính phủ còn bị hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Tội vượt biên trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Nếu đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm người vượt biên trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017 về Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép.

Cụ thể, phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với người có hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà tiếp tục vi phạm.

Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới cũng có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 346 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 về Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới như sau:

* Phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với người nào vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

* Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu tái phạm nguy hiểm hoặc phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.

Người phạm tội còn có thể chịu thêm hình phạt bổ sung:

- Bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng

- Cấm cư trú từ 01 - 05 năm.

Tội đưa người vượt biên trái phép, xử lý thế nào?

Tội đưa người vượt biên trái phép chính là hành vi đưa người xuất nhập cảnh trái phép, không thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định pháp luật.

Người nào phạm tội đưa người vượt biên trái phép sẽ bị xử lý theo quy định tại điều 349 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết người.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

toi vuot bien trai phep

Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người sẽ bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cụ thể như sau:

* Phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 - 05 năm với người thực hiện một trong các hành vi dưới đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:

- Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật,… có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác)

- Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật… bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.

- Những hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

* Phạt tù từ 05 – 10 năm, nếu hành vi phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người.

* Phạt tù từ 10 - 12 năm, nếu hành vi phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên.

Ngoài mức phạt trên, người có hành vi phạm tội còn có thể bị:

- Phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng

- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Trên đây là giải đáp về tội vượt biên trái phép. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X