hieuluat
Chia sẻ email

Xâm phạm nhà ở của người khác, có thể phải đi tù 5 năm?

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được hiểu như thế nào? Mức phạt cao nhất áp dụng đối với tội danh này là gì? HieuLuat sẽ giải đáp chi tiết cho bạn đọc tội danh này trong bài viết phía dưới.

 
Câu hỏi: Kính chào HieuLuat, tôi có nghe nói tội danh xâm phạm chỗ ở, nhà ở hợp pháp của người khác có thể phải đi tù, không rõ thông tin này có đúng không?

Như thế nào thì được coi là xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định của pháp luật hình sự?

Nếu bị khởi tố với tội danh này thì người phạm tội phải chịu mức án phạt cao nhất là gì?

HieuLuat cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về tội xâm phạm chỗ ở về cho chúng tôi. Với thông tin bạn cung cấp, căn cứ quy định hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Hiểu thế nào là tội xâm phạm chỗ ở của người khác?

Xâm phạm chỗ ở của người khác có thể hiểu đơn giản là việc tiếp cận, xâm nhập vào nơi ở của người khác bất hợp pháp và không được chủ sở hữu hợp pháp của nơi ở đó cho phép.

Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung bởi khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.

Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh xâm phạm chỗ ở của người khác nếu thỏa mãn toàn bộ các yếu tố cấu thành tội phạm của tội danh này, cụ thể:

Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Từ căn cứ trên, một số dấu hiệu nhận biết tội xâm phạm chỗ ở của người khác như sau:

Dấu hiệu cấu thành tội phạm xâm phạm chỗ ở của người khác

Mô tả cụ thể các yếu tố cấu thành

Hành vi

Hành vi cơ bản, đặc trưng của tội phạm này gồm:

  • Thực hiện khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác: Mục đích là nhằm tìm kiếm, lục soát những gì mà người tìm kiếm chủ đích thực hiện trong phạm vi chỗ ở của người khác;

    • Ví dụ như thủ tục, trình tự khám xét trái quy định pháp luật, không đúng thẩm quyền được phép khám xét chỗ ở của người khác nhưng vẫn thực hiện, khám khi chưa có lệnh khám xét…;

  • Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ: Người phạm tội sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để buộc người khác phải rời khỏi nơi ở của họ.

    • ​ Hành vi đuổi người khác ra khỏi nơi họ đang sinh sống không phụ thuộc vào thời gian mà họ phải rời khỏi nhà là bao lâu, không phụ thuộc việc đuổi khỏi nhà áp dụng đối với mọi thành viên trong gia đình hay một thành viên;

    • Ví dụ như bên đòi nợ đuổi người vay nợ ra khỏi chỗ ở của họ trong khi chưa có phán quyết của Tòa án,...;

  • Thực hiện hành vi chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ:

    • Ví dụ như chiếm dụng nơi ở của người khác làm nơi ở của mình mà không được chủ nhà cho phép,...;

  • Hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác: Ví dụ như trèo tường, cạy khóa, vượt rào… để vào chỗ ở của người khác một cách bí mật hoặc công khai mà không được chủ nhà cho phép;

Lưu ý: Hành vi xâm phạm chỗ ở của người phạm tội trong cấu thành tội phạm xâm phạm chỗ ở của người khác là hành vi trái pháp luật/không được pháp luật cho phép.

Chủ thể thực hiện hành vi

Bất cứ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự;

Lưu ý, tội phạm này có thể có một số chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn nhất định như công an, kiểm sát viên, cán bộ kiểm lâm, sĩ quan biên phòng….

Khách thể

  • Tội phạm này xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm nơi ở của công dân được pháp luật bảo hộ.

  • Việc khám xét chỗ ở của người khác chỉ được thực hiện trong một số trường hợp luật định và theo trình tự, thủ tục nhất định;

  • Đối tượng mà tội phạm tác động là nơi ở hợp pháp của người khác. Nơi ở này có thể là nhà ở, ký túc xá, nhà thuê, chung cư, tàu thuyền của ngư dân mà họ sinh sống trên tàu như là nhà ở của mình…;

Lỗi của người phạm tội

Lỗi cố ý: Người phạm tội biết, nhận thức được hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả về hành vi do mình gây ra nhưng mong muốn hoặc để mặc có hậu quả đó xảy ra;

Lưu ý: 

  • Đối với hành vi xâm phạm trái phép chỗ ở của người khác mà người thực hiện là người có chức vụ, quyền hạn như điều tra viên, chấp hành viên,... nhưng vì động cơ phòng chống tội phạm, thiếu nghiệp vụ hoặc vì thiếu trách nhiệm mà để cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội thì không truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh này mà có thể bị truy cứu trách nhiệm với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hành chính;

  • Trường hợp chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là xâm phạm chỗ ở của người khác mà không phải là người có chức vụ, quyền hạn thì lỗi được xác định là lỗi cố ý;

Như vậy, việc xâm phạm chỗ ở của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung bởi khoản 31 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017 như chúng tôi đã nêu ở trên.

Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm như dấu hiệu về hành vi, chủ thể, lỗi,...

toi xam pham cho o


Tội xâm phạm chỗ ở của người khác phải đi tù mấy năm?

Các hình phạt chính mà pháp luật hình sự quy định đối với tội danh này gồm có phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn.

Người phạm tội cũng có thể vị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn.

Chi tiết về mức phạt và các trường hợp áp dụng mức phạt này như sau:

Mức phạt áp dụng

Trường hợp áp dụng mức phạt

Phạt cải tạo không giam giữ có thời hạn đến 2 năm;

Hoặc phạt tù có thời hạn từ 3 tháng đến 2 năm;

(mức phạt thuộc khung hình phạt cơ bản của tội phạm)

  • Người thực hiện hành vi thỏa mãn cấu thành cơ bản của tội phạm như dấu hiệu về hành vi, chủ thể, lỗi, mặt chủ quan,...;

  • Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

Phạt tù có thời hạn từ 1 năm đến 5 năm

(mức phạt thuộc khung hình phạt tăng nặng trách nhiệm hình sự)

Nếu phạm tội thuộc một trong những hành vi quy định tại khoản 2 Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

  • Phạm tội có tổ chức;

  • Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

  • Thuộc trường hợp phạm tội 2 lần trở lên;

  • Phạm tội làm người vị xâm phạm chỗ ở tự sát;

  • Thực hiện hành vi phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội;

Hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời gian từ 1 đến 5 năm

Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khung hình phạt tăng nặng hoặc khung hình phạt cơ bản đều có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung

Kết luận: Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác có thể bị áp dụng hình phạt  cao nhất là phạt tù có thời hạn lên đến 5 năm và còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về tội xâm phạm chỗ ở, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X