hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 18/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định về thưởng Tết mới nhất [Tổng hợp đầy đủ nhất]

Các quy định về thưởng Tết là những thông tin được người lao động đặc biệt quan tâm. Vậy những quy định nào người lao động cần biết? Cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Doanh nghiệp có bắt buộc phải thưởng tết cho người lao động?
  • Thưởng tết có thể không chỉ bằng tiền?
  • Thưởng tết có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
  • Thưởng tết có tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) không?
  • Nghỉ việc trước Tết có được thưởng tết không?

Doanh nghiệp có bắt buộc phải thưởng tết cho người lao động?

Câu hỏi: Năm nay do công ty khó khăn chung nên khả năng là tôi sẽ không có thưởng Tết. Xin hỏi, việc thưởng Tết có phải là bắt buộc của mọi doanh nghiệp không? – Vũ Thị Thảo (Hòa Bình).

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 về thưởng cho người lao động đã nêu:

Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Như vậy, Bộ luật mới cũng không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng tết cho người lao động. Việc doanh nghiệp có thưởng hay không, thưởng nhiều hay ít hay thưởng bằng cách nào là do doanh nghiệp quyết định, dựa vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Nói cách khác, doanh nghiệp không bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động.

quy định về thưởng tết doanh nghiệp không
Doanh nghiệp không bắt buộc thưởng Tết cho người lao động.

Thưởng tết có thể không chỉ bằng tiền?

Câu hỏi: Tết năm ngoái, công ty tôi thưởng tết cho nhân viên là sản phẩm của đối tác hợp tác của công ty và tiền mặt. Năm nay, tôi nghe nói là chỉ có thưởng bằng hiện vật, không có thêm tiền nữa. Vậy việc thưởng tết cho nhân viên bằng hiện vật như vậy có được không? – Phan Thị Hương Hóa (Đồng Nai).

Trả lời:

Một trong những quy định về thưởng Tết người lao động cần lưu ý đó là thưởng Tết không chỉ có thể bằng tiền. Căn cứ khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, thưởng được quy định như sau:

Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Như vậy, thưởng Tết có thể được trả bằng tiền hoặc bằng tài sản hoặc bằng hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động bằng nhiều hình thức khác nhau như chuyến du lịch, vé tàu xe về quê; hoặc các hiện vật có giá trị như đồ gia dụng, xe máy, ô tô,…

Tuy nhiên, người lao động cũng không cần lo lắng về doanh nghiệp tùy tiện thưởng cho người lao động bởi mặc dù quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định nhưng vẫn phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Mặt khác, doanh nghiệp phải công khai quy chế thưởng tại nơi làm việc, nếu không công khai sẽ bị phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Thưởng tết có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?

Câu hỏi: Năm nay, công ty tôi đã có quyết định mức thưởng tết cho nhân viên. Với vị trí của tôi, mức thưởng tết là hơn 20 triệu đồng. Cho tôi hỏi, tiền thưởng tết có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không? – Trương Đình Kiên (Hà Nội).

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định là thu nhập chịu thuế, bao gồm tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Đồng thời, tiền thưởng được xác định trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động, do đó, đây được xem là khoản thu nhập thuộc tiền lương, tiền công của người lao động.

Do đó, thưởng Tết là khoản thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, người lao động chỉ phải nộp thuế sau khi trừ các khoản giảm trừ mà vẫn còn dương (giảm trừ cho bản thân 11 triệu đồng/tháng; giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mỗi người 4.4 triệu đồng/tháng, các loại giảm trừ khác, tiền bảo hiểm).

Thưởng tết có tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) không?

Câu hỏi: Xin chào Hieuluat, cho tôi hỏi, tiền thưởng tết của người lao động có tính đóng bảo hiểm xã hội không hay được hưởng toàn bộ số tiền thưởng này ạ? – Vũ Thị Hà Thu (Vĩnh Long).

Trả lời:

Căn cứ khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác:

- Tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến;

- Tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;

- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

Như vậy, tiền thưởng Tết của người lao động sẽ không làm căn cứ tính đóng BHXH. Do đó, người lao động sẽ được hưởng toàn bộ số tiền thưởng Tết mà không phải trích để đóng BHXH.

tiền thưởng tết không làm căn cứ tính đóng BHXH
Tiền thưởng Tết không làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội.

Nghỉ việc trước Tết có được thưởng tết không?

Câu hỏi: Tôi có ý định xin nghỉ việc vào trước tết âm lịch năm nay. Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ đã phấn đấu làm việc cả năm mà lại xin nghỉ ngay trước tết thì sợ là công ty sẽ không thưởng cho tôi. Vậy xin hỏi, nếu tôi xin nghỉ trước tết thì liệu có chắc chắn là tôi sẽ không được thưởng tết không? – Chu Thúy (Bình Định).

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, có thể thấy thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc đối với người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, nếu các bên có thỏa thuận về nội dung thưởng Tết trong các văn bản có giá trị pháp lý như hợp đồng lao động hoặc ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế riêng của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động bắt buộc phải trả các khoản tiền này.

Do đó, để xem xét người lao động nghỉ việc trước Tết có được thưởng Tết hay không cần căn cứ vào điều kiện, mức hưởng và thời điểm hưởng mà các bên đã thỏa thuận.

Nếu có các văn bản ký có nội dung thưởng Tết trước thời điểm người lao động dự định nghỉ hoặc thỏa thuận về việc người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước Tết vẫn nhận được một phần hoặc toàn bộ thưởng Tết thì người lao động sẽ nhận được khoản tiền này.

Như vậy, người lao động nghỉ việc trước Tết có được nhận thưởng Tết hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận giữa các bên.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động cần tham khảo quy chế thưởng, thỏa ước lao động, hợp đồng lao động để không bị mất đi một khoản thu nhập đáng kể.

Có nên nhảy việc ngay trước tết?

Câu hỏi: Tôi đã đi phỏng vấn và tìm được một công việc phù hợp hơn với mình. Nhưng tôi đang băn khoăn là nên nghỉ việc luôn trước tết hay thương lượng với bên công ty mới là sau tết âm mới đi làm chính thức để ở lại công ty cũ nhận thưởng tết. Vậy tôi có nên xin nghỉ việc ngay trước tết không? – Nguyễn Thị Nguyệt (Bắc Ninh).

Trả lời:

Cuối năm, người lao động thường được đánh giá sự đóng góp, kết quả làm việc trong suốt cả năm để xem xét thưởng Tết. Do đó, dịp cuối năm là thời điểm quan trọng, cần xem xét một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định nghỉ việc bởi nó sẽ ảnh hưởng đến một phần thu nhập của người lao động.

Trước hết, người lao động cần đánh giá xem khoản thu nhập từ tiền thưởng Tết có thực sự cần thiết, có ảnh hưởng quan trọng đến kế hoạch tài chính của mình đến mức nào.

Nếu như thưởng tết là khoản thu nhập quan trọng và có nhiều ý nghĩa với bản thân, thì đừng vì vài lý do nhỏ mà quyết định nghỉ việc trước tết, có thể mất hết số tiền thưởng tết này. Nếu ngược lại, bản thân tìm được một công việc phù hợp, và mọi chế độ tốt hơn hẳn công việc hiện tại, bản thân đánh giá đó là một vị trí mơ ước thì cũng đừng vì nghĩ đến số tiền thưởng tết được nhận ở công ty hiện tại mà dùng dằng, bỏ lỡ mất cơ hội tốt chỉ vì chút lợi từ thưởng tết.

Nếu chỉ vì bất mãn với công việc hiện tại, với sếp hoặc đồng nghiệp, người lao động nên cố gắng ở lại để được lĩnh khoản tiền trên cũng như chuẩn bị tâm lý để đầu năm kiếm công việc mới. Tuy nhiên, đầu năm không phải là thời điểm dễ dàng kiếm việc.

Vì vậy, trước khi nghỉ việc vào dịp cuối năm, người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố khác để đưa ra quyết định sang suốt cho bản thân.

 Cho nhân viên nghỉ việc để tránh thưởng tết được không?

Câu hỏi: Sếp tôi đang yêu cầu tôi lên lại kế hoạch nhân sự, trong đó yêu cầu tôi lên kế hoạch cụ thể về việc cần cắt giảm ít nhất 15% nhân sự hiện tại của công ty cho các vị trí không tạo doanh thu để giảm tổng quỹ thưởng tết. Xin hỏi, như vậy có được không? – Hồ Thị Thu (Hải Dương)

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động về nghĩa vụ của NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì nếu không có lý do chính đáng, doanh nghiệp sẽ buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc. Bên cạnh đó, còn phải bồi thường tổn thất cho NLĐ theo Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2017, người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau:

- Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;

- Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;

- Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc

Hành vi thực hiện gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Trường hợp có một số tình tiết tăng nặng thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Với quy định này, chủ doanh nghiệp sẽ cần hết sức lưu ý. Bởi đuổi việc người lao động nhằm tránh thưởng tết chính là hành vi vụ lợi và có mức phạt tù cao nhất lên đến 3 năm.

Thưởng tết có được tính trừ chi phí hợp lý cho doanh nghiệp không?

Câu hỏi: Tôi đang làm kế toán cho một công ty xây dưng, tết năm nay, sếp yêu cầu tôi phải hạch toán để tổng số tiền thưởng tết cho nhân viên sẽ tính trừ vào chi phí hợp lý cho doanh nghiệp mình. Xin hỏi hiện nay luật đang quy định việc này thế nào? – Trịnh Thị Vân Anh (Vũng Tàu).

Trả lời:

Căn cứ khoản 2 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC, một trong các khoản chi không được tính trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, đó là:

Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

Theo đó, để được tính vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần ghi cụ thể điều kiện thưởng Tết và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau:

- Hợp đồng lao động;

- Thoả ước lao động tập thể;

- Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn;

- Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

Trên đây là thông tin liên quan đến các quy định về thưởng Tết. Nếu có thêm vướng mắc, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006192 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X