hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 24/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hướng dẫn tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng chi tiết nhất

Chứng chỉ hành nghề xây dựng là văn bản cần thiết đối với những cá nhân hành nghề trong lĩnh vực xây dựng, đồng thời là căn cứ để đối tác, khách hàng,.. có thể kiểm tra năng lực trước khi hợp tác. Vậy tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng như thế nào?

Mục lục bài viết
  • Hướng dẫn cách tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng 
  • Đối tượng nào bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề xây dựng?
  • Thi chứng chỉ hành nghề xây dựng bao nhiêu câu?
  • Chứng chỉ hành nghề xây dựng có thời hạn bao lâu?
  • Chứng chỉ hành nghề xây dựng do ai cấp?
Câu hỏi: Công ty tôi sắp ký kết hợp đồng xây dựng với nhà thầu. Tôi cần kiểm tra hồ sơ năng lực của nhà thầu xem có đủ năng lực, chứng chỉ hành nghề hay không. Vậy tôi phải tra cứu chứng chỉ hành nghề bằng cách nào?

Hướng dẫn cách tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng 

Hiện nay, có thể tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng đơn giản và nhanh chóng như sau:

Bước 1: Truy cập vào website của Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng theo đường link: https://nangluchdxd.gov.vn/Canhan sau đó màn hình sẽ xuất hiện giao diện như sau:

tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng

Bước 2: Nhập thông tin về mã số của chứng chỉ hành nghề xây dựng tại ô từ khóa, nhập mã xác nhận và click “Tìm kiếm”.

tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng

Bước 3: Website sẽ xuất hiện thông tin của người trùng với mã số chứng chỉ mà bạn tìm kiếm. Bạn có thể xem nhiều thông tin hơn bằng việc chọn vào mục chi tiết.

tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng

Bước 4: Kiểm tra các thông tin hiện lên xem đã phù hợp và trùng khớp với thông tin trên chứng chỉ hành nghề chưa.

tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng

Đối tượng nào bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề xây dựng?

Căn cứ khoản 1 Điều 149 Luật Xây dựng năm 2014, quy định chứng chỉ hành nghề xây dựng là văn bản xác nhận năng lực hành nghề được cơ quan thẩm quyền cấp cho các cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 148 Luật Xây dựng năm 2014 mà có đủ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm về lĩnh vực hành nghề theo quy định.

Đối tượng nào bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề xây dựng

Đối tượng nào bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề xây dựng

Dẫn chiếu đến khoản 3 ĐIều 148 Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 53 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, theo đó những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động trong lĩnh vực xây dựng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề xây dựng gồm:

Giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ trì lập thiết kế quy hoạch; chủ nhiệm, chủ trì/thẩm tra thiết kế xây dựng; chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư; tư vấn giám sát thi công xây dựng.

Lưu ý: Cá nhân bao gồm cả công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư tại nước ngoài, người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hợp pháp ở Việt Nam để đảm nhận chức danh hoặc hành nghề một cách độc lập theo quy định.

Cá nhân là người nước ngoài/người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có giấy phép năng lực hành nghề do cơ quan thẩm quyền tại nước ngoài cấp, nếu hành nghề xây dựng tại Việt Nam dưới 06 tháng/ở nước ngoài nhưng tiến hành các dịch vụ về tư vấn xây dựng tại Việt Nam thì giấy phép năng lực hành nghề xây dựng phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

Trong trường hợp người hành nghề xây dựng tại Việt Nam trong thời hạn từ 06 tháng trở lên thì phải thực hiện chuyển đổi chứng chỉ xây dựng tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về cấp chứng chỉ xây dựng.

Thi chứng chỉ hành nghề xây dựng bao nhiêu câu?

Thi chứng chỉ hành nghề xây dựng bao nhiêu câu?

Thi chứng chỉ hành nghề xây dựng bao nhiêu câu?

Việc thi chứng chỉ hành nghề xây dựng được tiến hành theo hình thức thi trắc nghiệm. Đề thi gồm có tổng cộng 25 câu, trong đó có 15 câu kiến thức chuyên môn và 10 câu về kiến thức pháp luật.

Những câu hỏi trong bài thi sẽ liên quan đến chứng chỉ mà cá nhân đăng ký thi cấp chứng chỉ hành nghề, được lấy ngẫu nhiên từ bộ câu hỏi trắc nghiệm.

Người thi thực hiện bài thi trong thời gian 30 phút, điểm tối đa là 100 điểm (gồm 60 điểm đối với phần kiến thức chuyên môn và 40 điều đối với phần thi kiến thức pháp luật). Người thi sẽ đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ nếu đạt trên 80 điểm.

Chứng chỉ hành nghề xây dựng có thời hạn bao lâu?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 62 Nghị định 15/2021/NĐ-CP về chứng chỉ hành nghề xây dựng. Theo đó, chứng chỉ hành nghề xây dựng có thời hạn trong 05 năm đối với trường hợp cấp chứng chỉ lần đầu hoặc được cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ hoặc gia hạn chứng chỉ hành nghề xây dựng.

Riêng đối với trường hợp chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài thì hiệu lực của chứng chỉ được xác định dựa theo thời hạn được ghi trên giấy phép lao động hoặc thẻ tạm trú được cơ quan có thẩm quyền cấp, nhưng thời hạn không quá 05 năm.

Trong trường hợp cấp điều chỉnh hoặc bổ sung nội dung của chứng chỉ hoặc chứng chỉ cũ còn hiệu lực nhưng mất hoặc bị hư hỏng hoặc sai thông tin thì thời hạn của chứng chỉ được cấp mới sẽ căn cứ theo thời hạn của chứng chỉ hành nghề mà cá nhân đã được cấp trước đó.

Chứng chỉ hành nghề xây dựng do ai cấp?

Theo Điều 64 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 19 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP, người có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng được quy định gồm có 03 đơn vị, tổ chức, cụ thể là:

- Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng I.

- Sở Xây dựng có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng II và hạng III.

- Tổ chức xã hội - nghề nghiệp được công nhận theo Điều 81 Nghị định 15/2021/NĐ-CP có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề hạng II và hạng III cho các cá nhân là thành viên, hội viên của mình.

Như vậy, hiện nay có 03 đơn bị, tổ chức có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng như trên.

Trên đây là những thông tin về hướng dẫn tra cứu chứng chỉ hành nghề xây dựng. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến:  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X