Trả lại nhà ở công vụ trong những trường hợp nào? Nếu cố ý không trả lại nhà ở công vụ thì xử lý thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.
Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi trong những trường hợp nào phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước?
Nếu người thuê không trả lại nhà ở công vụ theo quy định thì xử lý thế nào?
Chào bạn, với những vướng mắc xoay quanh vấn đề trả lại nhà ở công vụ, chúng tôi giải đáp như sau:
Trường hợp nào phải trả lại nhà ở công vụ?
Nhà ở công vụ là một trong số những loại nhà thuộc sở hữu Nhà nước, do vậy, trả lại nhà ở công vụ cũng chính là việc thu hồi lại nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định.
Căn cứ khoản 1 Điều 84 Luật Nhà ở 2014, có 8 trường hợp, nhà ở công vụ được trả lại cho Nhà nước/hoặc được Nhà nước thu hồi lại, bao gồm:
Một là, nhà ở công vụ dược cho thuê không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện theo quy định
Hai là, bên thuê không còn nhu cầu thuê tiếp khi đã hết thời hạn thuê hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở công vụ
Ba là, bên thuê nhà ở công vụ trả lại nhà ở đang thuê
Bốn là, bên thuê không còn đủ điều kiện để được thuê nhà ở theo quy định
Năm là, bên thuê nhà ở công vụ chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án
Sáu là, bên thuê nhà ở công vụ không nộp tiền thuê nhà ở từ 3 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng
Bảy là, nhà ở công vụ thuộc trường hợp phải phá dỡ để cải tạo lại theo quy định của cơ quan có thẩm
Tám là, bên thuê nhà ở công vụ sử dụng không đúng mục đích như thỏa thuận hoặc tự ý chuyển đổi, bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở/hoặc tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê
Như vậy, pháp luật quy định có 8 trường hợp người thuê nhà phải trả lại nhà ở công vụ.
Bên thuê cố ý không trả lại nhà ở công vụ, xử lý thế nào?
Trong trường hợp người được thuê nhà ở công vụ phải trả lại nhà cho thuê mà cố ý không thực hiện thì bị cưỡng chế thu hồi.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định cưỡng chế là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở.
Căn cứ khoản 2 Điều 84 Luật Nhà ở, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định cưỡng chế.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 09/2015/TT-BXD, trình tự cưỡng chế thu hồi tài sản là nhà ở công vụ được thực hiện như sau:
Bước 1, bên cho thuê nhà báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà ở đề nghị cưỡng chế thu hồi nếu bên thuê không tự nguyện trả lại
Bước 2, cơ quan quản lý nhà kiểm tra và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở công vụ xem xét, ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ
Bước 3, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở công vụ kiểm tra, đối chiếu quy định pháp luật và ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ
Riêng đối với nhà ở công vụ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý thì cơ quan quản lý nhà ở công vụ được quyền ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ nếu được giao;
Bước 4, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở công vụ gửi quyết định này đến cơ quan quản lý nhà ở công vụ, đơn vị quản lý vận hành, người thuê nhà
Bước 5, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở công vụ trực tiếp tổ chức thực hiện thu hồi nhà ở hoặc giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà ở công vụ tổ chức cưỡng chế thu hồi
Bước 6, cơ quan thực hiện cưỡng chế tiến hành bàn giao nhà ở đã cưỡng chế thu hồi cho bên cho thuê
Như vậy, nếu bên đi thuê không tự nguyện bàn giao, trả lại nhà ở công vụ khi thuộc trường hợp phải trả lại thì cơ quan đại diện chủ sở hữu có quyền Quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở này.
Việc cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề trả lại nhà ở công vụ, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.