hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 06/05/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hiện nay ra sao?

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể hiểu vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của người vi phạm. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi đang tìm hiểu quy định của pháp luật về việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tôi có một số câu hỏi mong được Luật sư giải đáp về vấn đề như sau:

1. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì được pháp luật quy định thế nào? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có các căn cứ nào?

2. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của người gây thiệt hại theo quy định hiện hành như thế nào?

Chào bạn, hiện nay việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Từ các quy định này, chúng tôi giải đáp các câu hỏi cho bạn như sau:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi nào?

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thường được hiểu là việc bồi thường thiệt hại nằm ngoài các thỏa thuận, phạm vi được quy định trong hợp đồng. Nó có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan (đến từ các chủ thể) hoặc nguyên nhân khách quan (các tác nhân bên ngoài).

Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh như sau:

Thứ nhất, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trong trường hợp bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe hoặc danh dự hoặc nhân phẩm hoặc uy tín hoặc tài sản hoặc quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại (ngoại trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan có quy định khác về vấn đề này);

Thứ hai, trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác);

Thứ ba, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp tài sản gây thiệt hại (trừ trường hợp thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng)

=> Từ đây có thể tóm gọn lại căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gồm:

- Đã có hành vi gây thiệt hại cho người khác (hành vi này có thể của người hoặc tài sản…);

- Có lỗi của bên gây thiệt hại (lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý);

- Có hậu quả xảy ra từ hành vi gây thiệt hại. Đồng thời, có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả của hành vi đó;

Như vậy, về cơ bản, hành vi gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, danh dự…của người khác của người nào đó mà dẫn đến có thiệt hại thì phải bồi thường. Khoản bồi thường này được gọi là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có căn cứ được quy định như trên.

trach nhiem boi thuong thiet hai ngoai hop dong


Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của người gây thiệt hại như thế nào?

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể hiểu là người phải thực hiện việc bồi thường thiệt hại vì hành vi gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe,...cho người khác của mình.

Căn cứ Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, những người sau đây là những người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:

Một là, nếu người gây thiệt hại là người từ đủ 18 tuổi trở lên thì họ phải tự mình bồi thường;

Hai là, người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại là của cha, mẹ. Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu (trừ trường hợp người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định tại Điều 599 của Bộ luật Dân sự 2015);

Ba là, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, trường hợp không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình;

Bốn là, người giám hộ của người được dùng tài sản của người được giám hộ là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi để bồi thường cho hành vi gây thiệt hại của người được giám hộ này;

Người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình nếu những người được giám hộ trên không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường. Ngoại lệ, người giám hộ không phải lấy tài sản của mình để bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ.

=> Đây là toàn bộ quy định về năng lực, người chịu trách nhiệm thực hiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Kết luận: Tùy thuộc từng độ tuổi mà khả năng, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng có sự khác biệt theo quy định pháp luật dân sự.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng​​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X