hieuluat
Chia sẻ email

Tranh chấp đất đai có di chúc: Thủ tục, hồ sơ, chi phí như thế nào?

Tranh chấp đất đai có di chúc được xử lý như thế nào? Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc gồm những gì? Thủ tục giải quyết ra sao? Cùng giải đáp trong bài viết sau của HieuLuat nhé.

Mục lục bài viết
  • Xử lý tranh chấp đất đai có di chúc như thế nào?
  • Hồ sơ, chi phí giải quyết tranh chấp đất đai về thừa kế ra sao?
  • Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc gồm những gì?
  • Chi phí giải quyết tranh chấp đất thừa kế tính thế nào?
  • Đơn tranh chấp đất đai thừa kế có nội dung gì?
Câu hỏi: Chào Luật sư, ông bà tôi qua đời vào khoảng năm 2000. Tài sản ông bà để lại gồm có nhà cửa, đất đai.

Trước lúc mất, ông tôi có để lại di chúc định đoạt phần tài sản này.

Tuy nhiên, chú út nhà tôi nhất định không đồng ý với việc phân chia tài sản theo di chúc mà ông tôi để lại với lý do là di chúc này không có công chứng chứng thực, do ông tự viết, không biết có đúng là chữ của ông hay không nên nó là di chúc không hợp pháp.

Vì vậy, chú nhất định đòi chia di chúc theo pháp luật để hưởng phần tài sản thừa kế nhiều hơn so với di chúc mà ông tôi đã lập.

Xin hỏi Luật sư, việc chia thừa kế đất đai có di chúc mà phát sinh tranh chấp như gia đình tôi được giải quyết như thế nào?

Hồ sơ, chi phí giải quyết tranh chấp đất thừa kế của gia đình tôi hiện nay được xác định, tính toán ra sao?

Tôi nghe nói, để giải quyết tranh chấp thì phải có đơn yêu cầu, vậy Luật sư có thể cung cấp cho tôi mẫu đơn được không?

Chân thành cảm ơn Luật sư.

Chào bạn, việc giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2013, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 cùng các văn bản khác hướng dẫn thi hành.

Theo đó, giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc phải được tuân thủ theo trình tự các bước luật định trong phạm vi yêu cầu, cụ thể như sau: 

Xử lý tranh chấp đất đai có di chúc như thế nào?

Tranh chấp đất đai có di chúc giữa những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc là một trong số những trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất/tranh chấp liên quan đến đất đai phổ biến hiện nay.

Điển hình của loại tranh chấp này là việc không công nhận di chúc hoặc đề nghị tuyên di chúc vô hiệu để chia thừa kế theo pháp luật, hoặc yêu cầu giải quyết chia tài sản thừa kế đất đai cho những người được hưởng không phụ thuộc nội dung di chúc…

Về cơ bản, việc giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc cũng được thực hiện tương tự như các trường hợp giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai khác là hòa giải, giải quyết tại tòa án.

Đối với trường hợp của gia đình bạn, chúng tôi hướng dẫn cách xử lý dựa theo thông tin nhận được và quy định pháp luật hiện hành như sau:

Bước 1: Tiến hành thương lượng, hòa giải

  • Thương lượng, hòa giải không là thủ tục bắt buộc trong giải quyết tranh chấp liên quan đến đất thừa kế có di chúc nhưng lại là phương thức giải quyết tranh chấp mang lại hiệu quả tối ưu về kinh tế cho các bên;

  • Các bên trong tranh chấp có thể tự thương lượng, hoặc đề nghị được hòa giải tại cơ sở (qua thôn, làng, bản, ấp…) hoặc đề nghị được hòa giải tại tòa án (hòa giải viên được Chánh án cấp tỉnh bổ nhiệm thực hiện hòa giải);

  • Nếu không hòa giải được hoặc không tiến hành hòa giải, các bên có thể đề nghị tòa án giải quyết tranh chấp;

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai có di chúcThủ tục giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc

Bước 2: Khởi kiện, đề nghị tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp

  • Tại đây, có một số vấn đề cần làm rõ khi giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc tại tòa án bao gồm:

    • Di chúc có hợp pháp hay không;

    • Còn thời hiệu yêu cầu tòa án chia thừa kế theo di chúc không (thời hiệu này là 30 năm, kể từ ngày người để lại di sản mất);

    • Những người nào được hưởng thừa kế theo di chúc;

    • Phần tài sản được chia theo di chúc gồm những gì;

    • Cách chia thừa kế theo di chúc như thế nào;

  • Thủ tục giải quyết tại tòa án bao gồm: Tiếp nhận, thụ lý yêu cầu khởi kiện/ Hòa giải và chuẩn bị xét xử/Đưa vụ án ra xét xử, trong đó:

  • Tiếp nhận, thụ lý yêu cầu khởi kiện là bước đầu tiên để giải quyết tại tòa án. Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện cùng các tài liệu chứng minh theo trình tự, thủ tục tại tòa án và đóng tạm ứng án phí;

  • Hòa giải và chuẩn bị xét xử bao gồm các thủ tục như tiến hành hòa giải tại tòa án, mở phiên họp giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải, lấy lời khai của các bên…;

  • Đưa vụ án ra xét xử là thủ tục thực hiện ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, tranh luận và hỏi tại phiên tòa, nghị án, ra bản án…;

  • Tòa án nhân dân có thẩm quyền chỉ giải quyết tranh chấp trong phạm vi khởi kiện: Nói cách khác, tòa giải quyết các yêu cầu được thể hiện thông qua đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế, đơn phản tố, đơn yêu cầu độc lập đã nhận được từ nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan;

  • Người yêu cầu tòa giải quyết tranh chấp đất thừa kế có di chúc phải có đơn khởi kiện cùng tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình (chi tiết được chúng tôi trình bày ở phần dưới);

  • Tùy thuộc người khởi kiện/người có yêu cầu tòa giải quyết vụ việc tranh chấp mà hồ sơ cần chuẩn bị có sự khác biệt;

  • Người khởi kiện, người có yêu cầu độc lập phải nộp tạm ứng án phí theo quy định;

  • Theo bản án, quyết định của tòa án, những người hưởng di sản thừa kế có nghĩa vụ đóng nộp các khoản án phí, lệ phí tòa án theo quy định;

  • Người được thi hành án được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thi hành theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

Căn cứ thực tế, thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng di chúc mà ông bạn để lại là di chúc được lập thành văn bản không có người làm chứng (di chúc viết tay), không có công chứng, chứng thực.

Di chúc viết tay này được coi là di chúc hợp pháp nếu thỏa mãn các điều kiện về hình thức, nội dung,... quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy, các bước giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc bao gồm hòa giải tranh chấp, giải quyết qua tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Tùy thuộc từng trường hợp cụ thể mà các bên trong tranh chấp được lựa chọn cách thức, phương thức giải quyết khác nhau.

Không bắt buộc phải hòa giải khi giải quyết tranh chấp thừa kế đấtKhông bắt buộc phải hòa giải khi giải quyết tranh chấp thừa kế đất

Hồ sơ, chi phí giải quyết tranh chấp đất đai về thừa kế ra sao?

Hồ sơ, chi phí giải quyết tranh chấp đất thừa kế có di chúc là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp của những đồng thừa kế.

Quy định của pháp luật về hồ sơ, chi phí giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc như sau:

Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc gồm những gì?

Căn cứ Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013, thông tin bạn cung cấp, thực tế giải quyết, hồ sơ cần chuẩn bị khi giải quyết tranh chấp đất thừa kế có di chúc tại tòa án gồm:

  • Đơn khởi kiện theo mẫu;

  • Di chúc;

  • Giấy tờ, tài liệu chứng minh di chúc là không hợp pháp (đối với chú út của bạn);

  • Giấy tờ, tài liệu chứng minh di chúc là hợp pháp (đối với những đồng thừa kế còn lại);

  • Căn cước công dân của người khởi kiện, người yêu cầu;

  • Văn bản ủy quyền (nếu có);

  • Căn cước công dân/giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của người bị kiện;

  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng thửa đất chia thừa kế, ví dụ như giấy chứng nhận, quyết định giao đất…;

  • Các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình;

Nếu trong giai đoạn hòa giải tại cơ sở thì bên yêu cầu thay đơn khởi kiện bằng đơn yêu cầu hòa giải/hoặc đơn đề nghị hòa giải tranh chấp.

Bạn có thể tham khảo mẫu đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 để soạn thảo mẫu đơn này cho phù hợp.

Kết luận: Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc ở giai đoạn hòa giải và giai đoạn tại tòa án nhân dân là tương đối giống nhau.

Lưu ý rằng, phạm vi khởi kiện tới đâu thì cần phải có tài liệu, giấy tờ tương ứng tới đó.

Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai có di chúcHồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc 

Chi phí giải quyết tranh chấp đất thừa kế tính thế nào?

Khoản chi phí giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc được tính gồm: Án phí, lệ phí tòa án, chi phí khác.

Trong đó lệ phí tòa án, án phí được xác định, tính toán theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Chi phí khác như thù lao ủy quyền, chi phí thuê Luật sư hỗ trợ (nếu có), chi phí thu thập/sao chụp giấy tờ… (áp dụng mức thu theo từng luật chuyên ngành).

Cụ thể cách tính như sau:

Lệ phí tòa án

Án phí

Chi phí khác

  • Ví dụ lệ phí cấp bản sao, sao chụp giấy tờ tại tòa án/lệ phí ủy thác tư pháp (nếu có)..

  • Tương ứng mức lệ phí tòa án được quy định như sau:

    • Lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài: 200.000 đồng/trường hợp;

    • Lệ phí sao chụp tài liệu/cấp bản sao giấy tờ tại tòa án: 1.500 đồng/1 trang A4 tài liệu;

  • Mức án phí của vụ án tranh chấp đất thừa kế có di chúc được xác định là vụ án tranh chấp có giá ngạch, mức án phí phụ thuộc vào giá trị của tài sản đang tranh chấp;

  • Ví dụ:

    • Trị giá tài sản dưới 6 triệu đồng có án phí là 300.000 đồng;

    • Trị giá tài sản từ 6 triệu đến 400 triệu đồng có án phí là 5% giá trị tài sản tranh chấp (>300.000 đồng - 20 triệu đồng);

    • …;
  • Theo thỏa thuận đối với khoản phí thù lao ủy quyền, phí thuê luật sư hỗ trợ…;

  • Chi phí sao chụp tài liệu/công chứng, chứng thực tài liệu, giấy tờ: Được xác định theo pháp luật về công chứng;

Như vậy, khi giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc, bên có nghĩa vụ phải chịu các khoản chi phí bao gồm án phí, lệ phí tòa án như chúng tôi đã liệt kê ở trên.

Người có yêu cầu phải nộp đầy đủ án phí, lệ phí tòa án theo quy định để được giải quyết vụ án tranh chấp đất đai thừa kế không có di chúc.

 

Đơn tranh chấp đất đai thừa kế có nội dung gì?

Dựa trên phương pháp giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc là thông qua hòa giải hoặc giải quyết tại tòa án nhân dân có thẩm quyền.

  • Đối với giai đoạn giải quyết thủ tục thông qua hòa giải: Có thể tham khảo mẫu đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã để soạn thảo mẫu đơn đề nghị hòa giải tranh chấp (như chúng tôi đã phân tích ở trên);

  • Đối với giai đoạn giải quyết tại tòa án: Sử dụng mẫu đơn bán sẵn tại Tòa án (bên yêu cầu khởi kiện có thể mua tại tòa án nơi tiếp nhận hồ sơ) hoặc sử dụng mẫu đơn khởi kiện chung số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP với nội dung và hướng dẫn cách viết như dưới đây:
Nội dung đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai có di chúcNội dung đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc
 
Sửa/In biểu mẫu

Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

……(1), ngày….. tháng …… năm…….

ĐƠN KHỞI KIỆN

                    Kính gửi: Toà án nhân dân (2)……………………………………

Người khởi kiện: (3).................................................................................

Địa chỉ: (4) ................................................................................................

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ………................................................. (nếu có)

Người bị kiện: (5)......................................................................................

Địa chỉ (6) .................................................................................................

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ………................................................. (nếu có)

Người có quyền, lợi ích được bảo vệ (nếu có)(7).......................................

Địa chỉ: (8).................................................................................................

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………...(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử : ………………………………............(nếu có)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) (9).................................

Địa chỉ: (10) ...............................................................................................

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ..………………………..……............. (nếu có)

Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây:(11).............................

................................................................................................................

Người làm chứng (nếu có) (12)....................................................................

Địa chỉ: (13) ...............................................................................................

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ………………………...…….…......... (nếu có).

Danh mục tài liệu, chứng kèm theo đơn khởi kiện gồm có: (14)...............

1..............................................................................................................

2..............................................................................................................

(Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án) (15) ........................................................................................................................

 

              Người khởi kiện (16)

 

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 23-DS:

(1) Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng….. năm……).

(2) Ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B), nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên) và địa chỉ của Toà án đó.

(3) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ tên; đối với trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.

(4) Ghi nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại thôn B, xã C, huyện M, tỉnh H); nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH Hin Sen có trụ sở: Số 20 phố LTK, quận HK, thành phố H).

(5), (7), (9) và (12) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (3).

(6), (8), (10) và (13) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4).

(11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết.

(14) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: bản sao hợp đồng mua bán nhà, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …).

(15) Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án (ví dụ: Người khởi kiện thông báo cho Toà án biết khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã đi nước ngoài chữa bệnh…).

(16) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ; trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện. Nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp. Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Kết luận: Mẫu đơn chung yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai có di chúc/tranh chấp đất thừa kế tại Tòa án có thể sử dụng là mẫu số 23-DS như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Ngoài đơn khởi kiện, người yêu cầu còn phải có các giấy tờ, tài liệu khác kèm theo để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình để tòa án có căn cứ xử lý, giải quyết.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về tranh chấp đất đai có di chúc, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X