hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 08/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tranh chấp đất đai không có di chúc được giải quyết như thế nào?

Tranh chấp đất đai không có di chúc được thực hiện thế nào? Thẩm quyền, trình tự thực hiện ra sao? Cùng HieuLuat tìm hiểu cụ thể trong bài viết sau đây.

 
Mục lục bài viết
  • Giải quyết tranh chấp đất đai không có di chúc thế nào?
  • Tranh chấp đất đai thừa kế không có di chúc là gì?
  • Tranh chấp đất đai xử lý thế nào nếu không có di chúc?
  • Tranh chấp đất đai tài sản thừa kế được giải quyết ở đâu?
  • Xử lý tranh chấp đất đai có mồ mả khi nhận thừa kế ra sao?

Giải quyết tranh chấp đất đai không có di chúc thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi việc giải quyết tranh chấp đất đai khi không có di chúc được thực hiện như thế nào?

Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?

Chào bạn, tranh chấp đất đai không có di chúc được giải quyết theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật dân sự, cụ thể như chúng tôi trình bày dưới đây:

Tranh chấp đất đai thừa kế không có di chúc là gì?

Tranh chấp đất đai thừa kế không có di chúc được hiểu là việc tranh chấp giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai trong vụ việc chia tài sản thừa kế mà người để lại di sản không có di chúc.

Theo đó, đất đai trong trường hợp tranh chấp này là đối tượng của vụ án thừa kế.

Lưu ý rằng, để là tài sản thừa kế thì đất đai phải được cấp sổ hoặc đủ điều kiện cấp sổ nhưng chưa được cấp (Điều 168 Luật Đất đai 2013).

Thông thường, tranh chấp đất đai thừa kế không có di chúc được thể hiện thông qua hình thức như không đồng ý với diện tích đất được chia cho từng đồng thừa kế, không thống nhất được phương án phân chia, phân chia khi không đủ người thừa kế,...

Thực tế cho thấy, tranh chấp được phát sinh nhiều là từ những người được nhận thừa kế không có di chúc (thừa kế theo pháp luật) và liên quan đến vấn đề phần thừa kế được nhận, cách chia/hoặc cách định giá tài sản thừa kế.

Một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vụ việc tranh chấp đất đai được nhận thừa kế theo pháp luật là sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bên, các bên trong vấn đề người được nhận thừa kế, phần tài sản thừa kế được nhận…

Bên cạnh đó, hồ sơ quản lý về đất đai qua các thời kỳ có sự xáo trộn, không đồng nhất, có nhiều trường hợp bị thất lạc, sai sót hoặc không trùng khớp số liệu của thửa đất tại các cơ quan quản lý… cũng là nguyên nhân dẫn đến số lượng vụ việc tranh chấp đất đai thừa kế không có di chúc gặp nhiều khó khăn khi giải quyết gia tăng. 

Để xử lý vụ án tranh chấp này, trước hết, cần phải dựa trên thiện chí của các bên, quy định của pháp luật và hồ sơ, tài liệu, giấy tờ có trong vụ án.

Chi tiết như chúng tôi trình bày ở phần dưới.

Như vậy, tranh chấp đất đai không có di chúc được hiểu đơn giản là sự không nhất quán, không thống nhất được về vấn đề liên quan đến chia thừa kế, xác định tài sản thừa kế,... 

Việc giải quyết tranh chấp đất đai không có di chúc phải tuân thủ quy định pháp luật đất đai, pháp luật dân sự…, nhu cầu, thiện chí của các bên.

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai không có di chúcThủ tục giải quyết tranh chấp đất đai không có di chúc

Tranh chấp đất đai xử lý thế nào nếu không có di chúc?

Tranh chấp đất đai không có di chúc được thực hiện theo Luật Đất đai 2013, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 cùng các văn bản khác có liên quan.

Theo đó, trình tự giải quyết tranh chấp đất đai không có di chúc được tiến hành thông qua thương lượng, hòa giải/hoặc yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Chi tiết như sau:

Bước 1: Thương lượng, hòa giải

  • Dù thủ tục thương lượng, hòa giải trong vụ án tranh chấp đất đai thừa kế không có di chúc không bắt buộc nhưng các bên nên thực hiện;

  • Các bên có quyền lựa chọn hình thức, phương thức hòa giải, thương lượng như tự tiến hành, thông qua hòa giải tại cơ sở hoặc hòa giải tại tòa án nhân dân (hòa giải trước khi thụ lý vụ án);

    • Nếu tự hòa giải thì các bên tự lựa chọn thời gian, địa điểm, nội dung thương lượng, hòa giải phù hợp với khả năng, yêu cầu của mình;

    • Nếu thực hiện hòa giải tại cơ sở hoặc hòa giải tại tòa án thì hòa giải viên tiến hành hòa giải dựa trên đơn yêu cầu hoặc đơn khởi kiện của các bên;

    • Trong đó, hòa giải tại cơ sở được thực hiện thông qua hòa giải viên được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận hoặc tổ hòa giải (có từ 3 hòa giải viên trở lên), thường được thành lập trong phạm vi tổ, thôn, làng…;

    • Hòa giải tại tòa án được tiến hành theo sự điều hành, hướng dẫn của hòa giải viên được Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm;

  • Ưu điểm của thủ tục này là các bên có thể tự do lựa chọn phương thức, thời gian, địa điểm, người hỗ trợ hòa giải…;

  • Ngoài ra, thương lượng, hòa giải giúp các bên tối ưu được chi phí, công sức của mình trong vụ án tranh chấp;

  • Sau khi tiến hành hòa giải tại cơ sở hoặc hòa giải tại tòa án, các bên có thể đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền công nhận sự hòa giải này để làm căn cứ thực hiện các quyền của người sử dụng đất;

Bước 2: Giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân

  • Trường hợp vụ việc tranh chấp đất đai không có di chúc không thể hòa giải hoặc hòa giải không thành, các bên có quyền gửi đơn khởi kiện kèm hồ sơ tới tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết;

  • Tòa án có thẩm quyền tranh chấp là tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất thừa kế hoặc tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có đất nếu có yếu tố nước ngoài hoặc vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện nhưng được tòa cấp tỉnh lấy lên để giải quyết;

  • Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

    • Đơn khởi kiện (có thể mua mẫu tại tòa án nhân dân nơi tiếp nhận, thụ lý, giải quyết vụ việc);

    • Kèm theo đơn là các tài liệu như giấy khai sinh/giấy tờ chứng minh được nhận thừa kế, giấy tờ về quyền sử dụng đất, căn cước công dân,...;

  • Thủ tục giải quyết tại Tòa án nhân dân được tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 gồm thụ lý vụ án, hòa giải và chuẩn bị xét xử, đưa vụ án ra xét xử, tuyên án;

  • Sau khi đã có bản án sơ thẩm, các bên có quyền kháng cáo nếu thấy việc giải quyết chưa thỏa đáng, chưa đảm bảo quyền lợi của mình theo quy định;

  • Các bên có nghĩa vụ tuân thủ bản án/quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật nếu không có kháng cáo, kháng nghị;

  • Các bên trong vụ án cũng có quyền thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự sau khi đã có bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án nhân dân có thẩm quyền;

  • Án phí, lệ phí tòa án mà các bên trong vụ án tranh chấp đất đai không có di chúc phải chịu được thực hiện theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14;

Như vậy, tranh chấp đất đai không có di chúc được pháp luật khuyến khích giải quyết bằng thương lượng, hòa giải.

Nếu không hòa giải, thương lượng được hoặc không tiến hành thương lượng, hòa giải, các bên có quyền đề nghị tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Quyết định/bản án có hiệu lực của tòa án là căn cứ để các bên tuân thủ, thi hành.

 Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai không có di chúcThẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai không có di chúc

Tranh chấp đất đai tài sản thừa kế được giải quyết ở đâu?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi tranh chấp đất đai là di sản thừa kế không có di chúc được giải quyết tại cơ quan nào?

Chào bạn, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế không có di chúc được xác định theo trình tự giải quyết.

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, các bước để giải quyết tranh chấp đất đai không có di chúc là di sản thừa kế gồm thương lượng, hòa giải/hoặc giải quyết tại Tòa án.

Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền/nơi giải quyết vụ án tranh chấp đất đai không có di chúc được xác định như sau:

Giải quyết tranh chấp đất đai bằng cách thương lượng, hòa giải

 

Giải quyết tranh chấp đất đai tại tòa án

Các bên tự thực hiện

  • Hòa giải viên được Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm (nếu hòa giải tại tòa án);

  • Hòa giải viên được công nhận, tổ hòa giải được thành lập, hoạt động theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở (nếu hòa giải tại cơ sở);

Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền (cấp huyện hoặc cấp tỉnh nơi có đất) tùy thuộc từng vụ việc

Căn cứ giải quyết: Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 cùng các văn bản khác có liên quan

Căn cứ giải quyết: Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án số 58/2020/QH14, Luật Đất đai 2013, Luật Hòa giải tại cơ sở số 35/2013/QH13 cùng các văn bản khác có liên quan

Căn cứ giải quyết: Bộ luật Tố tụng 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 cùng các văn bản khác có liên quan

Như vậy, tranh chấp đất đai không có di chúc được giải quyết trực tiếp tại tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc các bên tự giải quyết, hoặc thông qua sự hỗ trợ của hòa giải viên được công nhận, bổ nhiệm theo quy định pháp luật.

 

Xử lý tranh chấp đất đai có mồ mả khi nhận thừa kế ra sao?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi nếu có tranh chấp đất đai khi nhận thừa kế đất đai không có di chúc mà trên đất có mồ mả được thực hiện như thế nào?

Câu chuyện của chúng tôi như sau: Gia đình tôi có thửa đất ông bà để lại, diện tích khoảng 2000m2.

Trên đất có 3 ngôi mộ, trong đó có 2 ngôi mộ là của dòng họ chúng tôi, 1 ngôi mộ còn lại là của nhà người khác.

Khi thỏa thuận phân chia, toàn bộ những người được nhận thừa kế đều đồng ý việc bác cả được nhận phần diện tích đất có 3 ngôi mộ này.

Tuy nhiên, đến khi ký văn bản thỏa thuận phân chia, bác cả lại không đồng ý theo biên bản họp gia đình trước đó, đồng thời từ chối ký văn bản thỏa thuận phân chia.

Đến nay đã gần 4 tháng, kể từ thời điểm họp gia đình, chúng tôi vẫn không thống nhất được phương án xử lý.

Xin hỏi Luật sư, chúng tôi nên giải quyết trường hợp này thế nào?

Chúng tôi có thể yêu cầu gia đình có ngôi mộ còn lại trên đất di dời khỏi đất của gia đình tôi không?

Cảm ơn Luật sư đã hỗ trợ.

Chào bạn, giải quyết tranh chấp đất đai không có di chúc mà trên đất có mồ mả phải được cân nhắc, tính toán đến cả vấn đề phong tục tập quán bên cạnh quy định của pháp luật.

Với thông tin bạn cung cấp, dựa trên pháp luật hiện hành, chúng tôi hướng dẫn chi tiết cách xử lý tranh chấp chia thừa kế mà trên đất có mồ mả như dưới đây.

Về nguyên tắc, nếu những đồng thừa kế có thể tự thỏa thuận, phân chia tài sản thì chỉ cần thực hiện thủ tục lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản có công chứng, chứng thực.

Sau khi đã có văn bản thỏa thuận phân chia di sản, các bên tiến hành đăng ký biến động/sang tên đất tại cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, nếu có tranh chấp phát sinh (tức nếu có sự không thống nhất giữa những đồng thừa kế, hoặc các tranh chấp liên quan đến thửa đất đang được phân chia) thì không thể thực hiện như thủ tục thông thường.

Lúc này, các bên phải giải quyết xong tranh chấp mới có thể tiếp tục thực hiện việc chia thừa kế.

Giải quyết tranh chấp có thể được tiến hành theo các bước như hòa giải, yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý, giải quyết.

Chi tiết các công việc trong từng bước gồm có:

Bước 1: Hòa giải

  • Hòa giải tranh chấp đất đai thừa kế không có di chúc không bắt buộc đối với các bên;

  • Các bên có thể tự thực hiện hòa giải, cùng tìm ra phương án xử lý tối ưu nhất;

  • Nếu không thể tự hòa giải, các bên/những đồng thừa kế có thể thực hiện hòa giải tại cơ sở hoặc hòa giải tại tòa án;

  • Khi đề nghị hòa giải tại cơ sở (ví dụ như người đứng đầu thôn, làng, tổ dân phố,...) hoặc hòa giải tại Tòa án (do hòa giải viên thực hiện trước khi tòa thụ lý vụ án) cần phải có đơn của người yêu cầu (đơn đề nghị hoặc đơn khởi kiện);

  • Những đồng thừa kế phải trả phí theo quy định nếu yêu cầu hòa giải tại cơ sở hoặc hòa giải tại tòa án;

  • Tại đây, những đồng thừa kế có thể đề nghị đại diện gia đình có ngôi mộ cùng bàn bạc, thảo luận, tìm kiếm giải pháp phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, phong tục tập quán tại từng địa phương dựa trên nguyên tắc, mồ mả trong địa phương được tập trung tại một địa điểm (ví dụ nghĩa trang, nghĩa địa, cơ sở hỏa táng…);

  • Nhìn chung, hòa giải là phương thức mà các bên có thể giảm thiểu tối đa chi phí, công sức, tuy nhiên, nếu lựa chọn việc đề nghị bên thứ 3 hỗ trợ hòa giải thì quyền tự quyết định vụ việc đôi khi sẽ được thực hiện khi có tác động khách quan, bên ngoài;

  • Trường hợp không thể tiến hành hòa giải hoặc hòa giải không có kết quả, các bên nên gửi hồ sơ khởi kiện tới tòa án nhân dân có thẩm quyền;

Giải quyết tranh chấp đất thừa kế có mồ mảGiải quyết tranh chấp đất thừa kế có mồ mả

Bước 2: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền 

  • Tại đây, bên khởi kiện cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bao gồm đơn khởi kiện, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất của người để lại di sản, giấy tờ chứng minh quan hệ của người khởi kiện với người để lại tài sản (giấy khai sinh…), căn cước công dân…;

  • Trình tự, thủ tục và chi phí được thực hiện, tính toán, đóng nộp theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về việc thu nộp án phí, lệ phí tòa án;

  • Các bước xử lý tại Tòa án được tiến hành tương tự như đối với trường hợp giải quyết tranh chấp đất đai không có di chúc như chúng tôi đã nêu ở trên;

  • Những đồng thừa kế, gia đình có ngôi mộ trên đất thừa kế của gia đình bạn có nghĩa vụ tuân thủ, thực hiện theo quyết định/bản án đã có hiệu lực của tòa án;

Lưu ý: Việc giải quyết tranh chấp về đất đai mà trên đất có mồ mả nên các bên, người có thẩm quyền tìm hiểu rõ, kỹ phong tục, tập quán tại địa phương nơi phát sinh tranh chấp để tránh những xáo trộn trong cộng đồng dân cư cũng như bảo vệ những tập tục lâu đời của dân tộc.

Như vậy, tranh chấp đất đai không có di chúc mà trên đất có mồ mả được giải quyết theo trình tự các bên tự hòa giải, nhờ đến sự hỗ trợ của bên thứ 3, hoặc giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án nhân dân là căn cứ buộc các bên có nghĩa vụ phải tuân thủ thực hiện.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về tranh chấp đất đai không có di chúc, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X