hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 24/07/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục giải quyết tranh chấp ranh giới đất liền kề thế nào?

Tranh chấp đất đai về ranh giới được giải quyết như thế nào? Nguyên tắc xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề là gì? Làm gì để được xác định lại ranh giới?

 
Mục lục bài viết
  • Giải quyết tranh chấp đất đai về ranh giới thế nào?
  • Nguyên tắc xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề là gì?
  • Xác định lại ranh giới thửa đất bằng cách nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi, nếu có phát sinh tranh chấp đất đai giữa 2 thửa đất liền kề về ranh giới sử dụng đất thì phải giải quyết như thế nào?

Câu chuyện của chúng tôi như sau:

Gia đình hàng xóm, liền kề nhà tôi đang chuẩn bị xây nhà mới.

Sau khi đo đạc, kẻ vẽ, họ có nói với chúng tôi rằng, gia đình tôi đang lấn sang phần đất của họ là 20cm, dọc theo chiều sâu 30m của thửa đất.

Theo như tôi được biết thì từ khi sử dụng cho tới nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên ranh giới đất giữa hai nhà.

Tuy nhiên, họ nói rằng, ranh giới đất đã có sự thay đổi khi mà tại thời điểm đo đạc, cán bộ địa chính đã đo đạc cho nhà tôi lấn sang nhà họ, làm thay đổi ranh giới đất giữa hai nhà.

Mong Luật sư giải đáp, pháp luật quy định việc xác định ranh giới giữa hai thửa đất liền kề được dựa trên căn cứ nào?

Để xác định lại ranh giới trong trường hợp của tôi thì phải thực hiện ra sao?

Cảm ơn đã hỗ trợ.

Chào bạn, vướng mắc xoay quanh vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai về ranh giới của bạn, chúng tôi giải đáp như sau đây.

Giải quyết tranh chấp đất đai về ranh giới thế nào?

Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật Đất đai, Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP về trả lại đơn khởi kiện, tranh chấp về ranh giới đất giữa hai thửa đất liền kề như bạn cung cấp là trường hợp tranh chấp đất đai.

Do vậy, căn cứ Điều 202 Luật Đất đai, các bên buộc phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất trước khi yêu cầu Tòa án hoặc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết.

Hay, trình tự giải quyết tranh chấp đất đai về ranh giới, mốc giới thửa đất bao gồm các bước là:

  • Bước 1: Hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất

  • Bước 2: Yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan có thẩm quyền

  • Bước 3: Kháng cáo hoặc khiếu nại, khởi kiện theo quy định

  • Bước 4: Thi hành theo bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Do chúng tôi chưa được tiếp cận hồ sơ thực tế, vậy nên, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình, bạn nên rà soát, thu thập, đối chiếu những nhóm tài liệu, chứng cứ sau đây để sử dụng trong vụ việc của mình:

  • Nhóm giấy tờ tài liệu về nguồn gốc sử dụng đất, ranh giới sử dụng đất tại thời điểm bắt đầu sử dụng: Quyết định giao đất, cho thuê đất, bản đồ giải thửa, mảnh trích đo địa chính…;

  • Nhóm giấy tờ, tài liệu về việc đo đạc, xác định ranh giới, mốc giới thửa đất qua quá trình sử dụng: Ví dụ biên bản xác định mốc giới, ranh giới thửa đất, trích lục bản đồ địa chính,....;

  • Nhóm giấy tờ, tài liệu xác minh ranh giới, mốc giới đất trên thực tế (nếu có): Ví dụ biên bản/quyết định xử phạt vi phạm hành chính có kèm bản vẽ về việc sử dụng đất lấn, chiếm; thỏa thuận về việc cắm mốc giới/xác định ranh giới giữa gia đình bạn và hàng xóm…;

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai về ranh giớiThủ tục giải quyết tranh chấp đất đai về ranh giới

Cụ thể các công việc được thực hiện theo từng bước được chúng tôi liệt kê tại bảng dưới đây:

Bước thực hiện

Công việc thực hiện trong từng bước

Bước 1: Hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất

  • Pháp luật khuyến khích các bên tranh chấp tự tiến hành hòa giải hoặc có thể nhờ hỗ trợ từ phía tổ dân phố, các ban ngành đoàn thể tại cấp tổ dân phố, phường..;

  • Nếu không tự hòa giải được, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai kèm hồ sơ chứng minh cho yêu cầu của mình tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

  • Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày tiếp nhận đơn, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiến hành xác minh, thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;

  • Kết quả hòa giải được thể hiện thông qua biên bản hòa giải thành hoặc biên bản hòa giải không thành;

  • Nếu hòa giải thành và có thay đổi về ranh giới, mốc giới thửa đất, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành tới Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất để cơ quan này trình Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận việc thay đổi ranh giới, mốc giới, cấp mới Giấy chứng nhận cho người sử dụng;

  • Trường hợp hòa giải không thành, các bên yêu cầu giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền được chúng tôi trình bày tại Bước 2;

Bước 2: Yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan có thẩm quyền

  • Các bên có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tranh chấp hoặc Tòa án nhân dân nơi có đất giải quyết tranh chấp;

  • Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tranh chấp trong trường hợp đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định;

  • Trong khi đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi đương sự có/hoặc không có giấy chứng nhận/giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định;

Bước 3: Kháng cáo hoặc khiếu nại, khởi kiện theo quy định

  • Các bên có quyền kháng cáo đối với bản án sơ thẩm nếu thấy vi phạm quyền lợi nếu giải quyết tại tòa án;

  • Hoặc các bên có quyền khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc khởi kiện hành chính quyết định giải quyết tranh chấp này tới tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện;

Bước 4: Thi hành theo bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật

  • Các bên có nghĩa vụ phải thực hiện theo quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật;

  • Có thể đó là Quyết định giải quyết tranh chấp, Quyết định giải quyết khiếu nại hoặc bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm;

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, các bên cũng cần chú ý đến vấn đề đánh giá những tài liệu, chứng từ mà phía hàng xóm của bạn cung cấp để giải quyết vụ việc, đồng thời, xác định rõ ràng yêu cầu, phạm vi giải quyết tranh chấp của mình.

Mục đích của việc xác định này là để tập trung bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình, không phát sinh thêm những tranh chấp không cần thiết khác.

Như vậy, trình tự các bước giải quyết tranh chấp đất đai về ranh giới giữa các thửa đất liền kề được chúng tôi trình bày như trên.


Nguyên tắc xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề là gì?

Căn cứ quy định tại Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015, nguyên tắc để xác định ranh giới giữa các bất động sản liền kề được thực hiện theo những cách sau đây:

Cách 1, do thỏa thuận của các bên: Lưu ý rằng, thỏa thuận này phải được lập thành biên bản, được công nhận và phải được đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền;

Cách 2, theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Ví dụ như theo bản án, quyết định giải quyết tranh chấp, quyết định giải quyết khiếu nại, biên bản hòa giải thành mà có thay đổi về ranh giới…;

Cách 3, có thể xác định ranh giới theo tập quán tại nơi có đất: Tùy thuộc tập quán tại từng vùng miền, từng địa phương để xác định ranh giới nếu áp dụng quy định này để xác định ranh giới giữa các bất động sản liền kề;

Cách 4, xác định ranh giới theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp: Bất động sản liền kề nếu có ranh giới tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp thì ranh giới hợp pháp được xác định là ranh giới này;

Như vậy, khi phát sinh tranh chấp đất đai về ranh giới giữa các bất động sản liền kề, các bên cần lưu ý đến nguồn gốc xác định ranh giới thửa đất.

Đây cũng là một trong những căn cứ để xác định ranh giới, mốc giới, diện tích đất và người có quyền đối với thửa đất đang tranh chấp.

Cách xác định ranh giới giữa các bất động sản liền kềCách xác định ranh giới giữa các bất động sản liền kề

Xác định lại ranh giới thửa đất bằng cách nào?

Từ thông tin bạn cung cấp, quy định của pháp luật và những phân tích của chúng tôi ở trên, sau khi giải quyết tranh chấp, ranh giới thửa đất được xác định lại theo một trong số những cách sau:

Cách 1, theo thỏa thuận của các bên:

  • Nếu các bên có thể thỏa thuận, hòa giải tranh chấp đất đai hoặc theo quyết định công nhận hòa giải thành của Tòa án nhân dân;

Cách 2, theo bản án hoặc theo quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật:

  • Căn cứ nội dung của bản án/quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật, các bên có quyền đề nghị đăng ký biến động về ranh giới thửa đất tại cơ quan có thẩm quyền;

Lưu ý, hồ sơ đăng ký biến động trong trường hợp xác định lại ranh giới thửa đất bao gồm:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai, mẫu 09/ĐK được kê khai đúng, đầy đủ;

  • Một trong số những tài liệu giấy tờ sau:

  • Bản án/quyết định giải quyết tranh chấp;

  • Quyết định công nhận hòa giải thành;

  • Biên bản hòa giải thành tại Ủy ban nhân dân cấp xã và văn bản công nhận sự thay đổi về ranh giới, mốc giới kèm theo biên bản hòa giải thành này của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất;

  • Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất (Phụ lục số 11) hoặc mảnh trích đo địa chính (điểm 3 mục III Phụ lục số 01) cùng Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất (Phụ lục số 12) ban hành kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT;

  • Giấy chứng nhận (bản gốc);

  • Giấy tờ chứng minh được miễn, giảm nghĩa vụ tài chính (nếu có);

Vậy nên, sau khi giải quyết xong tranh chấp đất đai về ranh giới, căn cứ vào kết quả giải quyết, các bên lựa chọn cách thức đăng ký biến động, xác định lại ranh giới cho phù hợp.

Trên đây là giải đáp về vấn đề tranh chấp đất đai về ranh giới, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X