hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 30/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản, giải quyết thế nào?

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản được giải quyết bằng cách nào? Cần chú ý đến những vấn đề gì khi giải quyết tranh chấp hợp đồng này? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi đối với những hợp đồng vay tài sản (ví dụ vay tiền, vay vàng…) dân sự giữa cá nhân mà có phát sinh tranh chấp thì được giải quyết bằng cách nào?

Cần lưu ý gì khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản?

Cảm ơn Luật sư đã hỗ trợ.

Chào bạn, tranh chấp hợp đồng vay tài sản được giải quyết bằng cách nào, lưu ý gì khi giải quyết là những vướng mắc đang tồn tại khá phổ biến hiện nay.

Do chưa được tiếp cận hồ sơ vụ việc thực tế và chưa có đầy đủ thông tin về vấn đề tranh chấp nên căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp chung cho bạn vấn đề này như dưới đây.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản thế nào?

Thông thường, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản cũng giống với các tranh chấp về hợp đồng khác và được giải quyết bằng 1 trong 2 cách sau:

  • Cách 1: Thương lượng, hòa giải

  • Cách 2: Khởi kiện, yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết

Tùy thuộc từng cách giải quyết mà bạn cần thực hiện các công việc tương ứng, cụ thể như sau:

Cách 1: Thương lượng, hòa giải

  • Đây là cách được pháp luật khuyến khích thực hiện đối với mọi tranh chấp;

  • Nếu lựa chọn cách thức này, các bên có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức;

  • Việc thương lượng, hòa giải có thể do các bên tự tiến hành, nhờ tới sự hỗ trợ của bên thứ 3 hoặc có thể đề nghị hòa giải viên tiến hành hòa giải theo quy định của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14;

  • Bên thứ 3 có thể là tổ chức hành nghề luật sư, luật sư, người có hiểu biết về luật, tổ trưởng tổ dân phố, người có uy tín trong cộng đồng…;

  • Trong quá trình thực hiện thương lượng, hòa giải, các bên nên lập biên bản, ghi rõ các nội dung đã thương lượng, thống nhất phương án xử lý và cùng ký tên, xác nhận ở cuối biên bản đã lập;

  • Trường hợp không thực hiện thương lượng, hòa giải hoặc thương lượng, hòa giải không thành, các bên có quyền yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo cách 2 dưới đây;

Cách 2: Khởi kiện, yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết

Để được tòa án thụ lý, giải quyết, bên khởi kiện phải có đơn khởi kiện kèm hồ sơ khởi kiện gửi tòa án, trong đó, hồ sơ khởi kiện kèm đơn thường gồm:

  • Giấy tờ chứng minh nơi ở, chứng minh nhân thân của bên khởi kiện và bên bị kiện;

    • Hợp đồng, văn bản, giấy tờ xác minh quan hệ cho vay mượn tài sản;

    • Các tài liệu, giấy tờ khác chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình;

  • Khi giải quyết tại tòa án, các bên tuân thủ trình tự giải quyết tranh chấp vụ án dân sự theo quy định tại Bộ luật tố tụng Dân sự 2015;

  • Thường, các giai đoạn thực hiện giải quyết tại tòa gồm:

    • Giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án;

    • Giai đoạn hòa giải và chuẩn bị xét xử;

    • Giai đoạn xét xử vụ án;

Lưu ý, tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc là tòa án do nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận lựa chọn.

Như vậy, tranh chấp hợp đồng vay tài sản có thể được giải quyết thông qua hòa giải thương lượng hoặc yêu cầu tòa án giải quyết.

Để được tòa án giải quyết, các bên phải có đơn khởi kiện kèm hồ sơ, tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình và phải được tiến hành theo trình tự thủ tục luật định.

2 cách giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản2 cách giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Cần lưu ý gì khi giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản?

Mỗi vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, mỗi yêu cầu giải quyết tranh chấp và mỗi hợp đồng vay tài sản lại có những đặc điểm, nội dung khác nhau.

Hiện tại, chúng tôi chưa được tiếp cận hồ sơ vụ việc cụ thể, do vậy, có một số vấn đề lưu ý chung nhất được chúng tôi cung cấp dưới đây để bạn tham khảo dựa trên quy định pháp luật hiện hành.

Một là, về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp tại tòa án

  • Căn cứ Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, tòa án chỉ áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản khi có yêu cầu;

  • Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu đã hết thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà không bên nào yêu cầu tòa áp dụng thời hiệu thì vụ việc vẫn được giải quyết như bình thường;

  • Ngược lại, nếu quá thời hiệu khởi kiện mà có bên yêu cầu tòa áp dụng thời hiệu thì vụ án không được giải quyết;

  • Thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về hợp đồng là 3 năm, kể từ kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm;

  • Vậy nên, nếu là nguyên đơn, bạn cần lưu ý đến thời hiệu để không bị mất quyền khởi kiện; nếu là bị đơn thì bạn lưu ý đến thời hiệu khởi kiện để có quyền yêu cầu tòa áp dụng thời hiệu để đảm bảo quyền lợi;

Hai là, về hình thức của hợp đồng vay tài sản

  • Hình thức của hợp đồng vay tài sản cũng là vấn đề cần lưu ý, do Bộ luật Dân sự 2015 không quy định hợp đồng vay tài sản phải được thể hiện bằng hình thức bắt buộc nào;

  • Điều đó cũng có nghĩa rằng, thỏa thuận về việc vay mượn tài sản có thể được lập thành văn bản, cũng có thể bằng lời nói, hành vi hoặc thông qua giao dịch điện tử;

  • Trong trường hợp hợp đồng vay tài sản được thể hiện bằng lời nói hoặc hành vi, các bên sẽ phải chứng minh có hình thành hợp đồng vay trước khi đề nghị tòa giải quyết yêu cầu trong đơn khởi kiện của mình;

  • Thông thường, hợp đồng vay tài sản bằng lời nói, hành vi là những trường hợp khó chứng minh và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chứng minh, bảo vệ quyền lợi;

  • Nếu bên đi vay phủ nhận về việc đã thỏa thuận vay mượn, hay thời gian, lãi suất… vay mượn thì bên cho vay sẽ có thể phải chứng minh gián tiếp hoặc có nhiều trường hợp không chứng minh được đã hình thành hợp đồng và mất quyền lợi;

Vấn đề cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sảnVấn đề cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Ba là, chứng minh về việc giao nhận tiền, tài sản… trong hợp đồng vay tài sản

  • Thực tế cho thấy, các bên lập hợp đồng vay tài sản nhưng lại không bàn giao tài sản cho vay, dẫn đến mục đích vay không đạt được, điều này dẫn đến hệ quả là yêu cầu tòa giải quyết hợp đồng vay nhưng không có căn cứ xác nhận đã giao nhận tài sản cho vay;

  • Hoặc, có hợp đồng vay nhưng không có căn cứ chứng minh đã giao nhận tài sản vay, khi tranh chấp, bên cho vay và bên vay có nhận định khác nhau về số lượng, định lượng tài sản vay;

  • Phổ biến hơn, các bên cho vay tài sản bằng miệng/bằng lời nói, giao nhận tài sản vay trực tiếp, bên vay phủ nhận đã vay tài sản của bên cho vay hoặc phủ nhận số lượng, định lượng tài sản cho vay;

  • Chính vì điều này, trước khi khởi kiện, các bên cần phải kiểm tra, đối chiếu và tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này;

Bốn là, về lãi suất cho vay trong hợp đồng vay tài sản

  • Điều 486 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mức lãi suất cho vay dân sự do các bên tự thỏa thuận, cao nhất là 20%/năm nhưng có sự điều chỉnh bởi Ủy ban thường vụ Quốc hội khi có tình hình thực tế phát sinh:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

  • Và nếu các bên có thỏa thuận lãi suất nhưng không xác định rõ mức lãi suất là bao nhiêu thì mức lãi suất được áp dụng để tính toán trong hợp đồng vay là 10%/năm;

  • Thực tế phát sinh vấn đề, bên cho vay có thể liên tục thay đổi khoản tiền vay do sử dụng khoản tiền trả được tính trên nợ gốc và khoản lãi suất chưa được trả được cộng gộp vào nợ gốc, mà pháp luật không quy định khoản tiền vay là khoản tiền nào;

    • Ví dụ như, nợ gốc là 1 triệu, lãi chậm trả là 300.000 đồng, bên cho vay yêu cầu tính toán trả lãi trên số nợ là 1,3 triệu chứ không phải là nợ gốc ban đầu;

Năm là, điều kiện để yêu cầu khởi kiện được tòa chấp nhận

  • Xuất phát từ vấn đề các bên có giấy tờ, tài liệu thể hiện việc cho vay tài sản nhưng không có căn cứ để chứng minh đã giao nhận tài sản, nếu tòa thụ lý yêu cầu của nguyên đơn thì có thể xâm phạm tới quyền của bị đơn nếu như thực tế chưa có quan hệ vay mượn xảy ra;

  • Ngược lại, nếu đã có quan hệ vay mượn diễn ra trên thực tế nhưng không có căn cứ để chứng minh việc vay mượn này, nếu tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện sẽ xâm phạm tới quyền của nguyên đơn;

  • Pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn chi tiết cho trường hợp này, do vậy, nếu giải quyết tranh chấp tại tòa, bạn cũng cần chú ý tới vấn đề này để tranh bị thiệt hại;

Như vậy, khi giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản bạn cần lưu ý đến các vấn đề cơ bản như thời hiệu khởi kiện, lãi suất, chứng minh quan hệ vay mượn… như chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về vấn đề tranh chấp hợp đồng vay tài sản, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X