hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 05/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Năm 2022, tranh chấp lao động có bắt buộc hòa giải không?

Tranh chấp lao động là vấn đề không thể tránh khỏi đối với mỗi doanh nghiệp trong quá trình hoạt động của mình. Vậy những tranh chấp lao động nào thì không bắt buộc phải hòa giải và việc giải quyết tranh chấp lao động được thực hiện ở đâu theo quy định của Bộ luật Lao động 2019?

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang là nhân viên của một doanh nghiệp xuất nhập khẩu sản phẩm đông lạnh ở Vũng Tàu. Tôi có một số thắc mắc về việc giải quyết tranh chấp lao động mong được Luật sư hỗ trợ, giải đáp như sau:

1. Những tranh chấp lao động nào không bắt buộc phải hòa giải?

2. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật hiện nay?

Chào bạn, yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động là một trong những quyền của người lao động và người sử dụng lao động. Với câu hỏi liên quan đến hòa giải tranh chấp lao động của bạn, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Tranh chấp lao động có bắt buộc phải hòa giải không?

Trước hết, hòa giải tranh chấp lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

- Căn cứ quy định tại Điều 188 Bộ luật Lao động 2019, các tranh chấp là tranh chấp lao động cá nhân đều phải tiến hành hòa giải, trừ 06 trường hợp sau đây:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

- Mọi tranh chấp lao động tập thể về quyền đều phải tiến hành hòa giải trước khi yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (Điều 191 Bộ luật Lao động 2019).

Một số lưu ý:

+ Người thực hiện hòa giải các tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền là hòa giải viên lao động (là người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để thực hiện công việc hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động theo những điều kiện, tiêu chuẩn nhất định theo quy định pháp luật).

+ Kết quả của quá trình hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền là biên bản hòa giải thành hoặc biên bản hòa giải không thành, đây cũng là căn cứ để một trong các bên hoặc các bên thực hiện khởi kiện hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

+ Thời hiệu yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền đều là 06 tháng kể từ ngày người lao động phát hiện hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Do đó, người lao động cần phải chú ý thời hiệu này để đảm bảo được thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình.

Như vậy, không phải mọi trường hợp tranh chấp lao động đều phải tiến hành hòa giải. Các tranh chấp lao động tập thể về quyền và các tranh chấp lao động cá nhân (trừ 06 trường hợp riêng biệt mà chúng tôi đã nêu ở trên) là những tranh chấp phải tiến hành hòa giải trước khi yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.

Bên tranh chấp cần chú ý thời hiệu để yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động để tránh trường hợp bị mất quyền lợi.

tranh chap lao dong co bat buoc hoa giai khong


Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động?

Theo quy định tại Điều 189, Điều 192 Bộ luật Lao động 2019, các bên trong tranh chấp lao động có quyền lựa chọn một trong những cơ quan sau đây để thực hiện việc giải quyết tranh chấp lao động:

- Tòa án nhân dân có thẩm quyền;

- Hội đồng trọng tài lao động

Các căn cứ để bên tranh chấp yêu cầu Tòa án nhân dân hoặc Hội đồng trọng tài lao động thực hiện giải quyết tranh chấp là:

+ Các tranh chấp lao động không bắt buộc phải tiến hành hòa giải;

+ Hoặc đã hết thời hạn tiến hành hoà giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành;

+ Hoặc trong trường hợp hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành;

Lưu ý: Người lao động có 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại Hội đồng trọng tài lao động)

Thời hiệu để các bên trong tranh chấp lao động yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, thời hiệu này được tính từ ngày bên tranh chấp phát hiện ra hành vi mà họ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động hiện hành là Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Cần chú ý, đối với các tranh chấp buộc phải hòa giải thì các bên phải tiến hành hòa giải trước khi yêu cầu giải quyết tranh chấp tại các cơ quan có thẩm quyền, còn các tranh chấp không bắt buộc hòa giải thì các bên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp ngay khi phát hiện hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về tranh chấp lao động có bắt buộc hòa giải không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X