hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 15/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế không có di chúc thế nào?

Hiện nay xung quanh vấn đề chia di sản thừa kế phát sinh rất nhiều mâu thuẫn. Giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế không có di chúc thế nào?

Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi có vấn đề mong được hỗ trợ: Nhà ông ngoại tôi có 05 anh chị em, gồm 04 gái và 01 trai. Trước khi mất bà tôi không để lại di chúc nhưng năm 2011 có viết giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cậu tôi - con trai duy nhất của ông bà.

Hiện tại, cậu chưa có sổ đỏ chỉ có giấy chuyển nhượng viết tay của bà ngoại tôi. Mẹ tôi và 03 bác (là con gái của bà ngoại tôi) đang yêu cầu cậu của tôi phải trả lại đất. Chúng tôi không ai can ngăn được mẹ tôi và 03 người bác này.

Tôi muốn hỏi là liệu rằng khi ra tòa 04 người con gái của bà ngoại tôi có thắng kiện được không ạ? Là thế hệ con cháu, chúng tôi không muốn vì lợi ích, vì tranh chấp đất đai mà anh em mất đi tình cảm.

Rất mong quý đơn vị hỗ trợ giải đáp để chúng tôi có phương án xử lý phù hợp.

Chào bạn, với thông tin bạn cung cấp, từ những nhận định sơ bộ của chúng tôi về vấn đề của gia đình mình và căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Mua bán đất bằng giấy tờ viết tay có hợp pháp không?

Trước hết, trong câu chuyện của gia đình bạn gửi cho chúng tôi tồn tại 02 vấn đề pháp lý cần phải làm rõ:

- Vấn đề 1 là việc thừa kế quyền sử dụng đất của bà ngoại bạn (do bạn không cung cấp cho chúng tôi thông tin về ông ngoại bạn, nên chúng tôi tạm nhận định rằng ông ngoại bạn hiện vẫn còn sống);

- Vấn đề 2 là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất/đất đai từ bà ngoại bạn sang cho cậu của bạn.

Việc mua bán đất giữa bà ngoại bạn và cậu bạn được thực hiện vào năm 2011, lúc này, luật áp dụng cho giao dịch là Luật Đất đai 2003. Theo đó, điều kiện cơ bản để được chuyển nhượng quyền sử dụng đất là thửa đất đã phải có giấy chứng nhận (Điều 106 Luật Đất đai 2003), đồng thời, việc chuyển nhượng này phải được lập thành hợp đồng có chứng nhận của Nhà nước hoặc phải được chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi có đất (Điều 127 Luật đất đai 2003).

Thêm vào đó, chúng tôi chưa nhận được thông tin về việc thửa đất của bà ngoại bạn đã được cấp giấy chứng nhận hay chưa, nếu đã được cấp thì nó được cấp mang tên của bà ngoại bạn hay của cả ông bà ngoại bạn hay mang tên hộ gia đình. Khi lập giấy viết tay thì có những người nào ký tên trên giấy tờ đó, những người này có phải là người sử dụng đất hợp pháp (được Nhà nước công nhận quyến sử dụng đất, được cấp sổ đỏ và ghi vào sổ địa chính) hay không.

Đây là những thông tin thể hiện rõ nhất về việc thửa đất này thuộc quyền sử dụng của ai, những ai có quyền định đoạt và Nhà nước đã công nhận quyền sử dụng đất cho những người nào và cũng là thông tin nhằm xác định hợp đồng mua bán đất giữa bà bạn và cậu bạn có giá trị pháp lý như thế nào.

Từ các phân tích đã nêu trên và thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận định, hợp đồng chuyển một phần quyền sử dụng đất giữa bà ngoại của bạn và cậu của bạn là giấy tờ viết tay nên không đảm bảo điều kiện về hình thức của hợp đồng theo quy định tại Điều 127 Luật đất đai 2003 (như chúng tôi đã nêu trên). Do vậy, hợp đồng này không có hiệu lực pháp lý, nói cách khác, pháp luật không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất này giữa bà bạn và cậu bạn.

Tuy nhiên, vì thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi chưa đầy đủ nên có thể vẫn tồn tại giả thiết, thửa đất bà bạn đã được cấp sổ đỏ và cậu của bạn là người đang bảo quản, giữ gìn quyển sổ đỏ đó của bà bạn.

Lúc này, căn cứ khoản 2 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về việc thực hiện cấp sổ đỏ cho những trường hợp mua bán/chuyển nhượng trước 01/07/2014, cậu của bạn có thể thực hiện sang tên sổ đỏ theo các bước sau đây:

Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị sang tên sổ đỏ

Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai mẫu 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 33/2014/TT-BTNMT;

- Sổ đỏ (bản gốc) đã được cấp;

- Giấy tờ mua bán (nếu còn giữ);

- Giấy tờ tùy thân còn hiệu lực và giấy tờ chứng minh nơi ở (sổ hộ khẩu);

- Các giấy tờ khác chứng minh về việc chuyển quyền (giấy tờ chứng minh việc thanh toán tiền mua bán đất,…);

Sau khi có đầy đủ hồ sơ, cậu của bạn có thể nộp tại Ủy ban nhân dân xã (nếu có nhu cầu) hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Bước 2: Xử lý hồ sơ

Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/ văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc

- Thông báo cho bên bán về yêu cầu được cấp sổ đỏ của bên mua và việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Niêm yết thông tin về việc thực hiện thủ tục sang tên cho cậu bạn tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất, thời gian niêm yết là 30 ngày. Trường hợp không thể xác minh thông tin địa chỉ nơi cư trú của bên bán thì cơ quan thực hiện giải quyết việc chuyển quyền hướng dẫn bên mua tiến hành đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng (có thể là báo, kênh địa phương) trong 03 số liên tiếp;

- Sau khi niêm yết, thông báo hoặc đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng mà không có đơn thư yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai thì Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/ văn phòng đăng ký đất đai tiến hành xử lý hồ sơ. Đồng thời, trình cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định hủy sổ đỏ đã cấp cho bên bán và làm thủ tục cấp mới sổ đỏ cho bên mua;

- Trường hợp có tranh chấp thì việc cấp sổ đỏ được thực hiện khi có quyết định giải quyết tranh chấp của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định/bản án của Tòa án có thẩm quyền.

Bước 3: Trả kết quả

Cậu của bạn nhận sổ đỏ mang tên của mình sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với cơ quan Nhà nước (như lệ phí thẩm định hồ sơ, lệ phí cấp giấy chứng nhận…)

Như vậy, việc chuyển quyền sử dụng đất bằng giấy tờ viết tay giữa bà ngoại bạn và cậu bạn tại năm 2011 là trái quy định pháp luật, do đó, hợp đồng này không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, hiện tại cậu bạn có thể đề nghị cấp sổ đỏ cho mình nếu thuộc trường hợp thửa đất mà bà bạn chuyển nhượng cho cậu bạn đã được cấp sổ đỏ và cậu bạn đang cầm giữ quyển sổ đỏ này. Các bước thực hiện thủ tục sang tên như chúng tôi đã nêu trên.

tranh chap tai san thua ke khong co di chuc

Chia thừa kế đất đai khi không có di chúc thế nào? (Ảnh minh họa)

Giải quyết tranh chấp về chia thừa kế thửa đất đã bán thế nào?

Trong trường hợp của gia đình nhà bạn, với thông tin bạn cung cấp, chúng tôi cho rằng, 04 người con gái của bà ngoại bạn có quyền yêu cầu chia thừa kế vì những lý do sau đây:

- Trong thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 (30 năm đối với bất động sản);

- 04 người con gái của bà ngoại bạn là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà ngoại bạn nên là người được quyền hưởng di sản thừa kế từ bà ngoại bạn (khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015);

- Bà ngoại bạn mất không để lại di chúc nên di sản được chia theo pháp luật và những người thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự là những người được hưởng di sản này;

- Việc mua bán/chuyển nhượng giữa bà ngoại bạn và cậu bạn vào năm 2011 là không được pháp luật công nhận là hợp pháp.

Tại đây, nguyên tắc giải quyết về chia tài sản thừa kế theo pháp luật đối với di sản của bà ngoại bạn để lại được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Từ căn cứ này cho thấy, 04 người con gái của bà ngoại bạn có căn cứ để được nhận một phần tài sản từ bà ngoại bạn để lại. Chúng tôi nhấn mạnh rằng, dựa trên thông tin bạn cung cấp và quy định pháp luật hiện hành, 04 người con gái của bà ngoại bạn có căn cứ để khởi kiện yêu cầu chia di sản, có căn cứ để được hưởng phần tài sản này.

Đồng thời, chúng tôi không thể khẳng định 04 người con gái của bà ngoại bạn có thể thắng kiện vì lý do: Đối với vụ án dân sự nói chung, vụ án dân sự yêu cầu chia thừa kế nói riêng, quá trình giải quyết xử lý vụ án phụ thuộc vào nội dung yêu cầu khởi kiện, các tài liệu/chứng cứ mà các bên cung cấp và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân.

Với mong muốn gia đình được ấm êm, hòa thuận, bạn cũng có thể lựa chọn cách thức xử lý như sau:

Cách 1: Họp gia đình, thực hiện thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Lúc này, có thể gợi ý để cậu của bạn thanh toán bằng tiền đối với phần tài sản đáng lẽ mà 04 người con cái của bà ngoại bạn được hưởng. Bởi lẽ, khi thửa đất này được chia thừa kế theo pháp luật, họ cũng là những người được hưởng.

Sau khi đã thỏa thuận xong xuôi, gia đình có thể lập biên bản họp mặt gia đình, cậu của bạn có thể tiếp tục thực hiện thủ tục sang tên sau khi đã thực hiện thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/khai nhận di sản thừa kế.

Cách 2: Giải quyết theo trình tự tố tụng tại Tòa án

Gia đình bạn cũng có thể đề nghị Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ việc của gia đình mình thực hiện hòa giải mâu thuẫn. Đây cũng là một trong những bước giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân. Kết quả hòa giải tại Tòa án nhân dân là căn cứ để gia đình thực hiện việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thừa kế.

Kết luận: Chúng tôi không khẳng định 04 người con gái của bà ngoại bạn khởi kiện là sẽ thắng hay thua, bởi khi giải quyết vụ án dân sự chia thừa kế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phạm vi/yêu cầu khởi kiện , các căn cứ tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện…Dựa trên những giải đáp của chúng tôi, bạn lựa chọn cách thức xử lý phù hợp.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về tranh chấp tài sản thừa kế không có di chúc​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Có được công chứng hợp đồng mua bán đất khi không đủ diện tích tối thiểu không?

>> Hợp đồng mua bán đất không công chứng, giải quyết tranh chấp ra sao?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X