Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, hướng dẫn cho địa phương, trường học tổ chức các biện pháp an toàn, phòng chống dịch để học sinh 5 - 11 tuổi trên cả nước đến trường sớm nhất có thể.
Sắp mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ em 5 - dưới 12 tuổi
Cụ thể, tại Nghị quyết này, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer.
Đây được coi là động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc tạo các điều kiện cần thiết, an toàn để trẻ 5 - dưới 12 tuổi quay lại trường học nhằm thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19.
Chính phủ đồng ý mua gần 22 triệu liều vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi (Ảnh minh họa)
Trẻ không tiêm vắc xin có được đi học không?
Ngày 04/02/2022, đại diện Bộ Y tế cho biết đã khảo sát ý kiến phụ huynh, sơ bộ trên 50% đồng tình tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi. Kết quả chi tiết về khảo sát sẽ được Bộ Y tế công bố sau kỳ nghỉ Tết. Bộ Y tế sẽ đánh giá kỹ lưỡng những ảnh hưởng ngắn hạn và lâu dài của vắc xin đến trẻ.
Tại chương trình "Dân hỏi thành phố trả lời" tối 26/11/2021, trước thắc mắc của phụ huynh, khi học trực tiếp, những học sinh không thể tiêm được vắc xin sẽ nghỉ hay vẫn được tới trường học, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho hay ngành giáo dục đã tính toán phương án những học sinh trong độ tuổi tiêm nhưng không tiêm được vì nhiều lý do (lý do y tế hoặc vì lý do cá nhân chưa được tiêm, phụ huynh chưa đồng ý tiêm, chưa đủ tuổi để tiêm, có nguy cơ cao như thừa cân béo phì...).
Ngành giáo dục xem tất cả học sinh đều có quyền lợi đến trường bình thường như các bạn khác.
Thầy cô giáo phải xem những học sinh này là đối tượng quan tâm đặc biệt, ngoài hỗ trợ học tập phải chú ý đến quá trình sinh hoạt tại nhà trường để an toàn nhất. Những học sinh này thuộc nhóm dễ tổn thương nên ngành giáo dục sẽ có phương án, các trường sẽ phải tập trung đối với những đối tượng học sinh này.
Ngoài ra, hiện nay, trong các văn bản hướng dẫn tạm thời việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, không có văn bản nào yêu cầu cơ sở giáo dục "cấm" học sinh chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đến trường.
Mới đây, một trường học tại tỉnh Long An ban hành văn bản có nội dung "Nếu sau này vào học trực tiếp mà chưa tiêm thì không được vào học" đã bị "tuýt còi" và yêu cầu thu hồi ngay lập tức.Vì thế, phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm, nếu con em mình không/chưa tiêm vắc xin Covid-19 vẫn có thể trở lại trường mà không gặp phải khó khăn nào.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, trẻ em mắc Covid-19 không diễn biến nặng như người lớn song có thể gặp các di chứng vĩnh viễn gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Trong khi đó, nhiều cuộc thử nghiệm vắc xin đã chỉ ra trẻ em được đảm bảo an toàn khi tiêm, do mức liều tiêm chỉ bằng một phần ba so với người lớn. Trẻ em 5 - 11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm.
Ngoài ra, tiêm chủng cho trẻ em giúp giảm nguy cơ lây truyền dịch trong cộng đồng. Đây là cơ sở để mở cửa trường học một cách an toàn trong thời gian tới. Do đó, trẻ em 5 - 11 tuổi nên được tiêm vắc xin Covid-19 để chủ động bảo vệ sức khỏe và sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, tuy nhiên đến nay WHO chưa có bất kỳ khuyến cáo chính thống nào về tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, vì vậy Bộ Y tế làm việc rất thận trọng, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo tất cả các chương trình tiêm của tất cả các nước. Bộ Y tế cũng thường xuyên, liên tục trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới về vấn đề khoa học trong tiêm vắc-xin cho trẻ ở độ tuổi này để vừa đảm bảo tính bảo vệ cho trẻ nhưng quan trọng nhất vẫn là tính an toàn. |
>> Học sinh tiểu học đi học lại tại Hà Nội và TP.HCM sau Tết Nguyên đán thế nào?