hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 02/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã được hưởng trợ cấp thế nào?

Trợ cấp đối với Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã được quy định thế nào không phải ai cũng nắm được. Cùng tìm hiểu thông tin này qua bài viết dưới đây của HieuLuat.

Câu hỏi: Cho tôi hỏi nếu làm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ ở xã thì có được hưởng trợ cấp gì không? Xin cảm ơn!

Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã là viên chức hay công chức?

HieuLuat xin thông tin như sau:

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội hoạt động nhân đạo theo pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các điều ước quốc tế khác về hoạt động nhân đạo mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên và theo Điều lệ Hội được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hội tập hợp mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, giới tính để làm công tác nhân đạo.

Căn cứ điểm 9, Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù, thì Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là 1 trong 28 tổ chức thuộc danh sách Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước.

Như vậy, có thể thấy: Hội Chữ thập đỏ là một tổ chức xã hội, không phải là đơn vị sự nghiệp công lập hay cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng thời căn cứ vào Điều 2 Luật Viên chức 2010; khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008; khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 có thể thấy Chủ tịch của Hội Chữ thập đỏ không phải là cán bộ, công chức hay viên chức mà chỉ là chức danh đứng đầu trong Hội Chữ thập đỏ.

Tuy nhiên ở một số địa phương cụ thể như tại Hà Nội, theo Quyết định 31/2013/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thuộc 1 trong 18 chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

trợ cấp đối với chủ tịch hội chữ thập đỏ xã là bao nhiêuNhiều người băn khoăn Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã có trợ cấp không?

Trợ cấp đối với Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã thế nào?

Theo quy định tại Điều 28 Luật Hoạt động chữ thập đỏ 2008 thì kinh phí hoạt động và tài sản của Hội chữ thập đỏ được hình thành từ các nguồn sau đây:

- Hội phí của hội viên;

- Ủng hộ của tổ chức, cá nhân;

- Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện việc vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hiện vật cứu trợ và nhiệm vụ khác do Nhà nước giao;

- Các nguồn thu hợp pháp khác.

Hội Chữ thập đỏ tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật đối với tài sản mà Nhà nước giao và tài sản do tổ chức, cá nhân tặng.

Bên cạnh những nguồn khác thì Hội Chữ thập đỏ được phép dùng nguồn ủng hộ của tổ chức, cá nhân để hình thành nên kinh phí hoạt động cho Hội.

Có thể thấy Hội Chữ thập đỏ là tổ chức xã hội hoạt động nhân đạo theo pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế.

Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ là những người đứng đầu hội và không phải là viên chức, cán bộ hay công chức theo quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, nguồn hình thành kinh phí hoạt động của Hội Chữ thập đỏ cũng được quy định cụ thể như trên, bao gồm cả nguồn ủng hộ của các cá nhân, tổ chức.

Như vậy các chế độ của Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã hay các thành viên trong hội là do Hội quy định, và mỗi địa phương sẽ có quy định khác nhau.

Tuy nhiên, nếu Chủ tịch Hội chữ thập đỏ được xếp vào chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường như tại Hà Nội thì sẽ được hưởng phụ cấp dành cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Và mức khoán quỹ phụ cấp với tổng các chức dan người hoạt động không chuyên trách cấp xã được quy định tại Nghị định 33/2023 như sau:

Đơn vị hành chính

Mức khoán quỹ phụ cấp từ 01/8/2023

(Nghị định 33/2023 về cán bộ, công chức cấp xã)

Cấp xã loại 1

21 lần mức lương cơ sở

Cấp xã loại 2

18 lần mức lương cơ sở

Cấp xã loại 3

15 lần mức lương cơ sở


Ví dụ tại Hà Nội, nếu cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố nếu kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách khác được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 30% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm.

Có thể thấy, việc xếp Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thuộc chức danh người hoạt động không chuyên trách là tùy thuộc vào quy định của từng địa phương.

- Nếu Chủ tịch của Hội Chữ thập đỏ là chức danh đứng đầu trong Hội Chữ thập đỏ thì được hưởng trợ cấp theo quy định của Hội đó.

- Nếu thuộc chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã thì được hưởng thêm phụ cấp theo quy định dành cho người hoạt động không chuyên trách.

Các hoạt động chữ thập đỏ được thực hiện dựa trên nguyên tắc quy định tại Điều 3 Luật Hoạt động chữ thập đỏ 2008, gồm:

- Tự nguyện, không vụ lợi

- Công khai, minh bạch; đúng mục đích, đối tượng; kịp thời và hiệu quả.

- Không phân biệt đối xử, phù hợp với truyền thống nhân ái của dân tộc.

- Sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ.

- Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về hoạt động nhân đạo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo khoản 4 Điều 22 Luật Hoạt động chữ thập đỏ 2008 được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 03/2011/NĐ-CP Quỹ hoạt động chữ thập đỏ do Hội Chữ thập đỏ quản lý được hình thành từ các nguồn:

- Đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân; viện trợ nhân đạo của tổ chức quốc tế, chính phủ nước ngoài;

- Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết;

- Các khoản thu hợp pháp khác.

Trên đây là thông tin giải đáp về trợ cấp đối với Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X