hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 29/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trợ cấp thất nghiệp có tính thuế TNCN không?

Nộp thuế cho Nhà nước là trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức. Vậy khi người lao động nghỉ việc, tiền trợ cấp thất nghiệp có tính thuế TNCN không?

Mục lục bài viết
  • Thu nhập từ trợ cấp thất nghiệp có tính thuế TNCN không?
  • Trợ cấp mất việc làm có tính thuế TNCN không?
  • Cách tính thuế TNCN cho người nghỉ việc?

Thu nhập từ trợ cấp thất nghiệp có tính thuế TNCN không?

Câu hỏi: Tôi đi làm lương 07 triệu/tháng và đã được nhận trợ cấp thất nghiệp trong 03 tháng (tháng 12/2022, tháng 1 và tháng 2/2023). Xin hỏi tôi có phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho khoản này không ạ?

Chào bạn, về vấn đề tiền trợ cấp thất nghiệp có tính thuế TNCN không, chúng tôi xin đưa ra nhận định như sau: 

Nội dung nêu tại Điểm b khoản 2 Điều 2 của Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 92/2015/TT-BTC) đã quy định rõ các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công như sau:

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất,[...], trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

Như vậy, trường hợp người lao động nhận được trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc thì không bị tính thuế TNCN đối với khoản tiền đó. 

Thu nhập từ trợ cấp thất nghiệp có tính thuế TNCN không?

Trợ cấp mất việc làm có tính thuế TNCN không?

Câu hỏi: Công ty cho tôi nghỉ việc do thay đổi dây chuyền sản xuất cũ và có trợ cấp tiền mất việc. Vậy khoản trợ cấp này của tôi có bị đánh thuế không?

Trợ cấp mất việc làm được hiểu là khoản tiền người sử dụng lao động chi trả cho nhân viên của mình do bị mất việc làm. Theo nội dung điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, khoản tiền này không được coi là thu nhập chịu thuế nếu không vượt quá mức quy định.

Căn cứ khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động 2019, mức hưởng trợ cấp thôi việc đối với người lao động là 01 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc, tuy nhiên phải bằng ít nhất 02 tháng tiền lương.

Cụ thể:

Mức trợ cấp mất việc làm

=

Thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp

x

Tiền lương tháng tính hưởng trợ cấp

- Đối với tiền lương tháng tính hưởng trợ cấp: theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 8 nói trên, đây là số tiền bình quân của 06 tháng liền kề trên hợp đồng trước khi người lao động bị mất việc làm.

- Đối với thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp: căn cứ khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, khoảng thời gian này là tổng thời gian làm việc thực tế trừ đi thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm. Trong đó:

  • Tổng thời gian làm việc thực tế gồm: thời gian thử việc, trực tiếp làm việc; thời gian được cử đi học; nghỉ ốm đau, thai sản; nghỉ hằng tuần, nghỉ hưởng nguyên lương; nghỉ điều trị do tai nạn lao động được trả lương; thời gian tạm đình chỉ công việc…
  • Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: thời gian mà người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc thời gian người lao động được chi trả một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp dù người đó không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Ví dụ: Bạn làm việc tại công ty được 15 năm, trong đó có 12 năm tham gia bảo hiểm thất nghiệp và có 01 năm được trả trợ cấp thôi việc. Mức lương bình quân của bạn tính trong 06 tháng cuối cùng trước khi nghỉ là 10 triệu.

Vậy mức trợ cấp mất việc của bạn là: (15 – 12 - 1) x 10 = 20 triệu.

Tóm lại, nếu mức trợ cấp mất việc của bạn không cao hơn mức quy định nêu trên thì phần thu nhập này không bị tính thuế TNCN.

Cách tính thuế TNCN cho người nghỉ việc?

Câu hỏi: Tôi chính thức chấm dứt hợp đồng với công ty từ 02/2023 nhưng ngày 10/3/2023 tôi mới được trả lương tháng 2. Vậy mức TNCN của tôi được tính thế nào?

Chào bạn, chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Theo khoản 2, Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012), tiền lương là một trong những khoản thu nhập chịu thuế của người lao động.

Theo hướng dẫn chi tiết tại Công văn 51/TCT-DNNCN, khi công ty tiến hành trả tiền lương cho bạn với mức từ 02 triệu đồng/lần trở lên sau khi đã chấm dứt hợp đồng thì công ty phải khấu trừ thuế TNCN của bạn theo mức 10% tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương.

Ngoài ra, nếu bạn chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% nhưng tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi giảm trừ gia cảnh ước tính lại chưa đến mức phải nộp thuế thì bạn có thể làm cam kết công ty làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.

Trên đây là một số nội dung xoay quanh vấn đề trợ cấp thất nghiệp có tính thuế TNCN không. Nếu còn thắc mắc, xin mời bạn liên hệ 19006199 để được hỗ trợ thêm.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X