hieuluat
Chia sẻ email

Trợ cấp tinh giản biên chế được xác định như thế nào?

Cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế thế nào là thông tin được nhiều người quan tâm. Quy định về điều này thế nào?

Câu hỏi: Cho tôi xin thông tin về cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế thế nào?

Ai thuộc đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế?

Điều 2 Nghị định 29/2023 quy định các đối tượng thuộc diện thực hiện chính sách tinh giản biên chế gồm:

Thứ nhất là cán bộ, công chức, viên chức hoặc cán bộ, công chức cấp xã, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ trong các cơ quan hành chính thuộc 01 trong các trường hợp như:

- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự hoặc dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện cơ chế tự chủ;

- Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã;

- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm và không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí…;

- Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ, 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp…;

- Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định…

- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Đối tượng thứ hai là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Thứ ba là:

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

- Và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.

cách xác định trợ cấp tinh giản biên chế Đối tượng tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định 29/2023.

Cách xác định trợ cấp tinh giản biên chế

Theo Điều 10 Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định về cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế như sau:

- Tiền lương hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi tinh giản biên chế.

Tiền lương tháng được tính bao gồm:

+ Mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận của hợp đồng lao động hoặc mức lương của người quản lý công ty;

+ Các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, tiền lương và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Tiền lương bình quân là tiền lương tháng bình quân của 60 tháng cuối trước khi tinh giản biên chế. Riêng với những trường hợp chưa đủ 60 tháng công tác có đóng BHXH, thì tiền lương tháng bình quân của toàn bộ thời gian công tác.

- Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 01 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng; trường hợp trong hồ sơ không xác định ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 01/01 của năm sinh của đối tượng.

Ví dụ: đối tượng sinh tháng 05/1970 thì thời điểm dùng làm căn cứ để tính tuổi hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 01/6 năm nghỉ hưu. Nếu đối tượng chỉ có thông tin là năm sinh 1970 trong hồ sơ thì thời điểm được tính làm căn cứ để tính tuổi hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 01/02 năm nghỉ hưu.

- Thời gian để tính trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi, trợ cấp chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước, trợ cấp thôi việc là tổng thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ.

Nếu tổng thời gian tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc: từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính là 1/2 năm và được hưởng trợ cấp bằng mức trợ cấp của 1/2 năm; từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 01 năm.

- Thời gian để tính trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 5, Điều 8 Nghị định 29/2023/NĐ-CP nếu có số tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc:

+ Từ 01 tháng đến đủ 06 tháng: tính là 1/2 năm, được hưởng trợ cấp bằng mức trợ cấp của 1/2 năm;

+ Từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng: tính tròn là 01 năm.

Trên đây là thông tin về cách xác định trợ cấp tinh giản biên chế.

Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số  1900.6199 để hỗ trợ, giải đáp

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X