Số lượng tội phạm tăng cao theo từng năm với những dấu hiệu phức tạp và thủ đoạn ngày cành tinh vi, đặc biệt là các tội trộm cắp tài sản. Bài viết sau sẽ đi sâu vào phân tích các vấn đề pháp lý nhằm làm rõ những đặc điểm cũng như tính chất của loại tội này.
Trường hợp nào trộm cắp tài sản phải chịu trách nhiệm hình sự?
Một đêm thấy nhà đối diện quên đóng cửa ban công A đã trèo sang và vào nhà lấy một chiếc túi xách có chứa điện thoại di động, tiền. Tổng tài sản bị chiếm đoạt trị giá 20 triệu đồng. Vậy trong trường hợp trên, anh A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Xin cảm ơn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự 2015, một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã được Bộ luật hình sự quy định.
Do đó, để xét xem anh A có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì cần phải xét các yếu tố cấu thành tội phạm như: Khách thể tội phạm; Mặt khách quan tội phạm; Chủ thể tội phạm; Mặt chủ quan tội phạm.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tội trộm cắp tài sản:
“Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”
Thứ nhất, xét về mặt khách thể của tội phạm:
Quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị hành vi của A xâm hại là quan hệ sở hữu tài sản của công dân. Đối tượng tác động là tài sản của công dân.
Hành vi của A là lấy chiếc túi sách có chứa điện thoại di động đã trực tiếp xâm hại tới quan hệ sở hữu tài sản.
Thứ hai, xét về mặt khách quan tội phạm:
Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản một cách trái pháp luật của người khác. Hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là lén lút khi chủ thể phạm tội thực hiện hành vi một cách cố ý không cho chủ tài sản biết hành vi chiếm đoạt của mình. Người thực hiện hành vi có ý thức giấu giếm hành vi chiếm đoạt tài sản của mình, che dấu hành vi đó đối với chủ tài sản.
Tuy nhiên, hành vi trộm cắp tài sản phải thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cụ thể:
-Trộm cắp tài sản có giá trị trên 2 triệu đồng;
-Trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng mà thuộc một trong các trường hợp:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
+ Tài sản là di vật, cổ vật.
Theo như bạn trình bày, A thấy nhà đối diện quên đóng cửa ban công và đã trèo vào để lấy một chiếc túi xách có chứa điện thoại di động, tiền. Như vậy, A đã thực hiện hành vi chiếm đoạt túi sách bằng thủ đoạn lén lút, bí mật và lợi dụng việc chủ nhà quên không đóng cửa nhà.
Ngoài ra, giá trị tài sản mà A trộm cắp được trên 2 triệu đồng nên hành vi của A đã đáp ứng đầy đủ về mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản.
Thứ ba, xét về mặt chủ thể tội phạm:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định:
“Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.”
Do đó, đối với tội trộm cắp tài sản thì chủ thể thực hiện hành vi trộm cắp chỉ cần đủ 16 tuổi trở lên là phải chịu trách nhiệm hình sự. Do A đã 22 tuổi nên đã đáp ứng điều kiện về mặt chủ thể của tội trộm cắp tài sản.
Thứ tư, xét về mặt chủ quan tội phạm:
Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội trộm cắp tài sản bao gồm lỗi cố ý trực tiếp và mục đích chiếm đoạt tài sản.
Dựa vào các tình tiết bạn cung cấp, A đã nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội về hành vi của mình, biết được việc thực hiện chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, nhận thức rõ như vậy nhưng A vẫn cố ý trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Tóm lại: Đối chiếu với các dấu hiệu đặc trưng pháp lý của tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi của A đã thỏa mãn các dấu hiệu của tội phạm này.
Trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu, bị đi tù không? (Ảnh minh họa)
Trộm cắp tài sản nhiều lần nhưng giá trị dưới 2 triệu có bị đi tù?
Giá trị tài sản trong mỗi lần trộm cắp là 1 triệu và các lần trộm cắp tài sản trước anh A chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Vậy trong trường hợp này, anh A có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản không? Xin cảm ơn.
Theo Công văn 64/TANDTC có hướng dẫn đối với trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi xâm phạm quyền sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng các hành vi xâm phạm quyền sở hữu chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì xử lý như sau:
- Nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự thì người thực hiện hành vi phạm tội này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự thì người thực hiện hành vi tội phạm này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do anh A đã thực hiện nhiều lần trộm cắp tài sản nhưng mỗi lần trị giá tài sản trộm cắp đều dưới 2 triệu đồng dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 và không thuộc các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời các hành vi trộm cắp tài sản của anh A chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và tổng giá trị tài sản của các lần trộm cắp tài sản 11 triệu đồng trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự nên anh A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
Trên đây là các thông tin liên quan đến Tội trộm cắp tài sản. Nếu còn băn khoăn hoặc có thêm vướng mắc, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.