hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 24/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trưng cầu ý dân là gì? Có giống lấy ý kiến nhân dân không?

Trưng cầu ý dân được biết đến là một trong những hoạt động mang tính dân chủ của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vậy trưng cầu ý dân là gì? Có giống với việc lấy ý kiến nhân dân không?

Mục lục bài viết
  • Trưng cầu ý dân là gì?
  • Cơ quan nào có thẩm quyền trưng cầu ý dân?
  • Trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân có giống nhau không?

Trưng cầu ý dân là gì?

Trưng cầu ý dân là gì?

Trưng cầu ý dân là gì?

Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã và đang vận dụng. Trong đó, trưng cầu ý dân là một trong những hoạt động tiêu biểu nhất của chế độ dân chủ hiện nay. Vậy trưng cầu ý dân có nghĩa là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 thì trưng cầu ý dân được quy định là hoạt động được Nhà nước ta tổ chức để cử tri trong cả nước được trực tiếp thể hiện quan điểm của mình thông qua việc biểu quyết bằng cách bỏ phiếu để quyết định những vấn đề mang tính quan trọng của đất nước.

Mặc dù nội dung trên quy định và giải thích cho khái niệm “trưng cầu ý dân” nhưng lại không đề cập đến cụm từ “nhân dân trong cả nước” mà thay bằng “cử tri trong cả nước”.

Vậy tại sao không phải toàn thể nhân dân có quyền bỏ phiếu để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà chỉ có cử tri mới được phép thực hiện hoạt động này?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 thì cử tri được quy định là những người có quyền bỏ phiếu trong hoạt động trưng cầu ý dân.

Bên cạnh đó, tại Điều 5 Luật này cũng quy định cụ thể hơn về những người có quyền bỏ phiếu trong hoạt động trưng cầu ý dân phải là công dân của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày Nhà nước tổ chức thực hiện  hoạt động trưng cầu ý dân (trừ những công dân được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Luật này).

Đây là một quy định chặt chẽ về những người có quyền tham gia bỏ phiếu trưng cầu ý dân bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật này đã nêu trên thì hoạt động trưng cầu ý dân được tổ chức để lấy ý kiến quyết định của người dân thông qua hình thức bỏ phiếu về những vấn đề mang tính quan trọng, trọng đại của đất nước.

Do đó, chỉ những công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không đang trong thời gian chấp hành án phạt tù,... thì mới có thể nhận thức đầy đủ, thấu đáo về những vấn đề quan trọng đó.

Từ đó, cử tri có thể đưa ra quan điểm thông qua việc bỏ phiếu để giúp Nhà nước trong việc quyết định những vấn đề trọng đại.

Như vậy, trưng cầu ý dân là hoạt động mang tính dân chủ, giúp Nhà nước xem xét, quyết định về những vấn đề quan trọng của đất nước thông qua việc biểu quyết của công dân Việt Nam có quyền tham gia bỏ phiếu theo quy định.

Cơ quan nào có thẩm quyền trưng cầu ý dân?

Cơ quan nào có thẩm quyền trưng cầu ý dân?

Cơ quan nào có thẩm quyền trưng cầu ý dân?

Trước khi tổ chức hoạt động trưng cầu ý dân, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành các hoạt động như: đề nghị trưng cầu ý dân, xem xét và cho ý kiến về việc đề nghị trưng cầu ý dân, quyết định thực hiện trưng cầu ý dân. Theo đó, ở mỗi giai đoạn khác nhau thì thẩm quyền lại thuộc về các cơ quan, tổ chức khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Đối với giai đoạn đề nghị trưng cầu ý dân: Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 thì các cá nhân, cơ quan có quyền đề nghị tổ chức trưng cầu ý dân bao gồm: Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ.

    Ngoài các cá nhân, cơ quan Nhà nước nêu trên thì trong trường hợp có ít nhất ⅓ số lượng đại biểu Quốc hội thống nhất ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét việc trưng cầu ý dân thì vẫn thực hiện lập hồ sơ đề nghị trưng cầu ý dân theo quy định;

  • Đối với giai đoạn xem xét và cho ý kiến về việc đề nghị trưng cầu ý dân: Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền xem xét và cho ý kiến về việc đề nghị trưng cầu ý dân;

  • Đối với giai đoạn quyết định tổ chức việc trưng cầu ý dân: Theo quy định tại Điều 17 Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 thì Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức hoạt động trưng cầu ý dân sau khi xem xét nội dung dự kiến mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình lên.

Như vậy, trưng cầu ý dân được tổ chức sau khi có sự phối hợp làm việc của nhiều cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Tuy nhiên, để quyết định việc tổ chức hoạt động trưng cầu ý dân theo quy định thì Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức hoạt động này.

Bên cạnh đó, để Nghị quyết về trưng cầu ý dân của Quốc hội được triển khai và tổ chức trên thực tế thì phải được hơn ½ số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân có giống nhau không?

Trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân đều là các hoạt động nổi bật của chế độ dân chủ Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đây là các hoạt động nhằm phát huy tính dân chủ của nhân dân trong việc được đưa ra quan điểm, tham gia quyết định các hoạt động có tính chất quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân không phải là một mà là hai hoạt động khác nhau.

Về mặt nội dung thực hiện thì trưng cầu ý dân được tổ chức thực hiện để lấy ý kiến biểu quyết của cử tri đối với các vấn đề có tính chất quan trọng của cả đất nước.

Còn đối với hoạt động lấy ý kiến nhân dân thì nội dung thực hiện khá rộng với nhiều nội dung, phạm vi, lĩnh vực khác nhau do nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Nếu như vấn đề cần trưng cầu ý dân liên quan đến vận mệnh và tương lai của cả đất nước thì vấn đề của lấy ý kiến nhân dân có thể là vấn đề quốc gia nhưng đôi khi lại chỉ là vấn đề của một địa phương nhất định.

Về mặt hình thức, hoạt động trưng cầu ý dân được thực hiện thông qua việc bỏ phiếu còn hoạt động lấy ý kiến nhân dân thì được tổ chức linh hoạt, có thể là bỏ phiếu, có thể là nêu ý kiến trực tiếp,...

Như vậy, về bản chất, trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân đều là các hoạt động được tổ chức để đẩy mạnh tính dân chủ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trưng cầu ý dân lại mang tính chất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, vận mệnh cũng như mọi hoạt động của cả đất nước hơn lấy ý kiến nhân dân.

Trên đây là quy định về trưng cầu ý dân mà chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu còn vấn đề nào thắc mắc, hay gặp khó khăn trong các vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X