hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 14/02/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Được thay tên, đổi họ trong những trường hợp nào?

Ai cũng có họ tên của mình trong giấy khai sinh, các loại giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, nhiều người vì các lý do lại muốn thay tên, đổi họ. Pháp luật quy định về điều này thế nào?

Mục lục bài viết
  • Được thay đổi họ trong những trường hợp nào?
  • Tôi muốn đổi tên vì tên xấu có được không?
  • Thay tên đổi họ thực hiện như thế nào?
  • Có được lấy tên danh nhân đặt cho con không?

Được thay đổi họ trong những trường hợp nào?

Câu hỏi: Tôi muốn biết pháp luật quy định về việc đổi họ như thế nào? Những trường hợp nào có thể được thay đổi họ của mình? Xin cảm ơn!

Chào bạn, thông thường thì họ tên của mỗi người thường được giữ cố định như trong giấy khai sinh, giấy tờ tùy thân, hay trong hộ khẩu gia đình…Tuy nhiên, một số người có thể thay tên đổi họ của mình nếu thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định.

Về việc đổi họ được căn cứ theo khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong 08 trường hợp:

1. Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại

2. Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi

3. Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ

4. Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con

5. Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình

6. Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;

7. Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;

8. Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Như vậy, công dân nếu thuộc 01 trong 08 trường hợp nêu trên sẽ được đổi họ của mình.

truong hop duoc thay ten doi ho
Công dân chỉ được thay tên, đổi họ khi thuộc trường hợp quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa)

Tôi muốn đổi tên vì tên xấu có được không?

Câu hỏi: Tên của tôi khá xấu, tôi thường hay bị mọi người lấy tên ra trêu đùa và làm trò cười. Tôi có thể đổi tên của mình được không?

Chào bạn, vấn đề của bạn được chúng tôi thông tin như sau: Theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 thì một người có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên khi thuộc một trong trường hợp:

- Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó

- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt

- Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con

- Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình

- Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi

- Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính

- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định

Khoản 3 Điều này cũng quy định rõ, việc thay đổi tên không làm thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự đã được xác lập theo tên cũ.

Như vậy, nếu việc yêu cầu đổi tên của bạn không thuộc một trong các trường hợp nói trên thì sẽ không có căn cứ để cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.

Hiện, pháp luật không cấm một người được sử dụng một tên khác (tên thường gọi hay tên thường dùng) nếu việc sử dụng tên thường gọi đó không vi phạm pháp luật hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Tên thường gọi không được ghi nhận trên giấy khai sinh, nhưng cũng có thể giúp bạn đỡ gặp phải những phiền toái nếu dùng tên khai sinh. Dù có thế dùng tên thường gọi trong cuộc sống thường ngày nhưng kitham gia các giao dịch về kinh tế, dân sự, hành chính, lao động..., bạn phải dùng tên theo giấy khai sinh của mình.

Thay tên, đổi họ thực hiện như thế nào?

Đối với người chưa đủ 14 tuổi

Việc thay đổi họ, tên cho người chưa đủ 14 tuổi được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân. (Điều 27 Luật Hộ tịch 2014)

Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên. (khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch 2014)

Theo khoản 1 Điều 28 Luật Hộ tịch 2014, người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định, các giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Người có yêu cầu thay tên đổi họ cần mang theo giấy tờ chứng minh cá nhân thuộc trường hợp được pháp luật cho phép thay đổi họ, tên để cơ quan có thẩm quyền tiến hành đối chiếu, giải quyết.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, xét thấy việc thay đổi họ, tên có cơ sở thì công chức tư pháp - hộ tịch tiến hành ghi vào Sổ hộ tịch; công dân đăng ký thay đổi họ, tên ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Có được lấy tên danh nhân đặt cho con không?

Câu hỏi: Chị tôi muốn đặt tên cho con theo các danh nhân văn hóa thời trước có cùng họ của chồng thì có bị pháp luật cấm hay không?

Theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 thì việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định. Ngoài ra, tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch, được hướng dẫn bởi Điều 4, Nghị định 123/2015 thì tên của con sẽ do cha mẹ thỏa thuận, nếu không thống nhất được sẽ xác định theo tập quán.

Bộ Tư pháp quy định việc đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng. (khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp)

Có thể thấy các quy định về đặt tên cho cá nhân nêu trên không có điều khoản nào cấm lấy tên danh nhân đặt cho con.

Tuy nhiên, việc đặt tên cho con theo tên các danh nhân văn hóa lịch sử có thể mang đến những phiền toái không mong muốn trong cuộc sống nên chị gái bạn trước khi đặt tên cho con cũng nên cân nhắc về vấn đề này.

Hieuluat vừa thông tin về các trường hợp được thay tên đổi họ. Nếu còn bạn còn vướng mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X