Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã bổ sung quy định về các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
5 trường hợp không được trả tiền bảo hiểm
Chào bạn, theo quy định tại Điều 40 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong năm trường hợp gồm:
1. Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 02 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm khôi phục hiệu lực
2. Người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng, trừ trường hợp quy định
3. Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng, trừ trường hợp quy định
4. Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình
5. Trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Trường hợp có nhiều người thụ hưởng, nếu 01 hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vẫn phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
So với quy định hiện nay tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) thì Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung hai trường hợp không được trả tiền bảo hiểm đó là:
- Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân
- Trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư lĩnh vực nào?
Chào bạn, khoản 3 Điều 99 Luật này quy định, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư sau đây:
- Đầu tư kim khí quý, đá quý
- Đầu tư tài sản cố định vô hình, trừ trường hợp phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp, chi nhánh
- Đầu tư chứng khoán phái sinh hoặc hợp đồng phái sinh, trừ trường hợp chứng khoán phái sinh niêm yết nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm và từ danh mục đầu tư chứng khoán doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đang nắm giữ.
- Kinh doanh bất động sản.
Trừ các trường hợp:
+ Mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng;
+ Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ;
+ Cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng;
+ Nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nắm giữ.
Tuy nhiên, quy định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2028.
Một trong những thay đổi của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, tác động đến hoạt động kinh doanh của các công ty bảo hiểm là về vốn.
Luật mới quy định theo hướng phân loại rõ ràng từng loại vốn của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trong quá trình hoạt động kinh doanh (Điều 94); bổ sung yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn nhằm đảm bảo vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của các nhóm rủi ro cơ bản (Điều 95) thay vì quy định chung như trước đây.
Trên đây là các thông tin về trường hợp không được trả tiền bảo hiểm. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 19006192 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.