hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 13/07/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trường hợp nào không phải đấu giá quyền sử dụng đất?

Trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất là những trường hợp mà người sử dụng đất không cần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất mà vẫn được sử dụng đất hợp pháp theo quy định pháp luật. Vậy, những trường hợp nào, người sử dụng đất được nhận quyền sử dụng đất mà không cần thông qua đấu giá? Những loại tài sản nào phải bán thông qua đấu giá?

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang nghiên cứu quy định pháp luật về việc đấu giá quyền sử dụng đất và không đấu giá quyền sử dụng đất mà vẫn được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Tôi mong Luật sư có thể giải đáp cho tôi về việc những trường hợp người sử dụng đất không cần đấu giá mà vẫn có thể nhận được quyền sử dụng đất hợp pháp? Ngoài ra, tôi muốn hỏi thêm, những loại tài sản nào bắt buộc phải được bán thông qua đấu giá?

Chào bạn, liên quan đến câu hỏi về trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất vẫn được Nhà nước ghi nhận quyền sử dụng hợp pháp mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất là trường hợp nào?

Khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2013 quy định về những trường hợp mà người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà không cần thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, cụ thể bao gồm:

Một là, người sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất;

Các trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất là các trường hợp được quy định tại Điều 54 Luật Đất đai 2013, gồm các trường hợp sau đây:

1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này;

2. Người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này;

3. Tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;

4. Tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước;

5. Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.

Hai là, người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại Điều 110 Luật Đất đai 2013

Đây là các trường hợp người sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp…cụ thể:

1. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại;

b) Sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo; hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; đất ở cho người phải di dời khi Nhà nước thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;

c) Sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số;

d) Sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp của các tổ chức sự nghiệp công lập;

đ) Đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; đất xây dựng cơ sở, công trình cung cấp dịch vụ hàng không;

e) Sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đối với hợp tác xã nông nghiệp;

g) Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Ba là, người sử dụng đất đang sử dụng đất thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm g khoản 1 và khoản 2 Điều 56 Luật Đất đai 2013. Các trường hợp đó như sau:

  • Việc sử dụng đất vượt hạn mức giao đất nông nghiệp (quy định tại Điều 129 Luật Đất đai 2013) của hộ gia đình, cá nhân;

  • Đất sử dụng với mục đích xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao tại Việt Nam;

  • Đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc thuê đất để nuôi trồng thủy sản, làm muối; Hoặc sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Bốn là, người sử dụng đất có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích hoạt động khoáng sản (ví dụ sử dụng đất với mục đích thăm dò, khai thác khoáng sản…);

Năm là, người sử dụng đất sử dụng đất với mục đích thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ theo quy định pháp luật;

Sáu là, cán bộ, công chức, viên chức theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền được giao đất ở;

Bảy là, hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở được giao đất ở;

Tám là, hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn thuộc khu vực/vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng/khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở được giao đất ở;

Chín là, trường hợp khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp người sử dụng đất có quyền sử dụng đất thông qua việc nhận thừa kế, nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho…hợp pháp theo quy định pháp luật.

Như vậy, pháp luật quy định 9 trường hợp người sử dụng đất được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất. Ngoài ra, để được nhận quyền sử dụng đất mà không phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, bạn cũng có thể lưu ý đến phương án nhận tặng cho, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế…quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất khác theo quy định pháp luật.

truong hop khong phai dau gia quyen su dung dat


Tài sản nào phải thực hiện mua bán thông qua đấu giá?

Ngoài việc quy định về trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất, trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất thì Luật Đất đai 2013, Luật Đấu giá tài sản 2016 và các văn bản khác có liên quan cũng quy định về các loại tài sản phải được thực hiện mua bán/chuyển nhượng, giao quyền thông qua đấu giá ngoài quyền sử dụng đất.

Cụ thể, tại Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định các tài sản phải được bán thông qua phương thức đấu giá gồm:

Một là, tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức nhưng chủ sở hữu tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016;

Hai là, các loại tài sản thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

Ba là, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật (ví dụ tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác hoặc các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý…);

Bốn là, tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm (thường là tài sản bảo đảm thực hiện xử lý thông qua quy trình khởi kiện, thi hành án, bán đấu giá tài sản…);

Năm là, các tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự: Tài sản phải thi hành án (thi hành án chủ động hoặc thi hành án theo yêu cầu);

Sáu là, tài sản phải bán qua đấu giá là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật;

Bảy là, tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

Tám là, tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp;

Chín là, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản;

Mười là, tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định;

Mười một là, quyền khai thác khoáng sản;

Mười hai là, quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

Mười ba là, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;

Mười bốn là, nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật;

Mười năm là, các tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

Như vậy, ngoài quyền sử dụng đất được quy định tại Luật Đất đai 2013 thì có 15 loại tài sản mà chúng tôi đã nêu trên phải thực hiện mua bán thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu giá.

Trên đây là giải đáp về trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Trường hợp nào phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất?

>> Sang tên sổ đỏ đất trúng đấu giá được thực hiện thế nào?

Có thể bạn quan tâm

X