hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 21/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Khai trừ Đảng có bị thôi việc không? Các trường hợp bị khai trừ Đảng

Khai trừ Đảng là hình thức kỷ luật cao nhất đối với Đảng viên có hành vi vi phạm Điều lệ Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước. Vậy trường hợp nào bị khai trừ Đảng? Khai trừ Đảng có bị thôi việc không?

 
Mục lục bài viết
  • Khi nào Đảng viên bị áp dụng hình thức kỷ luật khai trừ Đảng?
  • Khai trừ Đảng có bị thôi việc không?
  • Đảng viên bị khởi tố thì có bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khai trừ đảng không? 
  • Không sinh hoạt Đảng bao lâu thì bị khai trừ Đảng? 

Khi nào Đảng viên bị áp dụng hình thức kỷ luật khai trừ Đảng?

Đảng viên là người chiến sĩ cách mạng, là những công dân tiêu biểu được vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Do đó, Đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh và tuân theo các quy tắc, quy định của Điều lệ, của chủ trương, chính sách Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

Đảng viên phải là người tiên phong, là người gương mẫu trong việc chấp hành các quy định trên để quần chúng nhân dân noi theo.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đều có thể thực hiện tốt vai trò của mình, tuân thủ tốt các quy định của Đảng, của Nhà nước mà vẫn còn một số Đảng viên lơ là, chểnh mảng dẫn đến vi phạm nghiêm trọng.

Theo đó, tại Điều 2 Quy định số 69-QĐ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định về việc tất cả các Đảng viên đều bình đẳng trước hình thức xử lý kỷ luật của Đảng.

Trong đó, hình thức kỷ luật khai trừ Đảng là hình thức kỷ luật cao nhất được áp dụng đối với Đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các trường hợp bị khai trừ Đảng

Theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Quy định số 69-QĐ/TW nêu trên thì hình thức kỷ luật khai trừ Đảng được áp dụng đối với các Đảng viên có các hành vi sau: “Đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Đảng; nếu hình phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ thì tùy nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để thi hành kỷ luật đảng tương xứng. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi thường.”

Đảng viên bị Toà án tuyên mức phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ thì Đảng sẽ căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ của hậu quả xảy ra và một số yếu tố khác để đưa ra hình thức kỷ luật tương ứng.

Như vậy, thông thường khi Đảng viên vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị khai trừ khỏi Đảng.

Trong trường hợp hành vi vi phạm đó của Đảng viên dẫn đến thất thoát về tài sản, tài chính của Đảng, của Nhà nước hay các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất.

Khai trừ Đảng có bị thôi việc không?

Khai trừ Đảng có bị thôi việc không?

Khai trừ Đảng có bị thôi việc không?

Đảng viên thường là những cán bộ, công chức làm trong cơ quan Nhà nước hay viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của các cơ quan Nhà nước.

Do đó, Đảng viên không chỉ chịu trách nhiệm và tuân thủ những quy định điều chỉnh dành cho Đảng viên mà còn phải lưu ý các văn bản pháp luật điều chỉnh về cán bộ, công chức, viên chức.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP thì cán bộ, công chức là Đảng viên đã bị xử lý kỷ luật Đảng thì sẽ chịu hình thức kỷ luật hành chính tương ứng với mức độ kỷ luật Đảng.

Theo đó, chúng ta cần hiểu rõ các hình thức xử lý kỷ luật Đảng hiện nay và các hình thức xử lý hành chính tương ứng là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Quy định số 69-QĐ/TW thì các hình thức xử lý kỷ luật đối với Đảng viên chính thức hiện nay bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức đối với người có chức vụ và khai trừ Đảng.

Tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định các hình thức kỷ luật hành chính với cán bộ tương ứng là: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và bãi nhiệm.

Còn đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo khi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương ứng là: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương và buộc thôi việc;

Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo thì áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng là: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Như vậy, có thể thấy, hình thức kỷ luật hành chính “buộc thôi việc” được áp dụng đối với Đảng viên. Nếu xét về mức độ tương ứng thì hình thức xử lý kỷ luật “khai trừ Đảng” sẽ tương ứng với hình thức xử lý hành chính tương ứng là “buộc thôi việc” đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo.

Bên cạnh đó, tại Điều 13 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP cũng quy định trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc với công chức khá tương đồng với các trường hợp bị xử lý kỷ luật “khai trừ Đảng” của Đảng viên.

Tuy hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ về vấn đề này nên khi Đảng viên vi phạm đến mức bị khai trừ Đảng mà hành vi vi phạm cũng tương ứng với các hành vi buộc thôi việc thì khi bị khai trừ Đảng sẽ bị thôi việc.

Đảng viên bị khởi tố thì có bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khai trừ đảng không? 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy định số 69-QĐ/TW thì Đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị Toà án tuyên phạt từ mức cải tạo không giam giữ trở lên sẽ bị khai trừ Đảng.

Mà theo quy định của pháp luật về Tố tụng hình sự thì khởi tố là giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự. Người bị khởi tố là người có hành vi vi phạm pháp luật về hình sự, có hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Nếu Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can và thực hiện quá trình điều tra và kết luận Đảng viên phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tổ chức Đảng có thẩm quyền chủ động, nhanh chóng xác minh và ra kết luận để xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm.

Nếu hành vi vi phạm của Đảng viên gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì sẽ bị khai trừ khỏi Đảng.

Các tổ chức Đảng có thể xem kỹ quy định tại Chương III Quy định số 69-QĐ/TW để đưa ra hình thức kỷ luật tương ứng với các hành vi vi phạm của Đảng viên.

Không sinh hoạt Đảng bao lâu thì bị khai trừ Đảng? 

Không sinh hoạt Đảng bao lâu bị khai trừ Đảng

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25 Quy định số 69-QĐ/TW thì Đảng viên không thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng gây ra hậu quả ít nghiêm trọng thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách.

Tuy nhiên, nếu hành vi này gây nên hậu quả rất nghiêm trọng thì Đảng viên sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 2 Điều 4 Quy định số 69-QĐ/TW cũng quy định về việc không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với Đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật khai trừ Đảng.

Do đó, nếu xét thấy việc không sinh hoạt Đảng theo quy định của Đảng viên gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì tổ chức Đảng cần xem xét và đưa ra quyết định xử lý kỷ luật khai trừ Đảng nhanh chóng để không ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức.

Trên đây là những thông tin về vấn đề buộc thôi việc đối với Đảng viên bị khai trừ Đảng mà chúng tôi cập nhật đến quý ban đọc. Nếu có thắc mắc về quy định trên, vui lòng liên hệ ngay tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời và nhanh chóng.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X