Thông thường những người có hành vi vi phạm pháp luật hay có liên quan đến hành vi này sẽ bị mời lên công an làm việc. Vậy theo quy định pháp luật thì trường hợp nào công an mời lên làm việc?
Công an mời lên làm việc trong trường hợp nào?
Hiện nay có nhiều trường hợp công dân nhận được giấy mời lên làm việc hoặc giấy triệu tập của cơ quan công an.
Trước hết cần hiểu giấy mời/giấy triệu tập trong trường hợp này là văn bản được cơ quan công an sử dụng để mời những người có liên quan, những người biết về vụ việc mà cơ quan công an đang xử lý lên làm việc nhằm mục đích thu thập các thông tin, làm rõ các vấn đề có liên quan đến vụ việc này.
Và thông thường, công an sẽ mời công dân lên làm việc đối với các vụ án hình sự.
Như vậy, công an mời lên làm việc trong các trường hợp sau:
- Tổ chức/cá nhân là người trực tiếp liên quan đến vụ việc mà công an đang xử lý: Là nguyên đơn dân sự/bị đơn dân sự trong vụ án hình sự, là người bị hại, người tình nghi có hành vi vi phạm pháp luật,...
- Tổ chức/cá nhân là người có thể biết được, nắm được thông tin về vụ việc mà công an đang xử lý: Người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự,...
Có thể thấy, mục đích mời, triệu tập những đối tượng này lên làm việc là để thu thập các thông tin, lấy lời khai, lấy ý kiến về một vụ việc cụ thể mà công an đang xử lý.
Theo quy định tại Thông tư 01/2006/TT-BCA (C11) thì việc công an mời lên làm việc sẽ được thực hiện bằng văn bản là giấy mời hoặc giấy triệu tập, nghiêm cấm việc gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu công dân lên làm việc mà không sử dụng giấy mời/giấy triệu tập.
Đây cũng là một điều mà công dân cần lưu ý, tránh trường hợp bị các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cần làm gì khi công an mời lên làm việc?
- Khi công an mời lên làm việc, trước hết người nhận được giấy mời/giấy triệu tập cần đọc kỹ các nội dung có trong giấy mời để nắm được thông tin về cơ quan công an, nội dung mời làm việc, thời gian mời làm việc và tư cách của người được mời. Công dân cần giữ thái độ bình tĩnh, không quá lo sợ, hoảng loạn để có phương án xử lý phù hợp.
- Người được mời lên công an làm việc có thể cân nhắc việc mời Luật sư hỗ trợ về mặt pháp lý.
Trường hợp không nắm rõ các quy định pháp luật thì công dân có thể xem xét liên hệ Luật sư để được tư vấn về mặt pháp lý nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Luật sư sẽ hướng dẫn, tư vấn các vấn đề có liên quan đến vụ việc mà công dân đang được mời lên làm việc.
- Chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến buổi làm việc
Người nhận được giấy mời, giấy triệu tập căn cứ vào nội dung giấy mời để chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu liên quan để lên làm việc.
- Sắp xếp thời gian đến cơ quan công an làm việc
Theo điểm a khoản 3 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người bị triệu tập là bị can phải có mặt theo nội dung giấy triệu tập (trừ trường hợp bất khả kháng hoặc vì trở ngại khách quan), nếu không thì có thể bị áp giải hoặc bị truy nã nếu bỏ trốn.
Người được mời với vai trò bị hại cũng phải có mặt, nếu cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì người này có thể bị dẫn giải. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng phải có mặt.
Việc có mặt theo giấy mời làm việc/giấy triệu tập của cơ quan công an là điều cần thiết.
Theo đó, công dân nên sắp xếp thời gian để lên làm việc, từ đó có thể cung cấp các thông tin theo yêu cầu, đồng thời nhận được, nắm bắt được các thông tin liên quan đến tình hình giải quyết vụ án. Trên cơ sở đó để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Quy định về giấy mời của công an
Dựa trên tinh thần của Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11) và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì giấy mời của công an sẽ có những nội dung cơ bản sau đây:
- Thời gian, địa điểm ra giấy mời;
- Thông tin cơ quan/đơn vị ra giấy mời;
- Thông tin người được mời lên làm việc: Tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ;
- Thời gian làm việc: ngày, giờ;
- Địa điểm mời lên làm việc;
- Mục đích, nội dung làm việc;
- Thông tin của người cần gặp để làm việc: Tên, điện thoại liên lạc, chức danh,...
- Các tài liệu, văn bản cần chuẩn bị (nếu có).
Về cơ bản, giấy mời sẽ có đầy đủ các thông tin của người được mời lên làm việc cùng nội dung làm việc và thông tin của buổi làm việc đó. Giấy mời sẽ được tống đạt tới cho cá nhân theo địa chỉ liên lạc của cá nhân đó.
Pháp luật không có quy định cụ thể về giấy mời của công an, tuy nhiên trên tinh thần của các văn bản đã nêu thì khi nhận được giấy mời lên làm việc, công dân cần cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia buổi làm việc để nắm được các thông tin cần thiết.
Trên đây là nội dung “Trường hợp nào công an mời lên làm việc khi nào? Cần làm gì khi công an mời lên làm việc?” mà chúng tôi tổng hợp và cung cấp. Nếu còn vấn đề nào chưa rõ hoặc cần giải đáp các vấn đề pháp luật khác, các bạn có thể liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ.