Công chức phải trải qua thời gian tập sự để làm quen với công việc, môi trường. Vậy có trường hợp nào công chức không phải tập sự? Khi nào giáo viên được miễn tập sự?
Trường hợp nào công chức không phải tập sự?
Tập sự là một trong những chế độ mà công chức phải trải qua theo quy định tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP. Công chức sẽ được một công chức khác trong cùng đơn vị công tác hướng dẫn tập sự, làm quen với môi trường và công việc.
Nội dung tập sự là những công việc cơ bản liên quan đến kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ tại vị trí làm việc; tìm hiểu/nắm vững các quy định pháp luật; nắm về cơ cấu, tổ chức, bộ máy của nơi công chức đang công tác,...
Thời gian công chức tập sự là 06 tháng hoặc 12 tháng tương ứng với xếp loại công chức, cụ thể:
- Tập sự 06 tháng áp dụng với công chức loại D;
- Tập sự 12 tháng áp dụng với công chức loại C;
Lưu ý, thời gian công chức nghỉ sinh con theo chế độ BHXH, nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, nghỉ không hưởng lương,... sẽ không được tính vào thời gian công chức tập sự.
Khoản 5 Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP có nội dung như sau:
"5. Không thực hiện chế độ tập sự đối với các trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của ngạch được tuyển dụng quy định tại khoản 2 Điều này. Đối với các trường hợp không thực hiện chế độ tập sự, người đứng đầu cơ quan quản lý, sử dụng công chức phải cử tham gia khóa bồi dưỡng quản lý nhà nước để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch công chức trước khi bổ nhiệm."
Theo quy định này thì công chức sẽ không phải tập sự trong trường hợp sau: Công chức đã đóng BHXH bắt buộc, được bố trí làm đúng ngành/nghề đào tạo/chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã làm mà có thời gian đóng BHXH bắt buộc lớn hơn hoặc bằng thời gian tập sự của ngạch công chức được tuyển dụng.
Nội dung này đã giải đáp cho bạn đọc về các trường hợp được miễn tập sự công chức. Theo đó, khi được miễn tập sự thì công chức sẽ được người đứng đầu cơ quan, đơn vị cử học khóa bồi dưỡng quản lý nhà nước nhằm đảm bảo, hoàn chỉnh về các tiêu chuẩn, điều kiện đối với ngạch công chức.
Miễn tập sự đối với giáo viên trong trường hợp nào?
Giáo viên hay viên chức khi được tuyển dụng vào vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp công lập thì chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức, Nghị định 115/2020/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan.
Trước đây tại Điều 10 Thông tư 15/2012/TT-BNV quy định cụ thể về trường hợp được miễn thực hiện chế độ tập sự đối với viên chức. Tuy nhiên điều luật này đã bị bãi bỏ bởi Quyết định 56/QĐ-BNV năm 2021.
Hiện nay, tại khoản 5 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP lại có quy định:
“5. Không thực hiện chế độ tập sự đối với các trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng quy định tại khoản 2 Điều này….”
Tuy không còn quy định về trường hợp miễn tập sự nhưng trên tinh thần quy định tại Nghị định 115 nêu trên thì:
Giáo viên đã có thời gian làm việc đóng BHXH bắt buộc theo đúng quy định pháp luật, được bố trí làm đúng với chuyên môn nghiệp vụ, ngành, nghề trước đây đã làm mà thời gian làm việc đó giáo viên có đóng BHXH bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự (tùy từng trường hợp khác nhau mà thời gian tập sự là 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng).
Hiểu một cách khác, trong trường hợp này, giáo viên sẽ không phải thực hiện chế độ tập sự áp dụng với viên chức. Có thể thấy, về cơ bản trường hợp giáo viên được miễn tập sự là tương tự với trường hợp công chức được miễn tập sự. Tuy nhiên, bạn đọc cần phải lưu ý đến yêu cầu về thời gian đóng BHXH của các đối tượng này.
Hồ sơ miễn tập sự gồm những gì?
Căn cứ quy định về điều kiện được miễn tập sự đối với công chức, viên chức (giáo viên) thì hồ sơ miễn tập sự có các giấy tờ sau đây:
- Sổ bảo hiểm xã hội (bản sao có công chứng), trong đó có đầy đủ thông tin về thời gian đã đóng BHXH bắt buộc trước thời gian tập sự. Với những thông tin này, cơ quan Bảo hiểm xã hội và đơn vị sử dụng lao động sẽ xác nhận về thời gian, mức đóng,... để làm cơ sở cho miễn tập sự.
- Xác nhận về công việc cũ của cơ quan/đơn vị cũ mà công chức/viên chức đã công tác. Nội dung này đề cập đến công việc, lĩnh vực, vị trí công việc mà công chức/viên chức đã đảm nhận.
- Thông tin về lý lịch, quá trình công tác của công chức/viên chức kèm theo bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân (bản sao có công chứng).
- Các loại giấy tờ khác (nếu có) theo yêu cầu.
Theo đó, tương ứng với từng trường hợp miễn tập sự thì đơn vị/cơ quan mà công chức/viên chức làm việc sẽ có thông báo cụ thể về những giấy tờ cần chuẩn bị để hoàn thiện hồ sơ.
Đây sẽ là những giấy tờ chứng minh cho thời gian đã đóng BHXH ít nhất bằng với thời gian yêu cầu tập sự và giấy tờ chứng minh cho công việc được giao đúng chuyên môn đã làm trước đó. Căn cứ theo yêu cầu mà công chức/viên chức chuẩn bị đầy đủ hồ sơ.