hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 18/01/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tết này, trường hợp nào cha mẹ giữ tiền lì xì của con bị phạt?

Từ nhiều đời nay, lì xì là một trong những tục lệ của dân tộc ta mỗi dịp Tết đến xuân về. Tết này, trường hợp nào cha mẹ giữ tiền lì xì của con bị phạt?

Câu hỏi: Em nghe nói cha, mẹ giữ tiền lì xì của con là phạm pháp. Tết này, trường hợp nào cha mẹ giữ tiền lì xì của con bị phạt? Phạt bao nhiêu?

Con bao nhiêu tuổi được tự giữ tiền lì xì?

Theo Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.

Như vậy, tiền lì xì của con là tài sản riêng của con, có được do được tặng cho.

Tuy nhiên, về việc giữ tài sản riêng này, Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình lại phân chia theo độ tuổi như sau:

- Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

- Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

Như vậy, con từ đủ 15 tuổi là đã được tự giữ tiền lì xì theo quy định của pháp luật.

cha me giu tien li xi cua con bi phat
Cha mẹ giữ tiền lì xì của con bị phạt trong trường hợp nào? (Ảnh minh họa)

Trường hợp nào cha mẹ giữ tiền lì xì của con bị phạt?

Theo quy định nêu trên, tiền lì xì của con dưới 15 tuổi sẽ cho cha mẹ giữ. Con từ đủ 15 tuổi có quyền được tự giữ lì xì của mình.

Ngoài ra, căn cứ Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng (tự tiêu tiền lì xì). Nếu dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Như vậy, cha mẹ giữ tiền lì xì của con dưới 15 tuổi không bị phạt. Cha, mẹ giữ tiền lì xì của con từ đủ 15 tuổi trở lên theo thỏa thuận cũng không bị phạt.

Vậy, trường hợp nào cha, mẹ giữ tiền lì xì của con bị phạt?

Khoản 1 Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2022 nêu rõ:

Điều 58. Hành vi bạo lực về kinh tế

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

1. Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
...

Như vậy, việc xử phạt cha mẹ giữ tiền lì xì của con chỉ được thực hiện khi có hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng”. Mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng (tăng mạnh so với quy định cũ tại Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP chỉ phạt từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng).

Theo đó, chiếm đoạt là hành vi một người bằng thủ đoạn gian dối hoặc ngang nhiên, công khai chiếm đoạt tài sản của người khác, làm chủ tài sản không còn được sử dụng tài sản.

Tuy nhiên, thông thường mục đích cha, mẹ giữ tiền lì xì của con thường xuất phát từ các nguyên nhân: giữ tiền cho con không làm mất, không tiêu sai mục đích; dùng tiền lì xì để chi tiêu cho trẻ như mua quần áo, sách vở, đóng học… Vì thế, thông thường rất khó để chứng minh cũng như xử phạt hành vi cha, mẹ giữ tiền lì xì của con.

Trên đây là giải đáp trường hợp nào cha mẹ giữ tiền lì xì của con bị phạt? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X