hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 23/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trường hợp nào không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp?

Bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp là việc cơ quan bảo hiểm cho phép người lao động giữ toàn bộ thời gian đã đóng tiền để tính cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo. Vậy có trường hợp nào không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp không?

Mục lục bài viết
  • Không lấy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp có được bảo lưu bảo hiểm không?
  • Trường hợp nào không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp?
  • Thời gian bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp tính thế nào?

Không lấy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp có được bảo lưu bảo hiểm không?

Câu hỏi: Do sơ suất nên đến thời hạn nhận quyết định hưởng trợ cấp tại trung tâm dịch vụ việc làm tôi đã quên không lấy. Tôi đã xác định là không được nhận tiền, nhưng thời gian đã đóng bảo hiểm trước đó của tôi thì sẽ được xử lý thế nào ạ? Cảm ơn Hieuluat đã giải đáp giúp tôi

Căn cứ nội dung khoản 3 Điều 18 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người lao động được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp khi:

- Không trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác lấy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 03 ngày làm việc ghi trên giấy hẹn hẹn trả kết quả;

- Không thông báo lý do không thể đến nhận quyết định nói trên cho Trung tâm dịch vụ việc làm.

Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày người lao động hết hạn nhận quyết định, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Đồng thời theo khoản 5 Điều này, khoảng thời gian đóng bảo hiểm của người lao động sẽ được cộng dồn cho các lần kế tiếp.

Như vậy, khi không lấy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì toàn bộ khoảng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bạn sẽ được bảo lưu.

Không đi lấy quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp thì có được bảo lưu không?Không đi lấy quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp thì có được bảo lưu không?

Trường hợp nào không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp?

Câu hỏi: Em dự định sau khi nghỉ việc sẽ đi du lịch nước ngoài vài tháng. Nếu vậy thì em sẽ không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp đúng không ạ?

Chào bạn, đối với thắc mắc liên quan đến vấn đề trường hợp nào không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi xin giải đáp như sau:

Bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp có thể hiểu là việc cơ quan bảo hiểm cho phép người lao động cộng dồn thời gian đã đóng bảo hiểm mà chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc làm này sẽ tạo điều kiện cho người lao động sớm đủ điều kiện nhận trợ cấp cho lần tiếp theo nếu đủ điều kiện.

Tuy nhiên, căn cứ khoản 5 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP, người lao động rơi vào một trong các trường hợp sau đây sẽ không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp:

- Không còn thời hạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Bị phạt hành chính do vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

- Được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc mới mà từ chối 2 lần không có lý do chính đáng;

- Không tiến hành thông báo tìm việc làm trong vòng 3 tháng liên tiếp

- Ra nước ngoài để xuất khẩu lao động hoặc định cư;

- Có lương hưu hằng tháng;

- Chết.

Giả sử bạn chấm dứt hợp đồng lao động với công ty vào ngày 30/6/2022 và có 30 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bạn chỉ ra nước ngoài du lịch ngắn hạn và sẽ quay trở về nên bạn không thuộc trường hợp bị từ chối bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp.

Toàn bộ thời gian 30 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được giữ lại và tính cho lần bạn đề nghị hưởng trợ cấp tiếp theo.

Có trường hợp nào không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp không?Có trường hợp nào không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp không?

Thời gian bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp tính thế nào?

Câu hỏi: Mẹ tôi đã trích nộp bảo hiểm thất nghiệp đều đặn được 45 tháng trong suốt thời gian đi làm, đầu năm 2022 đã hưởng trợ cấp 03 tháng lần đầu tiên. Tôi được biết cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng là được nhận bảo hiểm, vậy những khoảng thời gian còn lại của mẹ tôi thì sẽ được tính thế nào ạ?

Chào chị, chúng tôi xin giải đáp câu hỏi của chị như sau:

Theo Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm, người lao động cứ đóng đủ từ 12 - 36 tháng thì được lĩnh 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng nhưng tổng số tháng nhận trợ cấp thất nghiệp không được vượt quá 12 tháng.

Mặt khác, theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính theo công thức sau:

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu

=

Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

-

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trong đó:

- Tổng thời gian mẹ chị đã đóng bảo hiểm thất nghiệp: 45 tháng;

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã sử dụng để hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp: 36 tháng;

Vậy thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu được tính bằng: 45 – 36 = 9 tháng.

*Lưu ý: Để tiếp tục sử dụng 9 tháng này cho lần trợ cấp tiếp theo, mẹ chị cần quay trở lại làm việc và tiếp tục đóng bảo hiểm hằng tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Trên đây là phần giải đáp xung quanh câu hỏi trường hợp nào không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp. Nếu còn câu hỏi khác, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết hơn.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X