hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 25/08/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

05 trường hợp người lao động được tạm ứng lương là gì?

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ), người sử dụng lao động bắt buộc phải tạm ứng tiền lương cho người lao động trong một số trường hợp. Cụ thể đó là những trường hợp nào?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi những trường hợp người lao động nào được tạm ứng tiền lương. Nếu thuộc trường hợp được tạm ứng nhưng công ty không cho ứng thì công ty có bị phạt không? Xin tư vấn giúp tôi!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho HieuLuat, về vấn đề của bạn, chúng tôi xin được thông tin như sau:

05 trường hợp người lao động được tạm ứng tiền lương

Khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán thì được trả lương theo thỏa thuận của hai bên.

Nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng người lao động được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Căn cứ khoản 2 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Điều 101 đã quy định về việc tạm ứng tiền lương như sau:

- Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

- Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên. Tuy nhiên số lương tạm ứng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Người lao động nhập ngũ (theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự) thì không được tạm ứng tiền lương.

- Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền, ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Do đó, có thể thấy 05 trường hợp người lao động được tạm ứng lương gồm:

1. Khi người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán mà công việc phải làm trong nhiều tháng

2. Theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động

3. Khi người lao động thực hiện nghĩa vụ công dân

4. Khi người lao động nghỉ hàng năm

5. Khi người lao động tạm đình chỉ công việc

truong hop nguoi lao dong duoc tam ung luong

Vậy, nếu bạn thuộc một trong 05 trường hợp được tạm ứng tiền lương mà công ty cho tạm ứng tiền lương thì công ty có bị xử phạt không? Bạn theo dõi thông tin chúng tôi đưa sau đây:

Trường hợp nào không cho tạm ứng lương sẽ bị xử phạt?

Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022 của Chính phủ đã có quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tiền lương.

Theo đó, phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:

+ Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật

+ Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động

+ Không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ…

+ Không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật;…

Thì bị phạt tiền với các mức sau đây:

- Từ 5 – 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 người - 10 người lao động;

- Từ 10 - 20 triệuđồng đối với vi phạm từ 11 người - 50 người lao động;

- Từ 20 – 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người - 100 người lao động;

- Từ 30 – 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người - 300 người lao động;

- Từ 40 – 50 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên là mức phạt đối với cá nhân, đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, nếu công ty không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật có thể phạt tiền từ 5 – 100 triệu đồng.

Pháp luật cũng chỉ quy định người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương cho nhân viên trong các trường hợp nhất định. Nếu không thuộc các trường hợp được tạm ứng lương thì việc tạm ứng tiền lương được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động (khoản 1 Điều 101 BLLĐ). Nếu người sử dụng lao động từ chối, cũng không trái quy định pháp luật.

Trên đây là giải đáp về trường hợp người lao động được tạm ứng lương. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X