hieuluat
Chia sẻ email

Trưởng thôn có cần phải là đảng viên không?

Thôn là một đơn vị dân cư tự quản dưới cấp xã, mỗi thôn sẽ có một trưởng thôn để quản lý. Vậy điều kiện để trở thành trưởng thôn là gì? Liệu trưởng thôn có cần phải là đảng viên không? Các bạn đọc quan tâm hay theo dõi bài viết dưới đây để được giải đáp.

 
Mục lục bài viết
  • Trưởng thôn có cần là đảng viên không?
  • Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng thôn, tổ trưởng Tổ dân phố
  • Quy trình bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố năm 2023 
Câu hỏi: Tôi đang muốn ứng cử để làm trưởng thôn nhưng tôi lại không phải đảng viên thì có được không? Trưởng thôn có cần phải là đảng viên không? Rất mong nhận được giải đáp.

Trưởng thôn có cần là đảng viên không?

Trưởng thôn có cần là đảng viên không?

Đảng viên là thành viên trong đội ngũ của Đảng cộng sản Việt nam, luôn phấn đấu cho mục đích và lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên lợi ích của cá nhân. Một cá nhân tự nguyện tham gia và phải đáp ứng được các điều kiện của một đảng viên được kết nạp vào Đảng thì mới trở thành Đảng viên.

Trưởng thôn là người quản lý của thôn. Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 04/2012/TT-BNV, để trở thành trưởng thôn thì cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Trưởng thôn phải là người có hộ khẩu thường trú tại thôn đó;

- Phải sinh sống thường xuyên ở thôn;

- Độ tuổi phải từ đủ 21 tuổi trở lên;

- Đảm bảo sức khỏe, tinh thần trách nhiệm trong công việc;

- Có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tốt; được mọi người tín nhiệm;

- Bản thân và gia đình gương mẫu luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; 

- Có kiến thức văn hóa, năng lực, kinh nghiệm trong việc quản lý cộng đồng dân cư.

Như vậy, căn cứ vào quy định về tiêu chuẩn để trở thành trưởng thôn, thì Trưởng thôn không cần phải là Đảng viên. 

Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương thì đảng viên là một trong những yếu tố được ưu tiên trong việc bình bầu trưởng thôn.

Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng thôn, tổ trưởng Tổ dân phố

Theo quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BNV Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV, Trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố (Tổ trưởng TDP) có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Về nhiệm vụ:

+ Tổ chức hội nghị thôn/tổ dân phố, thống nhất với cộng đồng dân cư và tổ chức thực hiện các nội dung công việc theo quy định;

+ Vận động, tổ chức nhân dân thực hiện dân chủ cơ sở, các hương ước, quy ước của thôn/tổ dân phố đã được cơ quan thẩm quyền thông qua;

+ Nắm bắt và phản ánh lại ý kiến nguyện vọng của nhân dân với chính quyền cấp xã;

+ Báo cáo UBND xã về những hành vi vi phạm trong thôn;

+ Thực hiện việc lập biên bản về kết quả đã được nhân dân bàn và quyết định trực tiếp những công việc của thôn, tổ dân phố; lập biên bản về kết quả đã được nhân dân bàn và biểu quyết những công việc thuộc phạm vi cấp xã. Đồng thời, báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND xã;

+ Phối hợp với Ban Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội khác tổ chức, phát động phong trào và vận động nhân dân tham gia;

+ Thực hiện báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm và cuối năm trước hội nghị thôn, tổ dân phố.

- Về quyền hạn:

 + Được đứng ra đại diện ký hợp đồng về xây dựng các công trình do cộng đồng thôn, tổ dân phố đóng góp kinh phí đầu tư và bảo đảm theo các quy định của chính quyền các cấp;

+ Thực hiện giải quyết công việc cho Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng TDP; được chính quyền cấp xã mời họp và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến quản lý, hoạt động của thôn, tổ dân phố; được bồi dưỡng, tập huấn về công tác tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Quy trình bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố năm 2023 

Quy trình bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố năm 2023

Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có nhiệm kỳ là 2,5 năm hoặc 05 năm do UBND cấp tỉnh quy định phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương. Nghị định 59/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của luật thực hiện dân chủ cơ sở mới có hiệu lực, trong đó có quy định quy trình mới nhất về việc bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Quy trình bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố năm 2023 được thực hiện theo quy trình sau:

Bước 1: Công tác chuẩn bị bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng TDP

- Chậm nhất 20 ngày trước ngày bầu cử, Chủ tịch UBND xã ban hành quyết định tổ chức bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng TDP. Đồng thời, phối hợp với Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ Việt Nam) cấp xã để xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cho hội nghị bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng TDP;

- Chậm nhất 15 ngày trước ngày diễn ra cuộc họp bầu cử, Trưởng ban công tác mặt trận thôn/tổ dân phố sẽ họp với Ban công tác mặt trận ở thôn/tổ dân phố để dự kiến danh sách người ứng cử. Đồng thời, báo cấp ủy chi bộ thôn/tổ dân phố giới thiệu ít nhất 01 người ra ứng cử. Sau đó, việc cử người ra ứng cử sẽ được lập thành biên bản và gửi tới UBND xã. 

- Chậm nhất 10 ngày trước khi diễn ra cuộc họp bầu cử, sau khi thống nhất với UBMTTQ Việt Nam cấp xã, chủ tịch UBND xã sẽ ban hành quyết định thành lập Tổ bầu cử;

- Chậm nhất 07 ngày trước ngày bầu cử, quyết định tổ chức bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng TDP và quyết định thành lập tổ bầu cử sẽ được thông báo và niêm yết tại thôn/tổ dân phố cho nhân dân được biết. Ngoài ra, có thể thực hiện thông báo qua hệ thống truyền thanh hoặc hình thức phù hợp khác khác đảm bảo thông tin nhanh chóng đến nhân dân. 

Bước 2: Tiến hành hội nghị bầu cử

Tổ bầu cử tiến hành triệu tập và chủ trì cuộc họp bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng TDP theo trình tự như sau:

- Tổ bầu cử tiến hành khai mạc cuộc họp, thông qua chương trình họp, cho tiến hành bầu thư ký cuộc họp (thư ký cuộc họp được quyết định khi có trên 50% đại diện hộ gia đình tham gia giờ tay biểu quyết đồng ý);

- Đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn/tổ dân phố công bố danh sách người ứng cử đã được Ban công tác Mặt trận thôn/tổ dân phố và cấp ủy chi bộ thôn/tổ dân phố thống nhất. Đồng thời đề nghị, đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp tự ứng cử hoặc đề cử người đủ điều kiện để tham gia bầu.

- Tổ bầu cử điều hành để những người tham dự cuộc họp thảo luận và tiến hành biểu quyết bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng TDP. 

Việc biểu quyết có thể thực hiện bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Nội dung cuộc họp, diễn biến cuộc họp và kết quả bầu cử phải được thành biên bản và ban hành thành quyết định theo mẫu.

- Người trúng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sẽ ra mắt cuộc họp;

- Chấm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc cuộc họp, Tổ bầu cử phải hoàn thiện hồ sơ và gửi quyết định bầu cử đến UBND xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Bước 3: Công nhận kết quả bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố

Trong vòng năm ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định bầu cử được cộng đồng dân cư thông qua, UBND xã sẽ xem xét và ra quyết định công nhận người trúng cử. Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố chính thức hoạt động khi có quyết định này. 

Trên đây là giải đáp về vấn đề Trưởng thôn có cần phải là đảng viên không? Nếu còn vướng mắc, vui lòng liên hệ đến tổng đài:  19006199 để được tư vấn và hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X