hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 07/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trưởng thôn có quyền bán đất không? Trách nhiệm quản lý đất đai thế nào?

Trưởng thôn có quyền bán đất không? Trách nhiệm trong quản lý đất đai ra sao? Quyền hạn của trưởng thôn theo quy định hiện nay như thế nào?

 
Mục lục bài viết
  • Quyền hạn của trưởng thôn theo quy định mới nhất
  • Trưởng thôn có quyền bán đất không?
  • Trưởng thôn bán đất trái thẩm quyền bị xử lý thế nào?
  • Trách nhiệm của trưởng thôn trong quản lý đất đai
Câu hỏi: Tôi muốn hỏi là theo quy định mới nhất thì trách nhiệm quản lý đất đai của trưởng thôn như thế nào? Trưởng thôn có quyền bán đất không? Đây là đất chung mà cả thôn dự định sẽ xây dựng nhà văn hóa nhưng lại không làm và để trống từ rất lâu.

Quyền hạn của trưởng thôn theo quy định mới nhất

Trưởng thôn là người được đa số người dân trong thôn bầu, đại diện cho thôn thực hiện các hoạt động khác nhau. Cụ thể là thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Khoản 8 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV như sau:

Trưởng thôn có nhiệm vụ:

- Tiến hành triệu tập và là người chủ trì hội nghị thôn; tổ chức triển khai thực hiện những công việc thuộc phạm vi của thôn đã được nhân dân bàn và quyết định; bảo đảm các nội dung hoạt động của thôn gồm:

+ Mức đóng góp xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, các công trình công cộng;

+ Bàn bạc, biểu quyết các vấn đề trong thôn; xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước;

+ Đóng góp ý kiến các công việc trong thôn; thực hiện các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, của Nhà nước,...

- Là người triển khai vận động, tổ chức cho người dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; thực hiện hương ước, quy ước của thôn đã được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền;

- Ghi nhận, tập hợp các phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng trong nhân dân và đề nghị cấp xã giải quyết.

- Báo cáo về các hành vi vi phạm pháp luật của người dân trong thôn.

- Tiến hành lập biên bản về những kết quả mà người dân trong thôn đã bàn, biểu quyết, quyết định, bao gồm cả những công việc thuộc phạm vi cấp xã; tiến hành báo cáo kết quả gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Phối hợp hoạt động cùng với Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội ở thôn để vận động người dân tham gia các phong trào, hoạt động, các cuộc vận động mà những tổ chức này phát động;

- Báo cáo kết quả công tác trước hội nghị thôn vào 6 tháng đầu năm và cuối năm.

Trưởng thôn có quyền hạn:

- Được tiến hành ký hợp đồng về việc xây dựng công trình do nhân dân trong thôn đóng góp kinh phí đầu tư, việc này đã được hội nghị thôn thông qua và phải bảo đảm các quy định có liên quan;

- Được phân công nhiệm vụ giải quyết công việc cho thôn phó; được xã mời họp và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến quản lý, hoạt động của thôn; được tham gia các lớp bồi dưỡng, buổi tập huấn về công tác tổ chức và hoạt động của thôn.

Thông qua những quy định nêu trên, có thể thấy pháp luật quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của trưởng thôn trong công tác quản lý, triển khai thực hiện công việc chung trong thôn cũng như các hoạt động khác đối với cơ quan cấp trên.

Trưởng thôn có quyền bán đất không?

Trưởng thôn có quyền bán đất không?

Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm bởi trên thực tế diễn ra tại nhiều địa phương, thôn xóm có phần đất chung được người dân đóng góp tiền để mua, nhằm mục đích xây dựng nhà văn hóa thôn hay dùng cho các hoạt động chung khác, nhưng khi bán đất thì người quyết định lại là trưởng thôn. Điều này có đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành?

- Điều 211 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về sở hữu chung của cộng đồng như sau:

“1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.

2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

3. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.”

Theo quy định nêu trên đất đai được mọi người dân trong thôn góp tiền mua nên thì được xác định là sở hữu chung của cộng đồng.

- Khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai năm 2013 quy định rằng: 

“2. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.”

Từ hai quy định nêu trên có thể thấy, quyền sử dụng đất thuộc cộng đồng dân cư sẽ không được chuyển đổi, chuyển nhượng hay cho thuê, tặng cho. 

- Thêm vào đó, Điều 59 Luật Đất đai 2013 quy định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thuộc về: UBND tỉnh, UBND huyện hoặc UBND xã tương ứng với mỗi trường hợp khác nhau; không quy định về thẩm quyền của thôn, xóm hay trưởng thôn; và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng này không được ủy quyền

Từ các căn cứ đã nêu trên, có thể khẳng định trưởng thôn không có quyền bán đất.

Trưởng thôn bán đất trái thẩm quyền bị xử lý thế nào?

Pháp luật không trao quyền bán đất cho trưởng thôn, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp trưởng thôn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tiến hành bán đất, chuộc lợi.

Tùy thuộc vào từng trường hợp với các hành vi cụ thể trưởng thôn có thể bị khởi tố hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, người nào vì mục đích vụ lợi, động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ sẽ bị xử lý như sau:

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm: nếu gây thiệt hại tài sản từ 10 triệu - dưới 200 triệu hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân/tổ chức khác.

-  Phạt tù từ 05 - 10 năm: nếu phạm tội có tổ chức, hoặc phạm tội từ 02 lần trở lên, hoặc gây thiệt hại từ 200 triệu - dưới 1 tỷ.

- Phạt tù từ 10 - 15 năm: nếu gây thiệt hại tài sản 1 tỷ đồng trở lên.

- Ngoài ra: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu - 100 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm - 5 năm.

Ngoài ra, một số trường hợp có thể bị truy cứu hình sự theo Điều 229 Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Với tội này, mức phạt ở khung thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm, khung cao nhất là 05 năm - 12 năm tù. Đồng thời, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức cụ, cấm hành nghề/công việc từ 01 năm - 05 năm và phạt tiền từ 10 triệu - 150 triệu.

Việc xác định cụ thể tội nào sẽ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh căn cứ vào các tình tiết, hành vi cụ thể.

Như vậy, trưởng thôn bán đất trái thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành.

Trách nhiệm của trưởng thôn trong quản lý đất đai

Trách nhiệm của trưởng thôn trong quản lý đất đai

Trên cơ sở quy định Khoản 8 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV về nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng thôn thì trong hoạt động quản lý đất đai, trưởng thôn có trách nhiệm:

- Vận động người dân thực hiện tốt các quy định pháp luật về sử dụng đất;

- Tập hợp các ý kiến, phản ánh, nguyện vọng của người dân trong hoạt động sử dụng, quản lý đất đai và gửi đến cơ quan có thẩm quyền;

- Báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng đất;

- Tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về đất đai;

- Là người đại diện cho thôn nêu ý kiến, quan điểm trong các buổi gặp mặt, lấy ý kiến hoàn thiện công tác quản lý, sử dụng đất;

- Nêu gương trong hoạt động chấp hành quy định pháp luật về đất đai;

- Thực hiện các hoạt động khác theo phân công từ cơ quan cấp trên.

Trên đây là giải đáp về vấn đề Trưởng thôn có quyền bán đất không cũng như trách nhiệm của trưởng thôn trong hoạt động quản lý đất đai. Để được tư vấn các vấn đề khác liên quan đến pháp luật các bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 1900.6199 để được giải đáp.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X