hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 03/02/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không bị coi là phạm tội?

Việc xác định hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội quyết định người thực hiện hành vi đó có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Vậy khi nào tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không bị coi là phạm tội?

Câu hỏi: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là gì? Khi nào tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không bị coi là phạm tội? Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có được miễn trách nhiệm hình sự không, trong trường hợp nào?

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là gì?

Căn cứ theo Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là việc cá nhân tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng để đạt mục đích dù không có gì ngăn cản.

Vậy tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là khi chủ thể đang thực hiện hành vi phạm tội, có khả năng thực hiện hành vi đó đến cùng, dù không có bất kỳ lý do nào khác tác động làm ngăn cản, cản trở nhưng họ vẫn tự động chấm dứt hành vi phạm tội của mình.

Việc chấm dứt hành vi phạm tội phải được biểu hiện bằng việc từ bỏ và chấm dứt hoàn toàn hành vi phạm tội. Trường hợp người phạm tội chỉ tạm thời dừng lại để chờ thời cơ thuận lợi tiếp tục phạm tội chứ không phải dừng hẳn thì không được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là gì?Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là gì?

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không bị coi là phạm tội?

Hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải bao gồm đầy đủ các điều kiện khách quan và điều kiện chủ quan.

Theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của mình, người đó sẽ được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Tuy nhiên, nếu hành vi thực tế mà người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội này thực hiện đã có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác thì người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội này.

Thêm vào đó, người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội xuất phát từ chính ý muốn chủ quan của họ quyết định rằng họ không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa. Do đó, hành vi này được xem là hành vi đã mất tính nguy hiểm cho xã hội.

Dẫn chiếu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017, hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội chính là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

Qua đó, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và hoàn toàn từ bỏ ý định phạm tội không bị coi là phạm tội.

Tuy nhiên, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội sẽ chỉ được miễn trách nhiệm hình sự vì có ý định phạm tội.

Trường hợp tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, chưa hoàn thành đã có đủ dấu hiệu cả các yếu tố cấu thành tội phạm khác thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó.

Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội tổ chức thực hiện hành vi phạm tội có đồng phạm, mặc dù họ đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nhưng vẫn mặc cho đồng bọn thực hiện tội phạm hay không áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn kẻ thực hành thực hiện tội phạm (nếu người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là người xúi giục), khiến tội phạm vẫn có thể được thực hiện, hậu quả của tội phạm vẫn có thể xảy ra. Khi này, người đó sẽ không được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Ví dụ về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Để quý bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, sau đây là ví dụ cụ thể phân tích cụ thể đối với chế tài này:

Anh A và chị B sau khi hợp tác làm ăn chung thì có xảy ra mâu thuẫn. Vì nóng giận nên anh A đã có ý định giết hại chị B bằng cách thiêu đốt. Sau khi trói chị B tại khu đất trống và chuẩn bị tiến hành thiêu cháy. Khi xăng đã được đổ ra, vì cảm thấy hối lỗi nên bản thân anh A đã dừng lại, bỏ lại chị B lại tại khu đất trống và bỏ chạy về nhà. Hành vi của anh A được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Như vậy, anh A được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm là tội giết người, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội đe dọa giết người.

Việc đưa ra chế định tự ý nửa chừng việc phạm tội không bị coi là phạm tội không chỉ là động lực để chủ thể chấm dứt phạm tội và được hưởng sự khoan hồng của pháp luật mà còn là biện pháp pháp lý nhằm hạn chế thiệt hại do hành vi phạm tội có thể gây tác hại cho xã hội.

Nếu Quý bạn đọc còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề trên, vui lòng liên hệ cho chúng tôi qua số hotline  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X