hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 11/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tước quân tịch là gì? Bị tước quân tịch mất quyền lợi gì?

Pháp luật nước ta chưa có định nghĩa cụ thể về thuật ngữ tước quân tịch. Vậy, tước quân tịch là gì? Bị tước quân tịch ảnh hưởng đến quyền lợi thế nào? 

Mục lục bài viết
  • Tước quân tịch là gì?
  • Tước quân tịch có mất quyền công dân không? 
  • Bị tước quân tịch có được hưởng lương hưu không?
Câu hỏi: Trường hợp công an bị tước quân tịch thì có bị ảnh hưởng đến quyền lợi hay không? Công an có mất quyền công dân hay không?

Tước quân tịch là gì?

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 10 Thông tư 16/2020/TT-BQP, tước quân tịch hay tước danh hiệu quân nhân là một trong các hình thức xử lý kỷ luật đối với quân nhân. 

Theo đó, tước quân tịch là việc quân nhân bị xóa tên khỏi danh sách quân nhân và bị tước quyền lợi mà quân nhân và gia đình được hưởng do có danh hiệu quân nhân.

Tước quân tịch là gì

Đối với lực lượng Công an nhân dân, tước quân tịch cũng chính là Tước danh hiệu Công an nhân dân. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 02/2021/TT-BCA thì tước danh hiệu Công an nhân dân là một trong những hình thức kỷ luật áp dụng đối với công an có hành vi vi phạm điều lệnh của Công an nhân dân.

Tương tự như trường hợp của quân nhân, theo Khoản 2 Điều 44 Luật Công an nhân dân năm 2018, nếu công an bị tước quân tịch thì công an sẽ bị mất hết những quyền lợi dành riêng cho người làm trong lực lượng công an nhân dân cũng như thân nhân của công an.

Tước quân tịch có mất quyền công dân không? 

Theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân tại Việt Nam được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và được bảo đảm về mọi mặt. Công dân Việt Nam chỉ bị hạn chế quyền công dân trong một số trường hợp nhất định khi xét thấy cần thiết.

Bị tước quân tịch thì không bị mất quyền công dân

Bị tước quân tịch thì không bị mất quyền công dân

Như vậy, khi quân nhân và công an bị tước quân tịch thì không bị mất quyền công dân. Quyền công dân của quân nhân và công an chỉ bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Bị tước quân tịch có được hưởng lương hưu không?

Về điều kiện hưởng lương hưu với quân nhân và công an bị tước quân tịch, theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH thì sẽ được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 và Khoản 1 Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 219 của Bộ luật Lao động 2019) và hướng dẫn tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH. 

Bị tước quân tịch được hưởng lương hưu

Bị tước quân tịch được hưởng lương hưu

Như vậy, bị tước quân tịch có thể được hưởng lương hưu. Quân nhân và công an bị tước quân tịch sẽ được hưởng lương hưu khi đáp ứng các điều kiện sau:

Một là, quân nhân và công an khi bị tước quân tịch có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Đủ tuổi theo quy định tại Bộ luật lao động;

  • Đủ tuổi theo quy định tại Bộ luật Lao động và có đủ thời gian 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ thời gian 15 năm làm việc ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (tính cả thời gian làm việc tại nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước thời điểm ngày 01/01/2021);

  • Quân nhân và công an có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại Bộ luật Lao động và có đủ thời gian 15 năm làm công việc khai thác than tại các hầm lò;

  • Quân nhân và công an bị nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hai là, Quân nhân và công an khi bị tước quân tịch có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức lương hưu thấp hơn so với người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có độ tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% - dưới 81%;

  • Có độ tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

  • Có đủ thời gian 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Tóm lại, khi bị tước quân tịch, quyền lợi của quân nhân, công an sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, quân nhân và công an sẽ bị xóa tên khỏi danh sách quân nhân, công an và bị tước quyền lợi mà quân nhân, công an và gia đình được hưởng.

Tuy nhiên, việc bị tước quân tịch không làm mất đi quyền công dân của quân nhân và công an. Quyền công dân của quân nhân và công an chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định.

Đồng thời, quân nhân và công an cũng sẽ được hưởng lương hưu nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Phần trên đây là nội dung trả lời cho câu hỏi Tước quân tịch là gì? Bị tước quân tịch mất quyền lợi gì? Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung tại bài viết trên đây vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn và hỗ trợ.
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X