Trong một số trường hợp, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để nắm được vấn đề.
Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là gì?
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Giấy phép, chứng chỉ hành nghề được định nghĩa là các loại giấy tờ, văn bản được cấp bởi cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền, hoặc cá nhân là người có thẩm quyền cho các cá nhân, tổ chức đáp ứng đủ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm khi kinh doanh, hoạt động, hành nghề trong các lĩnh vực đặc thù và buộc phải đáp ứng điều kiện liên quan đến chuyên môn của lĩnh vực đó.
Đây là 01 trong những yếu tố cơ bản quan trọng trước khi doanh nghiệp đi vào hoạt động trong lĩnh vực thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Có thể kể đến một số loại Giấy phép, chứng chỉ hành nghề như Chứng chỉ hành nghề luật sư, Chứng chỉ hành nghề dược, Chứng chỉ hành nghề y, Chứng chỉ hành nghề kế toán.
Giấy phép, chứng chỉ hành nghề nói trên không bao gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Chứng chỉ liên quan tới nhân thân của người được cấp không có mục đích cho phép hành nghề.
Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là gì?
Khi nào bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề?
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 01 trong số các hình thức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay.
Dẫn chiếu theo Điều 5 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn được áp dụng khi cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi vi phạm sau đây:
- Trực tiếp vi phạm các hoạt động được ghi trên giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
- Vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước.
Trong thời gian bị tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ liên quan đến nội dung hoạt động được ghi trên giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tước đó.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, việc áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được thực hiện như sau:
- Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng 01 lần, trong đó có từ 02 hành vi vi phạm trở lên dẫn đến việc bị tước quyền sử dụng nhiều loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề với thời hạn áp dụng xử phạt khác nhau thì sẽ áp dụng hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm với thời hạn riêng biệt tương ứng với từng hành vi.
- Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện từ 02 hành vi vi phạm trở lên dẫn đến việc bị tước quyền sử dụng cùng 01 loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì sẽ áp dụng hình thức xử phạt với thời hạn tối đa của hành vi có quy định thời hạn tước dài nhất
- Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm mà thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó ngắn hơn thời hạn áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì thời hạn tước được xác định là thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.
Khi nào bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề?
Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020, thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là từ 01 tháng đến 24 tháng, tính từ ngày cơ quan/người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và quyết định đó có hiệu lực thi hành.
Thời hạn tước quyền sử dụng một số loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề như sau:
(1) Đối với hành vi giả mạo, thuê Chứng chỉ hành nghề dược: Tước trong vòng 01 tháng - 03 tháng
(2) Đối với hành vi cho tổ chức, cá nhân khác mượn và sử dụng Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành để hoạt động: Tước trong vòng 12 tháng - 18 tháng
(3) Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có Giấy phép xây dựng trong trường hợp phải có giấy phép đã bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm: Tước đến 12 tháng
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, trường hợp hành vi vi phạm hành chính có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được quy định như sau:
- Nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ: Mỗi tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ 01 tình tiết tăng nặng;
- Nếu có trên 02 tình tiết giảm nhẹ: Thời hạn là mức tối thiểu của khung thời gian tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
- Nếu có trên 02 tình tiết tăng nặng: Thời hạn là mức tối đa của khung thời gian tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Trên đây là các quy định liên quan đến hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm. Nếu Quý bạn đọc còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ chúng tôi qua đường dây nóng 19006192 để được giải đáp.