Ủy quyền cho nhiều người cùng thực hiện một công việc được không? Mẫu văn bản ủy quyền cho 2 người cùng thực hiện công việc thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi đang có vụ việc liên quan đến vấn đề ủy quyền mong được giải đáp như sau:
Nếu trong cùng một vụ việc (ví dụ như cấp sổ đỏ, giải quyết tranh chấp hoặc là kiện tụng ở tòa…) mà tôi ủy quyền cho 2 người trở lên cùng thay mặt tôi thực hiện các công việc cần thiết để giải quyết, xử lý vụ việc đó thì có được không?
Nếu được ủy quyền như vậy thì tôi dùng mẫu ủy quyền nào là hợp lý, thưa Luật sư?
Chân thành cảm ơn.
Chào bạn, vướng mắc về vấn đề được ủy quyền cho nhiều người không, quy định của pháp luật về vấn đề này thế nào là vướng mắc được chúng tôi giải đáp như sau.
Được ủy quyền cho nhiều người cùng thực hiện công việc không?
Trước hết, căn cứ khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Thêm vào đó, phạm vi ủy quyền của pháp nhân, cá nhân phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên, trừ đại diện theo pháp luật mà không xác định rõ phạm vi đại diện thì người đại diện theo pháp luật được xác lập, thực hiện mọi giao dịch vì lợi ích của người được đại diện (Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015).
Từ căn cứ trên, suy ra, pháp luật cho phép cá nhân, pháp nhân được nhận ủy quyền của người khác để xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự miễn là trong phạm vi ủy quyền đã được các bên thỏa thuận mà không phân biệt số lượng cá nhân, pháp nhân được ủy quyền.
Cũng cần lưu ý, người ủy quyền phải chịu trách nhiệm với mọi hậu quả do người được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.
Ngoài ra, đối với những phần công việc vượt quá phạm vi đại diện/phạm vi ủy quyề sau đây, người ủy quyền vẫn làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người ủy quyền như sau:
Người ủy quyền công nhận giao dịch mà người nhận ủy quyền xác lập, thực hiện;
Người ủy quyền biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
Người ủy quyền đã có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết/hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện/hay không được nhận ủy quyền;
Pháp luật cho phép được ủy quyền cho nhiều người
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải mọi công việc, giao dịch dân sự khi ủy quyền cho nhiều người đều được các đơn vị, tổ chức, cá nhân nơi làm việc cùng chấp nhận hoặc đồng ý.
Lý do là bởi vì:
Trong văn bản ủy quyền không phân định rõ ràng phạm vi nhận ủy quyền của từng người;
Hoặc nhiều người cùng thực hiện công việc làm chồng chéo hoặc phát sinh các mâu thuẫn trong cách xử lý, dẫn đến làm gia tăng mức độ phức tạp của công việc cần giải quyết hoặc không đạt hiệu quả như các bên đã mong muốn;
Hoặc có thể gây ra thiệt hại cho bên ủy quyền bởi có thể phát sinh trường hợp bên nhận ủy quyền lợi dụng việc được nhận ủy quyền để trục lợi, mang lợi ích cá nhân về cho mình;
Hoặc do không thống nhất được cách thức xử lý vụ việc, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của người được ủy quyền;
Đặc biệt, trong trường hợp, ủy quyền được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực, thường có điều khoản cam đoan chưa ủy quyền thực hiện công việc này cho người nào khác trước khi chứng nhận, chứng thực văn bản ủy quyền.
Như vậy, pháp luật dân sự cho phép được ủy quyền cho nhiều người cùng thực hiện một công việc, giao dịch/hoặc nhiều công việc, giao dịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi thực hiện các công việc, giao dịch, không phải mọi trường hợp đều nên ủy quyền cho nhiều người cùng thực hiện.
Trong trường hợp ủy quyền cho nhiều người cùng thực hiện công việc, các bên cần lưu ý nên phân định rõ phạm vi nhận ủy quyền của từng người để giảm thiểu rủi ro hoặc hạn chế những tranh chấp, thiệt hại có thể phát sinh.
Đồng thời, tùy thuộc từng vụ việc, bên ủy quyền xác định có nên ủy quyền cho nhiều người hay một người để công việc được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.
Mẫu giấy ủy quyền cho 2 người có nội dung gì?
Như chúng tôi đã phân tích, pháp luật dân sự hiện hành không cấm việc ủy quyền cho nhiều người cùng thực hiện công việc, tuy nhiên, cần tùy thuộc từng vụ việc, đối tượng làm việc, giải quyết để quyết định những người nhận ủy quyền.
Pháp luật hiện hành chưa ban hành mẫu giấy ủy quyền thực hiện công việc cho 2 người, mà dựa trên các tình huống thực tế đã xử lý, quy định của Bộ luật Dân sự về ủy quyền, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc mẫu ủy quyền cho 2 người dưới đây:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
GIẤY ỦY QUYỀN
(V/v.....)
Hôm nay, ngày …. tháng…. năm 20..., tại địa chỉ: …
Tôi là……., sinh năm…..
Mang thẻ Căn cước công dân số... do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp ngày ... tháng ... năm ...
Đăng ký thường trú tại…..
Tôi là ….
Bằng văn bản này, tôi đồng ý ủy quyền cho ... Ông/Bà……., sinh năm…..Mang thẻ Căn cước công dân số... do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp ngày ... tháng ... năm ... Đăng ký thường trú tại…..Và Ông/Bà……., sinh năm…..Mang thẻ Căn cước công dân số... do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp ngày ... tháng ... năm ... Đăng ký thường trú tại….. được đại diện, thay mặt, nhân danh tôi thực hiện các công việc với nội dung như sau:
1. Phạm vi ủy quyềnNội dung 1: Ông/bà….. được thay mặt tôi thực hiện các công việc với nội dung sau:
………………………………………..
Nội dung 2: Ông/bà….. được thay mặt tôi thực hiện các công việc với nội dung sau:
………………………………………..
Hoặc Ông/bà…………và Ông/bà……….. được toàn quyền đại diện, thay mặt, nhân danh tôi thực hiện các công việc gồm:
…………………………………………
2. Khi thực hiện các nội dung ủy quyền, Ông/bà…. và Ông/bà………được lập, ký các giấy tờ cần thiết tại cơ quan Nhà nước, với tổ chức, cá nhân có liên quan;
3. Được toàn quyền thay mặt, nhân danh, đại diện cho tôi làm việc với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến giao dịch vay tiền như đã nêu;
4. Được quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các giao dịch, giấy tờ, tài liệu đã xác lập với tư cách là người được ủy quyền với các bên khác trong quá trình thực hiện công việc ủy quyền;
5. Được phép ủy quyền lại cho bên thứ ba (hoặc không được phép ủy quyền lại cho bên thứ ba) các nội dung nhận ủy quyền được ghi nhận trong văn bản này;
Thù lao ủy quyền: Việc ủy quyền này không có thù lao.
Thời hạn ủy quyền: Kề từ thời điểm bản hợp đồng này được công chứng/chứng thực cho đến khi bên được ủy quyền hoặc bên thứ ba thực hiện xong công việc được ủy quyền.
Tôi xin cam đoan, trước khi lập văn bản ủy quyền này, tôi chưa ủy quyền cho ai thực hiện các công việc trong phạm vi ủy quyền nói trên.
Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về mọi hậu quả do Ông/bà… và Ông/bà…là bên được ủy quyền (hoặc bên thứ ba được ủy quyền lại hợp pháp) theo nội dung ủy quyền được nêu tại văn bản này.
NGƯỜI ỦY QUYỀN
(ký, điểm chỉ, ghi rõ họ tên)
Mẫu giấy ủy quyền cho 2 người
Về cơ bản, mẫu giấy ủy quyền cho 2 người cùng thực hiện công việc có khác biệt lớn nhất là ở phạm vi ủy quyền/hay nội dung mà mỗi người nhận ủy quyền được thực hiện.
Nếu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền, các bên cần lưu ý đến 3 trường hợp được phép chứng thực chữ ký nhưng thường bị nhầm lẫn khi thực hiện trên thực tế theo điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP gồm:
Chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền không có thù lao;
Chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền;
Chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc chuyển quyền sử dụng bất động sản;
Như vậy, việc ủy quyền cho nhiều người cùng thực hiện công việc không bị cấm theo pháp luật dân sự.
Chúng tôi cung cấp mẫu ủy quyền cho 2 người/hoặc nhiều hơn 2 người như trên.
Trước khi ủy quyền, các bên cần thỏa thuận, cân nhắc kỹ về phạm vi, nội dung ủy quyền để đảm bảo tối ưu quyền lợi hợp pháp của bên ủy quyền/bên được ủy quyền.
Trên đây là giải đáp về ủy quyền cho nhiều người, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.